Nuôi chồn hương bằng "cơm có thịt" tưởng khó mà dễ
07:21 - 30/07/2015
Chồn hương thích ăn côn trùng như mối kiến, chim chuột, các loại bò sát, nhông và một số loại quả: chuối, đu đủ, cafe, mít, rễ cây… Khi nuôi thuần, cần cho ăn cơm và thức ăn do con người chế biến. Việc làm này không dễ nên cần kiên trì.
 

Chồn hương cho xạ hương là một loại dược liệu quý. Thịt nó rất mềm, thơm, ngọt và ngon, vì thế thịt chồn hương đang là món ăn đặc sản trong các nhà hàng. Chồn hương thân thon dài, chân ngắn, đầu và mõm nhọn. Lông màu xám đen và có khoang màu trên cơ thể. Dọc sống lưng có các vệt xám đen sọc dưa, xếp thành hàng chạy từ vai đến mông. Đuôi dài, có 7 vòng trắng xen lẫn với 7 vòng đen.

Theo trích lục sách Kỹ thuật nuôi chồn, kỹ sư Nguyễn Văn Tuyến cho biết, trước hết phải biết nhận dạng con cái con đực. Ngay từ khi chồn còn nhỏ, đặt chúng nằm ngửa để kiểm tra, nếu có gai giao cấu lồi ra là con đực, không thấy là con cái.

Kỹ thuật nuôi chồn hương năng suất cao 

- Chuồng trại: có thể tận dụng chuồng nuôi heo cũ, dùng vật liệu gỗ hoặc lưới thép vuông 3cm. Đóng thành từng ô chuồng cao 70cm, ngang 1m, dài 1,2m. Chuồng nuôi chồn hương làm theo hướng đông nam, có mái che, thoáng mát, cao ráo, đảm bảo mùa đông ấm, hè mát.

Chuồng nuôi chồn sinh sản nên làm bằng gỗ, dùng các thanh gỗ dày 1cm, rộng 3cm bào nhẵn, đóng xung quanh, để khe hở 1cm, ở dưới đáy có vỉ gỗ hoặc tre, đóng dày hơn, để dễ cho việc vệ sinh, chồn con không bị kẹt chân. Chồn hương trưởng thành có thân hình thon dài trung bình từ 55-75cm, cân nặng trung bình từ 2-5kg.

- Chọn giống bố mẹ: Chọn những con khỏe mạnh, không bị thương tật, lòng mượt, mắt mũi nhanh nhẹn, tinh tường.

- Thức ăn: Chồn hương ưa thích côn trùng: mối kiến, chim chuột các loại bò sát rắn, nhông và một số loại quả: chuối, đu đủ, cafe, mít, rễ cây… Khi nuôi thuần cần cho ăn thức ăn cơm có thịt, cá do con người chế biến. Chồn ở ngoài thiên nhiên mới đem về rất nhát cần kiên trì tập cho ăn.

Khi nuôi tại các trang trại gia đình, thông thường cho chồn ăn cơm, cháo nấu với cá biển. Một ngày cho ăn 1 bữa chính vào lúc 6 giờ tối, ban ngày cho ăn thêm trái cây có độ ngọt cao như mít, chuối, đu đủ…

Mùa sinh sản chồn hương không rõ ràng nhưng thường tập trung vào tháng 2 và tháng 10 âm lịch. Chồn nuôi được 8 tháng tuổi trở lên nếu sinh trưởng và phát dục tốt có thể giao phối lần đầu (nhưng tốt nhất để chồn 12 tháng tuổi mới cho giao phối).

Biểu hiện động đực của chồn hương thường không rõ ràng, nhất là chồn bắt từ thiên nhiên. Trong điều kiện nuôi nhốt, nếu cho ăn tốt, chồn thường động đực thường xuyên hơn. Nếu khi phối giống chồn không chửa thì sau 30 ngày chồn sẽ động đực, sẽ cho giao phối lại. Chồn hương ở ngoài thiên nhiên một năm đẻ được 1 lứa, chồn đã được thuần hóa, một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ trung bình từ 4-6 con.

- Một số biểu hiện khi chồn động dục: Chồn cái thường bỏ ăn 3 ngày, phá chuồng, phát ra tiếng kêu lạ. Chồn đực tiết ra mùi thơm (xạ hương) để quyến rũ con cái. Thời gian này, bắt con cái cho vào chuồng con đực để cho chúng giao phối. Lưu ý khi phát hiện chồn có biểu hiện động dục cần cho chồn giao phối ngay, khi giao phối xong, tách con cái, con đực nuôi riêng. Thời gian chồn mang thai khoảng 90 ngày, chồn con mới đẻ từ 7-10 ngày mới mở mắt, thời gian này chồn mẹ cho chồn con bú.

Nếu chồn đẻ nhiều thì tách từng cặp cho bú luân phiên, khoảng 1 tuần sau nhốt chung trở lại. Trước khi đẻ khoảng 30 ngày, cần bổ sung thêm các chất dinh dưỡng, cần thiết cho chồn mẹ như: Bcomplaex, Vitamin tổng hợp…Sau khi sinh cần cho chồn mẹ uống thuốc đầy đủ. Chồn con được 35 ngày tuổi, chồn tự ăn thức ăn với mẹ được, từ lúc đẻ tới lúc xuất chuồng khoảng 60 ngày, trọng lượng đạt 400-600g/con.

Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo