Nâng cao nhận thức về sản xuất nông sản an toàn
17:45 - 22/04/2015
Lớp tập huấn sản xuất nông sản theo quy trình VietGAP tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đã kết thúc thắng lợi với sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của học viên.

Tại lớp tập huấn, các nhà vườn đặt câu hỏi tới báo cáo viên.

Lớp tập huấn do Hội Làm vườn (HLV) huyện Lai Vung phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân, Trạm Bảo vệ thực vật cùng Trạm Khuyến nông huyện tổ chức. T.S Võ Mai, Phó chủ tịch HLV Việt Nam; ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch HLV tỉnh Đồng Tháp; chuyên viên Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang; cùng nhiều lãnh đạo, cán bộ Hội nông dân, HLV, Trạm Khuyến nông của huyện, xã và gần 80 học viên là nhà vườn trong huyện đến dự.

 
Học viên tham gia lớp học được hướng dẫn về 3 nội dung chính là thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và sơ cấp cứu cho người lao động. Lớp học có các hoạt động phong phú như nghe thuyết giảng, làm bài thi trắc nghiệm kiến thức, thực hành sơ cấp cứu, làm bài nhóm thuyết trình. Lớp học diễn ra sôi nổi và có tính giao lưu, phản biện, nhiều câu hỏi của học viên gửi đến các báo cáo viên rất sâu sắc và thực tế đã được giải đáp cụ thể, rõ ràng. Sau 2 ngày tập huấn, các học viên được làm bài kiểm tra tổng kết; kết quả là nhận thức của các học viên đã thay đổi và được nâng lên rõ rệt.

 
Ông Tống Văn Phong, Phó chủ tịch HLV huyện Lai Vung, chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng băn khoăn về vấn đề sản xuất nông nghiệp kém an toàn trên địa bàn. Chính điều này đã làm cho uy tín, thương hiệu của sản phẩm bị hạ thấp, giá trị kinh tế của sản phẩm chưa xứng đáng và sản xuất kém bền vững. Điều này rất thiệt thòi cho bà con nông dân. Được sự giúp đỡ của HLV Việt Nam, cụ thể là TS. Võ Mai cùng HLV tỉnh Đồng Tháp tạo điều kiện giúp đỡ để tổ chức lớp tập huấn, chúng tôi và người dân rất vui mừng, phấn khởi. Người dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật để thực hành nông nghiệp tốt hơn, từ đó sản phẩm cây ăn trái của Lai Vung nói riêng và của Đồng Tháp nói chung sẽ tạo được uy tín, thương hiệu và nâng cao giá trị, đời sống của nhà vườn cũng được cải thiện và nâng cao”.
 

 
Ông Lê Quốc Thới, Tổ trưởng tổ quýt đường xã Long Hậu phấn khởi cho biết: “Sau khi tham gia lớp tập huấn, tôi đã hiểu thế nào là sản xuất an toàn và mức độ quan trọng của nó. Tôi đã biết các kỹ thuật canh tác cây ăn trái, biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và xử lí những sự cố khi cần thiết. Sau khi tham gia lớp học, tôi sẽ về thực hành tại vườn quýt đường của mình và tuyên truyền lại cho bà con nông dân, đặc biệt là các thành viên trong tổ hợp tác. Tôi hy vọng trong thời gian tới, sản phẩm của mình sẽ đạt chuẩn và được chứng nhận VietGAP, từ đó có thể mở rộng thị trường ra quốc tế, phát triển thêm hướng du lịch xanh, góp phần nâng cao uy tín chất lượng và thu nhập”.

 
Học viên Nguyễn Thị Kim Cương là cán bộ bảo vệ thực vật xã Phong Hòa cho biết: “Lớp tập huấn có ý nghĩa thiết thực đối với công tác của tôi. Tham gia lớp tập huấn, tôi được học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích; nhờ đó chuyên môn, nghiệp vụ được củng cố và nâng cao. Sau hôm nay, tôi sẽ về triển khai tuyên truyền rộng rãi đến bà con xã viên”.
 
TS. Võ Mai nhận xét: “Các học viên của lớp thực sự quan tâm tới vấn đề sản xuất nông sản an toàn theo quy trình VietGAP, mọi người tiếp thu bài rất nhanh, tích cực đặt câu hỏi và phát biểu. Qua bài kiểm tra tổng kết, có thể thấy nhận thức của người dân về quy trình sản xuất nông sản an toàn đã tiến bộ rõ rệt”.

 

TS. Võ Mai cũng bàn tới vấn đề thành lập tổ VietGAP trên địa bàn để các nhà vườn có thể hình thành vùng chuyên canh tập trung, liên kết sản xuất để nâng cao chuỗi giá trị nông sản cho người nông dân, hướng tới những thị trường xuất khẩu quốc tế như Mỹ, EU...
 

Tuy nhiên, để ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vào thực tế sản xuất của bà con nông dân cũng gặp một số khó khăn, cản trở nhất định. Theo bà Huỳnh Ánh Thạnh, cán bộ Hội nông dân huyện Lai Vung, điều khó khăn chính là tập quán sản xuất theo lối cũ của người nông dân không dễ dàng thay đổi trong ngày một ngày hai. “Khi bắt đầu ứng dụng triển khai vào thực tế thì người dân sẽ gặp phải nhiều lúng túng và dễ nản lòng, vì làm theo quy trình bài bản sẽ mất nhiều thời gian, đặc biệt người nông dân từ trước tới nay không có thói quen ghi chép. Tuy nhiên, qua buổi tập huấn thì người dân cũng đã nhận thức được lợi ích to lớn và bền vững của sản xuất nông sản an toàn, tôi tin rằng mọi người sẽ thực hành tốt”, bà Thạnh nói.

 
Kết thúc lớp tập huấn, TS Võ Mai trao 3 phần quà động viên cho học viên xuất sắc của lớp. Bên cạnh đó, các học viên tham gia lớp tập huấn và làm bài kiểm tra đạt chất lượng cũng được trao Giấy chứng nhận tham gia lớp tập huấn “Sản xuất rau quả an toàn theo quy trình GAP” của HLV.
 

Huyện Lai Vung hiện có 4.435ha vườn cây ăn trái với sản lượng hàng năm trên 80.460 tấn. Tại đây tập trung những giống cây ăn trái có giá trị cao như cam, quýt, xoài, bưởi, nhãn, thanh long..
 
 

Thùy Dương
Nguồn: Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo