Tiếp tục Chương trình nghị sự của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đông Á tại Jakarta (Indonesia), sáng 21.4 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu và thảo luận với các nhà lãnh đạo về chủ đề “Thiết lập chương trình nghị sự cho bảo đảm an ninh lương thực”.
Bài phát biểu của Phó Thủ tướng đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế bởi Việt Nam từ một nước nghèo, thiếu lương thực trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, như là hình mẫu cần tham khảo, học tập. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 6,5 triệu tấn gạo và nhiều mặt hàng nông sản khác với tổng kim ngạch gần 31 tỷ USD. Có được kết quả này là do Việt Nam đã kiên trì thực hiện nhiều cải cách trong nông nghiệp, một trong những cải cách đó là thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân và các loại hình doanh nghiệp thông qua hình thức đối tác công tư.
Từ kinh nghiệm của Việt Nam, Phó Thủ tướng chia sẻ: Chính phủ các nước cần có cam kết mạnh mẽ đối với phát triển nông nghiệp, trong đó coi phát triển nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển đất nước. Với Việt Nam, chúng tôi đang nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp nhằm xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại có sức cạnh tranh và thân thiện với môi trường.
Việt Nam ủng hộ và đang tích cực triển khai nhiều sáng kiến toàn cầu và khu vực về nông nghiệp, trong đó có “Sáng kiến tầm nhìn mới trong nông nghiệp” do WEF khởi xướng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác với các nước tiểu vùng sông Mekong như Campuchia và Lào... để hình thành các chuỗi nông sản có khả năng cạnh tranh cao như gạo, ngô, cà phê, cao su...
Đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới cho xuất khẩu nông sản là một trong những vấn đề được Phó Thủ tướng nhắc tới trước các cử tọa. Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ mở ra các thị trường mới rộng lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Các nhà đầu tư quốc tế cần nắm bắt cơ hội này để tăng cường đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam.