Người “chữa bệnh” cho tiêu
10:27 - 08/06/2015
Sau thời gian bất lực nhìn vườn tiêu chết dần chết mòn do bệnh, thì nay nhiều nông dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) mừng như “nhặt được vàng” khi ông Dương Hùng Đỗ, Chủ tịch Viện Công nghệ sinh học miền Nam tại Gia Lai, đã sử dụng bài thuốc do mình nghiên cứu để cứu sống vườn tiêu của nông dân.
Ông Đỗ (ngoài cùng bên phải) tư vấn cách chữa bệnh cây tiêu ở Gia Lai

Ông Phan Văn Hậu (52 tuổi, thôn 5, xã Ia Hlốp) có 4 sào tiêu với khoảng 700 trụ. Đây là “cần câu cơm”  giúp gia đình ông nuôi mấy miệng ăn trong nhiều năm qua. Năm 2013, vườn tiêu này đang xanh tốt thì bỗng dưng lá úa vàng, sau đó héo rũ. Ông Hậu bỏ ra 13 triệu đồng mua đủ các loại thuốc về trị bệnh cho vườn tiêu nhưng cũng bất lực. Nghe tin ông Dương Hùng Đỗ chữa được bệnh cây tiêu, ông Hậu tìm đến cậy nhờ chữa thử. Phương thuốc được sử dụng là dùng phân bón địa long ngâm với nước, sau đó cho vào bình 12 lít, pha thêm 1 bịch sữa tươi, 2 quả trứng gà rồi phun đều lên cây tiêu. “Sau 1 tháng điều trị, vườn tiêu héo lá bỗng nảy mầm mới, lá xanh mọc lên tua tủa. Từ chỗ tưởng chừng mất trắng, nay vườn tiêu thu hoạch bình thường”, ông Hậu vui mừng kể.

 

Cũng như ông Hậu, ông Nguyễn Văn Tung (50 tuổi, thôn 5, xã Ia Hlốp) mừng ra mặt khi vườn tiêu 200 trụ của gia đình vừa được trị khỏi bệnh. “Trước kia vườn tiêu cũng mắc bệnh “chết nhanh, chết chậm”. Loại bệnh này rất khó chữa. Tôi đi cầu cứu khắp nơi nhưng ai cũng bó tay. Cũng may gặp được ông Đỗ chứ nếu không vườn tiêu cũng “tiêu” lâu rồi. Hiện tiêu cho thu hoạch rất khá. Bình quân mỗi trụ được 6kg tiêu khô”.
 

Theo ông Dương Hùng Đỗ, nhiều năm trước, ông xem truyền hình thấy tại tỉnh Gia Lai xuất hiện tiêu chết hàng loạt nên ông lên đây “ăn dầm nằm dề” để tìm hiểu. Qua nghiên cứu, ông Đỗ xác định tiêu chết do người dân lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật đã hủy hoại hệ sinh vật. Điều này tạo hệ lụy là gây nên những vùng yếm khí, tạo điều kiện cho các loại nấm độc như Phytophtora phát triển, tụt độ pH...  Kết quả là cây tiêu không thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng, gây ra các bệnh như “chết nhanh, chết chậm”. Sau đó, ông nghiên cứu chế tạo ra phân bón địa long và đã cứu được vườn tiêu của dân. Ông Đỗ cho biết, phương pháp của địa long là tạo kết tủa muối phèn, cân bằng độ pH trong đất, kích thích tế bào rễ hoạt động. Ngoài ra  giúp tránh được ngộ độc phèn, cây phát triển mạnh.
 

Thời gian qua, ông Đỗ đã sử dụng loại phân bón này để cứu nhiều vườn tiêu của các hộ dân trên khắp tỉnh Gia Lai. Riêng tại huyện Chư Sê, có hơn 100ha tiêu sử dụng loại phân bón do ông Đỗ nghiên cứu.


Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê, cho biết, qua tìm hiểu, trong loại phân bón này có 3 chủng vi sinh cần thiết cho cây trồng, gồm chủng phân giải lân, cố định đạm, giúp môi trường đất đỡ chua, tăng độ pH làm loại nấm gây bệnh “chết nhanh, chết chậm” không có điều kiện phát triển. Trên thực tế, người dân sử dụng loại phân này đúng kỹ thuật cho hiệu quả rất tốt, cây khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, trong loại phân này còn có nhiều thành phần chất khác. Vì thế, các nhà khoa học cần sớm nghiên cứu thêm trước khi đưa loại phân này vào ứng dụng rộng rãi.

* Trong lễ ra mắt Viện Công nghệ sinh học miền Nam tại Gia Lai, một số người dân xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê, Gia Lai) đã mang bức tượng bán thân của ông Dương Hùng Đỗ do chính họ thuê người đúc lên tặng, để tri ân ông đã cứu vườn tiêu của họ.

Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo