|
Việc chuyển đổi từ mô hình trồng lúa sang cây ăn quả đã mang lại thu nhập khá cho các hộ tham gia mô hình |
Năm 2016, hộ nông dân Phạm Thị Lâm, khu 4 phường Hải Yên, TP Móng Cái, Quảng Ninh đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang trồng 200 gốc táo đào xanh (một loại táo lai năng suất cao), sau một năm trồng, chăm bón, đến nay, vườn táo đã bắt đầu cho thu hoạch.
Bà Lâm cho biết: Loại cây ăn quả này, không mất công chăm sóc nhiều mà lại cho giá trị kinh tế cao. Với giá bán 35 ngàn đồng/ kg, mỗi gốc táo cho hàng chục cân quả. Năng suất cao, có giá trị kinh tế, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn trái đang là một cách làm hiệu quả của nông dân Hải Yên nói riêng, thành phố Móng Cái nói chung.
Nhằm tăng giá trị kinh tế trên một diện tích đất nông nghiệp, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thôn Vĩnh Hoàn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất màu sang trồng cây ăn quả và bước đầu mang lại hiệu quả.
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tráng ở thôn Vĩnh Hoàn, xã Bồng Khê đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả dài ngày. Với diện tích 2000 m2 đất ông đầu tư trồng 280 gốc cam. Đến nay, vườn cam đã bắt đầu cho thu hoạch quả bói. Chưa kể, trong thời gian khi cây chưa khép tán, tận dụng đất trống giữa các hàng cây, ông còn trồng thêm cây lạc, sau 4 tháng mỗi sào như vậy, ông lại thu hoạch được thêm 3-4 tạ lạc. Với loại cây ăn quả này, gia đình ông không mất công chăm sóc nhiều mà lại cho giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Tráng còn cho biết thêm: “Ngoài diện tích đã chuyển đổi của thôn thì hiện nay trong thôn Vĩnh Hoàn có khoảng trên 60 hộ vào mua đất và thuê đất của xã Yên Khê để trồng cam. Có nhiều gia đình đã có thu hoạch rồi, nhờ vậy mà có tiền để xây dựng nhà cửa khang trang. Ở thôn chúng tôi từ khi chuyển đổi, bản thân tôi và một số hộ đã tiên phong đi trồng thử cây cam và bưởi. Thấy chỉ mới 2 năm mà cây phát triển rất tốt, dự báo là khoảng vài năm nữa thì thôn Vĩnh Hoàn chúng tôi sẽ có thay da đổi thịt”.
Hiện cây cam là cây mũi nhọn của huyện Con Cuông bời đây không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà là loại cây làm giàu cho người dân. Bình quân, mỗi năm nếu sản xuất thâm canh cây cam sẽ cho thu nhập từ 400-500 triệu, có thể đạt 600 triệu đồng/ha.
Hay như hộ anh Phạm Văn Chánh ấp Trường Phước, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp, anh đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thu nhập trên 500 triệu đồng.
Sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, hộ Anh Phạm Văn Chánh đã mạnh dạn chuyển đổi 0,52 ha đất trồng lúa sang trồng cây có múi, với diện tích trên anh Chánh trồng 600 cây cam xoàn (loại cây cho năng suất cao và giá bán ổn định). Sau 2 năm trồng, chăm sóc đến năm 2016, vườn cam xoàn của anh đã bắt đầu cho thu hoạch. Anh Phạm Văn Chánh cho biết: “Do diện tích đất của tôi xung quanh vườn tạp trồng lúa kém hiệu quả, nên tôi mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cam xoàn và sau 2 năm trồng không ngờ cho năng suất và lợi nhuận cao như vậy”.
Với 600 gốc cam xoàn vụ vừa rồi anh Chánh thu được 24 tấn trái bán với giá 30.500đồng/kg đã mang lại cho anh nguồn thu 732 triệu đồng, sau khi trừ chi phí từ khi gieo trồng đến thu hoạch khoảng 230 triệu anh còn lãi trên 500 triệu đồng. Riêng vụ cam năm nay đến thời điểm này trái bằng quả trứng và theo anh Chánh nhận định năng suất sẽ cao hơn năm vừa rồi từ 3-5 tấn trái, nếu giá bán ổn định như năm 2016 thì anh sẽ thu về từ 800-900 triệu đồng.
Thấy được hiệu quả kinh tế và khả năng thích nghi của cây cam xoàn trên vùng đất Trường Long Tây, cụ thể là mô hình của anh Chánh, nhiều nông dân lân cận đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa để chuyển sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: Cam xoàn, cam sành, chanh không hạt, bưởi da xanh, sầu riêng… trong đó chỉ riêng khu vực kênh 4000 thuộc ấp Trường Phước có hơn 8 ha với 6 hộ trồng cam xoàn.
Việc chuyển đổi từ trồng lúa sang canh tác các loại cây ăn trái bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều địa phương. Thời gian tới, mô hình sẽ được nhân rộng trong cả nước, cùng với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, vận động nông dân phát triển sản xuất nhằm xây dựng các vùng chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.