Huyện Anh Sơn (Nghệ An): Mô hình sản xuất chè sạch theo công nghệ Nhật Bản
18:33 - 31/08/2017
(TNNN) - Thời gian qua, với kinh nghiệm của một vùng sản xuất chè lâu năm, người dân xã Hùng Sơn- huyện Anh Sơn đã dần nâng cao giá trị kinh tế của cây chè thông qua việc đầu tư sản xuất các giống chè cao cấp, có chất lượng cao như trà matcha, chè móc câu. Hiện nay, với diện tích canh tác trồng chè tới 530 ha, xã Hùng Sơn được xem là một trong những vùng nguyên liệu chè lớn của huyện.

Quá trình chăm sóc chè chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh để đảm bảo độ an toàn

 
Một điển hình là gia đình ông Phạm Văn Quý ở thôn 5, xã Hùng Sơn, người đã sản xuất thử nghiệm và thành công sản phẩm chè nguyên liệu dùng để làm bột trà xanh Matcha theo công nghệ Nhật Bản, với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức JICA. Đây cũng là mô hình đầu tiên của tỉnh sản xuất theo công nghệ này. Hiện nay, gia đình ông Quý đang tích cực chăm sóc cho 7 sào chè theo công nghệ này.

 
Ông Quý cho biết: Vào tháng 10/2016, ông may mắn được tổ chức JICA mời sang Nhật Bản tham quan, học tập mô hình sản xuất chè matcha chất lượng cao. Trong thời gian học tập tại Nhật Bản, ông được các chuyên gia tập huấn cho các kỹ thuật về cách làm đất, trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè.

 
Chè được trồng và chăm sóc theo công nghệ Nhật Bản hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào. Phân bón được sử dụng trong toàn bộ quá trình chăm sóc chè chủ yếu là nguồn phân bón hữu cơ, vi sinh, được ủ lên men từ các chế phẩm nông nghiệp. Đến khi chè phát triển tốt, sẽ dùng lưới đen phủ kín lên trên để giúp lá chè có màu xanh đậm. Từ đó mới tạo ra nguyên liệu “sạch” để làm nên những sản phẩm chè có chất lượng cao.

 
Sau khi học tập xong ở nước bạn, ông Quý trở về và áp dụng quy trình này dưới sự đầu tư hỗ trợ về kỹ thuật và máy móc của tổ chức JICA. Theo đó, trong quá trình trồng và chăm sóc nguyên liệu chè matcha, ông luôn tuân thủ đúng quy trình như: Khâu dọn thực bì phải dùng hoàn toàn bằng sức lao động, không được sử dụng thuốc diệt cỏ; phân bón được sử dụng chủ yếu từ phân hữu cơ, vi sinh… Từ đó, nguyên liệu chè sạch làm ra mới đáp ứng theo đúng các yêu cầu của dự án.

 
Một điều hết sức đặc biệt khi tham gia dự án này đó là nguyên liệu để làm ra chè matcha chỉ được thu hái trong vòng một tuần, khi búp chè đạt đến độ đủ tiêu chuẩn nhất. Trước khi thu hái khoảng 25 ngày, chè phải được che phủ tránh nắng đạt tỷ lệ 60- 90%. Cách làm này là để khi chè được che phủ trong điều kiện tối, lá chè sẽ sản xuất nhiều chất chlorophyll làm lá chè có màu xanh đậm hơn. Từ đó, kết quả lượng catechin và theanin trong lá chè tăng cao và làm cho chè có thành phẩm ngon, chất lượng nhất.
 

Sau khi thu hái, chè sẽ được phơi trong môi trường thoáng mát trước khi đưa vào chế biến. Tiếp đó, đưa sản phẩm vào hệ thống máy hấp chè, lá chè phải được hấp bằng hơi nước với nhiệt độ trên 100oC để đảm bảo loại bỏ được hết các tạp chất. Sau đó, chè tiếp tục được đem hấp lạnh để làm nguội; rồi đến công đoạn dệt men, làm khô trước khi đưa vào máy sấy. Chè được đưa vào máy để sấy khô, được đưa vào máy tách rồi sàng sảy để cho ra thành phẩm cuối cùng. Sau khi ra được thành phẩm, chè khô sẽ đem nhập cho các nhà máy để chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau như: Bột trà, nước trà xanh, trà gói…

 
Trao đổi về việc kết quả thực hiện mô hình sản xuất thử nghiệm, ông Quý cho biết: Bên phía dự án đã đề nghị ông thu hái và sản xuất chè thô, sấy thô rồi chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục chế biến. Hiện, nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật nên năng suất của gia đình ông đạt 1,5 tạ chè/sào.

 
Được biết, dự án hỗ trợ cho gia đình ông Quý kinh phí để sản xuất thử nghiệm mô hình và sẽ tiếp tục hợp tác với gia đình ông trong vòng một năm nữa để có được những kết quả đánh giá chính xác nhất. Nếu mô hình này thành công sẽ góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, đồng thời tạo nên một sự đột phá cho ngành chè của địa phương.

 
Theo ông Hoàng Đình Mỹ- Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn: Việc sản xuất thử nghiệm chè nguyên liệu làm bột trà xanh matcha theo công nghệ Nhật Bản thành công ở xã này đã mở ra cơ hội mới cho người trồng chè. Từ việc nâng cao giá trị của loại cây công nghiệp truyền thống của địa phương, người dân trong xã sẽ có thêm cơ hội nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời giữ vững được thương hiệu chè sạch chất lượng cao của huyện Anh Sơn.
Thùy Linh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo