Đông Nam Bộ vào mùa khô hạn: Tự cứu bằng tưới tiết kiệm
14:31 - 05/06/2015
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, năm nay do ảnh hưởng của El Nino (hiện tượng nước biển nóng lên), tình trạng hạn hán, thiếu nước ở các vùng miền sẽ nghiêm trọng hơn. Là nơi tập trung nhiều cây trồng cạn như tiêu, điều, cà phê, cao su… nhu cầu tiết kiệm nước tưới cho các tỉnh Đông Nam Bộ càng trở nên cấp bách...

“Vua tiêu” Trần Hữu Thắng (Xuân Lộc, Đồng Nai) giới thiệu hệ thống tưới tiết kiệm nước.

 

Tổng cục Thủy lợi cho biết, năm 2014, vào mùa cao điểm, hạn hán khiến 90.000ha cây trồng ở các vùng miền Trung và Đông Nam Bộ bị thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm. Và năm nay cũng như thời gian tới chưa có cơ sở gì hứa hẹn sẽ khả quan hơn.

Thiếu nước vì lạm dụng giếng khoan

PGS-TS Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) nhận định rằng, tình trạng khoan giếng, đào mạch nước ngầm để lấy nước tưới với tỷ lệ dày đặc trong thời gian qua ở các tỉnh Đông Nam Bộ đã khiến nguồn nước ngầm sụt giảm nhanh chóng.

Trong khi đó, công trình thủy lợi lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ hiện nay là hồ Dầu Tiếng, đang phải chịu cảnh “bức tử” bởi tình trạng xả thải, đánh bắt tận diệt… gây ô nhiễm nguồn nước... Từ năm 2012, công trình thủy lợi liên hoàn Phước Hòa – Dầu Tiếng đã đi vào hoạt động, bổ sung nguồn nước vào hệ thống tưới tiêu của khu vực. Tuy vậy, theo đánh giá của một số chuyên gia, do chưa đạt kỹ thuật thiết kế nên việc cung cấp nước cho hồ Dầu Tiếng của hồ Phước Hòa chưa như mong muốn.

Tiết kiệm nước, năng suất cao

Để đối phó tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới, nhiều phương pháp tiết kiệm nước đã được nhà vườn các tỉnh Đông Nam Bộ áp dụng trong những năm gần đây, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Dù nằm ở vùng núi thường xuyên khô hạn nhưng “vua tiêu” Trần Hữu Thắng (ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) nhiều năm nay đã không còn lo vấn đề nước tưới cho vườn tiêu của gia đình. Ông Thắng là một trong những người đi tiên phong trong việc sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt ở địa phương này.

Theo đó, từ mô hình điểm phối hợp thực hiện với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai trên diện tích chỉ 1ha cách đây gần 10 năm, ông Thắng nay đã nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm ra cho toàn vườn tiêu của gia đình.

“Nước tưới và chế độ bón phân là hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, tuổi thọ vườn tiêu. Nhiều nhà vườn cho rằng, cứ tưới nhiều nước, bón đạm ào ạt là tiêu lớn nhanh, cho năng suất cao nhưng thực tế hoàn toàn khác. Tưới nước vừa đủ và bón phân hợp lý vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo năng suất, tuổi thọ vườn tiêu ở mức cao nhất”- ông Thắng giải thích. Cùng quan điểm, nông dân Nguyễn Bá Thịnh (ngụ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) cũng đã đầu tư cải tiến hệ thống tưới nhỏ giọt cho khoảng 6.500 nọc tiêu trên diện tích 3,5ha đất sản xuất của gia đình.

Theo nhận định của TS Nguyễn Đăng Nghĩa (Trung tâm Nghiên cứu đất - phân bón và môi trường phía Nam), so với cách tưới truyền thống, công nghệ tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm từ 20-40% lượng nước và giảm lượng phân bón cho cây trồng, qua đó giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do phân bón gây ra. Đặc biệt, khi áp dụng công nghệ tưới hiện đại với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập cho hộ gia đình từ 20- 50%.

   Mức đầu tư cho công nghệ tưới nhỏ giọt  cũng không cao, tùy theo quy mô nhà vườn và lưu lượng nước tưới, giá thành dao động từ 20 - 50 triệu đồng/ha, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ mô hình này mang lại kéo dài đến hàng chục năm sau đó.  

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo