Máy nông nghiệp hoạt động ở ĐBSCL hầu hết của nước ngoài, số ít do trong nước sản xuất hoặc nông dân tự chế thì èo uột, khó phát triển.
|
Xe chở lúa tự chế của nông dân |
Mới đây, một cơ quan nhà nước ở TP.HCM tổ chức cuộc họp theo đề xuất của Tập đoàn Samsung, với mục đích hỗ trợ tìm kiếm các nhà cung cấp sản phẩm phụ trợ.
Nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL và cả nước có mặt, như Cty CP Công nghiệp và Thương mại (LIDOVIT), Cty TNHH MTV Cao su Thống Nhất, TCty lắp máy Việt Nam (LILAMA)...
Đại diện các doanh nghiệp cho biết, họ đã từng tiếp xúc với Tập đoàn Samsung nhưng chỉ nhận được lời hứa, chưa nhận được hợp đồng nào.
Trong lúc, máy nông nghiệp hoạt động ở ĐBSCL hầu hết của nước ngoài, số ít do trong nước sản xuất hoặc nông dân tự chế thì èo uột, khó phát triển. Còn công nghiệp phụ trợ để tham gia chuỗi toàn cầu vẫn là con số không.
Lạc hậu
Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất Cần Thơ, ông Võ Thanh Hùng, kể lại chuyện tiếp một tập đoàn của Đài Loan về cơ khí chính xác, cũng muốn tìm nhà cung cấp sản phẩm phụ trợ ở Cần Thơ.
Đại diện tập đoàn đưa cho ông 400 bản vẽ chi tiết cơ khí chính xác phục vụ ngành vận tải, để chuyển đến các doanh nghiệp của Cần Thơ, và đề nghị ông Hùng cho tham quan những doanh nghiệp hàng đầu.
Ông Hùng dẫn đến 4 doanh nghiệp cơ khí chính xác trong khu công nghiệp Trà Nóc. Sau khi tham quan, họ kết luận là các doanh nghiệp dùng máy CNC quá cũ, không đồng bộ, độ chính xác thấp.
Ông Hùng giải thích, máy CNC là máy đa năng cắt, gọt, tiện, bào tự động mà thế hệ mới nhất có đến 50 trục, mỗi trục có 10-20 con dao. Máy hoạt động theo chương trình thiết kế lập sẵn, một phút có thể làm ra hàng nghìn sản phẩm, từ những con ốc nhỏ như đầu tăm, mà máy NCN thế hệ cũ không làm được. Các máy CNC ở Cần Thơ đều thuộc thế hệ cũ.
Đại diện tập đoàn của Đài Loan nói rằng, nếu doanh nghiệp Cần Thơ hợp tác, riêng bộ phận lập trình (thiết kế) phải qua nước họ đào tạo lại. Bên cạnh, phải đầu tư máy CNC mới. Một máy CNC tùy thuộc nhiều hay ít đầu đa dụng mà có giá từ vài chục ngàn đến cả triệu USD. “Nhiều máy ở triển lãm quốc tế, nhìn không biết nếu không có chuyên môn chớ đừng nói đến sử dụng”, ông Hùng cho biết.
Cũng theo ông Hùng, sau khi làm việc với đại diện tập đoàn Đài Loan, ông hỏi các doanh nghiệp ở Cần Thơ thì tất cả lắc đầu, không có khả năng hợp tác vì không vay được vốn của ngân hàng, do tài sản đã thế chấp hết trong ngân hàng. Ngân hàng trả lời, tiền không thiếu nhưng thiếu thủ tục.
Ông Hùng đề đạt với cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ thì được bảo phải làm theo luật. Thế là bế tắc. Ông Hùng nói: “Nếu chính quyền bỏ ra mỗi năm vài chục tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí chính xác đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị hiện đại thì mới thoát được lạc hậu”.
Cần cụ thể
Trước đây, Cần Thơ có 2 nhà máy cơ khí phục vụ nông nghiệp, khá quy mô ở khu công nghiệp Trà Nóc và nhiều trạm cơ khí tiểu tu ở huyện. Những cơ sở ấy đều nhờ nguồn lực từ bên ngoài, thiếu định hướng chất lượng cao nên hiện nay, tất cả không còn.
Máy cuốn rơm tự chế của nông dân
"Một đất nước mà không có nhiều người giàu chân chính, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân mạnh về kinh tế, về công nghệ cao thì đất nước đó khó phát triển ổn định. Đây là điểm mấu chốt cần phải mạnh dạn thay đổi tư duy, chiến lược phát triển công nghiệp". (Ông Võ Thanh Hùng) |
Các tỉnh ở ĐBSCL như An Giang, Long An, Tiền Giang cũng từng có nhà máy cơ khí làm được máy cắt lúa xếp dãy, cầu sắt không gỉ; các DNTN làm máy gặt đập liên hợp, đúc chân vịt tàu thuyền. Hiện nay, một số đã phá sản, còn lại èo uột do lạc hậu, không tham gia được chuỗi sản phẩm toàn cầu.
Theo ông Hùng, bây giờ sản xuất những chi tiết về nhựa, ron cao su, chóa đèn để tham gia vào chuỗi toàn cầu cũng rất khó vì khâu tạo khuôn.
Thiết kế của các hãng sản xuất máy kéo, xe tải, máy gặt đập, v.v, luôn thay đổi mẫu mã làm cho các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng kịp và cũng không có vốn để đầu tư. Muốn phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, chính sách phải giải quyết được những việc cụ thể như thế, chứ đừng hô khẩu hiệu chung chung.
Một chiếc máy kéo, dàn cày có trên 20.000 chi tiết, máy nổ cũng có trăm chi tiết. Nhu cầu sửa chữa và thay thế rất lớn nhưng các trạm tiểu tu của những tập đoàn lớn chưa quan tâm, đấy đang là thị phần của các doanh nghiệp nhỏ nước ta. “Việc thay thế chi tiết hư hỏng bằng chi tiết của doanh nghiệp trong nước sản xuất, không vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, nên rất cần chính sách hỗ trợ phát triển”, ông Hùng nói.
Ở tỉnh Đồng Tháp, một tỉnh đi đầu tái cơ cấu nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đang chỉ đạo hệ thống chính quyền “chắt chiu sáng tạo trong dân”. Theo ông Hoan, các sản phẩm máy móc của nông dân sáng chế là kết quả của niềm đam mê sáng tạo vượt lên chính mình, đi từ đòi hỏi của cuộc sống và nhiệm vụ của bộ máy công quyền là hỗ trợ phát triển thoát khỏi “mô hình”, để trở thành sản phẩm công nghiệp hàng hóa.