Đồng bằng sông Cửu Long thiếu giống lúa chất lượng cho xuất khẩu
15:03 - 31/08/2017
Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vựa lúa của cả nước với lượng gạo xuất khẩu chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Hiện nay, mỗi năm toàn vùng cần từ 400.000-500.000 tấn lúa giống nhưng giống chất lượng cao vẫn chưa đủ đáp ứng cho ngành hàng thế mạnh này.
 

Các Trung tâm giống của các tỉnh và Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đáp ứng được 50%, số còn lại người dân tự để giống hoặc trao đổi với nhau nên chất lượng không đảm bảo.

Theo tiến sỹ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng được 11 quy trình kỹ thuật được công nhận cấp Quốc gia về kỹ thuật canh tác lúa; canh tác cây trồng cạn luân canh lúa và quy trình phòng trừ sâu bệnh.

Ngoài ra, các giải pháp kỹ thuật do Viện lúa cùng với các tỉnh đưa ra đã được nông dân áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Riêng quy trình “3 giảm 3 tăng” chiếm khoảng 35% diện tích toàn vùng tương đương 1,2 triệu/ha, hiệu quả mang lại trên 1 triệu đồng/ha, tiết kiệm giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hàng năm cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên 1.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vấn đề mà Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải là quá trình chuyển giao giống cho các đơn vị, bởi khi chuyển giao cho các công ty sẽ không thu hồi được vốn, trong khi nhiều đơn vị vi phạm chưa bị xử lý.
Hiện tại, có rất nhiều công ty bán giống nhưng không có vùng sản xuất nguyên liệu, không có nguồn giống đầu vào.

Ngoài ra công tác kiểm định còn lỏng lẻo dẫn tới chất lượng không giống không được đảm bảo, thực trạng này vẫn đang diễn ra phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tiến sỹ Trần Ngọc Thạch cho biết, do thiếu giống xác nhận nên một số địa phương vẫn đề nghị Viện hỗ trợ tiếp cho hệ thống nông hộ. Việc sản xuất lúa giống ở nông hộ thời gian qua phát triển rất tốt hiện nay đã nảy sinh nhiều bất cập.

Theo ông Thạch, lúa giống làm ra các hộ trao đổi với nhau vẫn còn dư thừa. Phần lúa giống thừa này họ bán lại cho các công ty không có vùng nguyên liệu, cho nên những công ty này có thể cạnh tranh bằng giá, thậm chí dưới giá thành sản xuất.

"Ví dụ giống lúa bình thường, công ty mua của nông dân về bán lại có 8.500 đồng/kg, trong khi một đơn vị đàng hoàng sản xuất giá thành cũng 8.500 đồng cho nên dẫn tới hệ thống chính quy không phát triển được" - tiến sỹ Thạch nói.

Chất lượng lúa giống đầu vào không đảm bảo sẽ dẫn tới chất lượng gạo thấp, không khẳng định được hạt gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. Đây là vấn đề mà toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải giữa hệ thống giống chính quy và không chính quy.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, Cần Thơ đang có 60 cơ sở được cấp mã số kinh doanh lúa giống, tương đối đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, để khẳng định thế mạnh của ngành hàng lúa gạo, ngành nông nghiệp Cần Thơ sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng vùng lúa chất lượng cao, từ đó sẽ khẳng định được thương hiệu lúa gạo Cần Thơ.

Ông Nguyễn Ngọc Hè đề nghị Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với ngành nông nghiệp trong việc tuyển chọn giống lúa có phẩm chất gạo tốt, phù hợp với điều kiện canh tác của thành phố để phục vụ cho việc xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh đó, phối hợp cùng các hợp tác xã sản xuất lúa giống để cung cấp trên địa bàn và các tỉnh lân cận.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cờ Đỏ cho biết, huyện đang sử dụng 2 giống chủ lực của Viện lúa là OM4218 và OM5451. Đây là hai giống chất lượng cao đáp ứng nhu xuất khẩu.

Theo lãnh đạo huyện Cờ Đỏ, việc được doanh nghiệp bao tiêu cũng đã dần nâng ý thức của nông dân trong việc sử dụng giống lúa xác nhận, không sử dụng lúa ngang để làm giống vì không đem lại hiệu quả.

Cờ Đỏ hiện có 11 hợp tác xã; trong đó có 8 hợp tác xã sản xuất lúa giống. Theo đánh giá, việc sử dụng lúa giống xác nhận không chỉ giúp nâng cao chất lượng lúa hàng hóa mà còn ổn định thu nhập cho người dân.

Theo ông Hiện, trong số 25.700ha sẽ xuống giống tới đây của huyện thì đa số là giống Jasmine, phần diện tích còn lại sản xuất lúa giống cho vụ Hè Thu và Thu Đông với hai giống OM5451 và OM4218.

Lãnh đạo huyện cho biết đang cố gắng cùng với Viện lúa giúp nông dân bằng việc giống đưa ra thị trường phải là giống xác nhận để sản xuất hàng hóa để nâng cao chất lượng sản phẩm trong quá trình bao tiêu đối với doanh nghiệp.

Ngoài huyện Cờ Đỏ, các quận, huyện khác của thành phố Cần Thơ như Ô Môn, Thới Lai cũng đang phối hợp với Viện lúa để sản xuất lúa giống ở các hợp tác xã.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ô Môn Lê Việt Vĩ cho hay, hiện quận có một hợp tác xã ở phường Thới Hòa đang sản xuất 10 ha lúa giống do Viện lúa hỗ trợ và đạt kết quả rất tốt.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến Đồng bằng sông Cửu Long thì việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo sẽ là việc làm cấp bách đối với ngành nông nghiệp của các địa phương trong vùng và cũng là thách thức đặt ra cho Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Để làm được điều này đòi hỏi cần tập trung nghiên cứu, chọn tạo ra những loại giống phù hợp, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu xuất khẩu, khẳng định vị thế hạt gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới./.
Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo