Tiền Giang: Người trồng thanh long trúng mùa được giá, thu lợi nhuận cao
18:33 - 31/08/2017
(TNNN) – Những năm gần đây, nông dân nhiều nơi trong tỉnh tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây thanh long được xem là thế mạnh của vùng, giúp tăng giá trị kinh tế cho người trồng. Với sản lượng bình quân hàng năm đạt khoảng trên 100.000 tấn, hiện tỉnh đang là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn trong cả nước.
|
Cây thanh long được xem là thế mạnh của vùng, giúp tăng giá trị kinh tế cho người trồng |
Theo thống kê hiện nay, Tiền Giang có tổng diện tích hơn 6.000 ha canh tác trồng thanh long các loại, được tập trung nhiều nhất là ở hai huyện Chợ Gạo và Tân Phước. Trong đó, huyện Chợ Gạo là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh với diện tích 4.500 ha, năng suất bình quân khoảng 30 tấn/ha/năm.
Nếu như vào những năm trước đây, thanh long lúc mùa thuận thường bị lâm vào tình trạng dội hàng, mất giá. Do đó, hàng dù đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cũng chỉ bán được với mức giá từ 3.000- 5.000 đồng/kg. Riêng năm nay, giá bán mặt hàng nông sản này rất tốt. Hiện thanh long ruột trắng dao động trong khoảng giá từ 6.000 - 12.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ và ruột tím có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Với mức giá tốt như vậy, nông dân thêm phấn khởi vì lợi nhuận thu được sẽ rất cao.
Tính toán nhanh của các nhà vườn trồng thanh long cho thấy, nếu vào thời điểm trúng mùa, được giá như hiện nay, cứ mỗi ha thu hoạch quả, người nông dân sẽ có lãi khoảng 500 triệu đồng trở lên (đối với mặt hàng thanh long ruột đỏ) và 300 triệu đồng (với thanh long ruột trắng).
Bên cạnh đó, do đang là mùa thuận, chi phí sản xuất tiết kiệm hơn nhiều so với mùa nghịch nên nông dân thu được lợi nhuận cao hơn. Sau khi trừ hết chi phí, nông dân còn thu lãi được từ 50 - 60% lợi nhuận. Từ đó, đời sống của hàng ngàn hộ dân trong huyện đã ngày càng trở nên khấm khá.
Mặt khác, phong trào trồng thanh long phát triển còn giúp giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động khác nhàn rỗi ở địa phương. Quanh năm, từ việc chăm sóc các vườn thanh long, mỗi lao động nữ được thuê mướn sẽ nhận được mức tiền công 170.000 đồng; đối với lao động nam từ 200.000 - 220.000 đồng tùy thuộc vào mức độ nặng nhọc của công việc.
Có thể thấy, nhờ việc chuyên canh trồng cây thanh long những năm qua, rất nhiều nông hộ ở địa phương trở nên giàu có. Một điển hình là hộ gia đình ông Võ Văn Chuột, trước đây ông là cựu chiến binh nghèo ở xã Phú Kiết- huyện Chợ Gạo. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi 0,8 ha từ đất vườn tạp sang trồng giống thanh long ruột đỏ, hiện mỗi năm khi vào vụ thu hoạch, gia đình ông bán thanh long thu lãi ròng trên 200 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình ông ngày một khấm khá hẳn lên.
Hay như hộ ông Nguyễn Văn Âu ở xã Quơn Long- huyện Chợ Gạo, cũng là một lão nông trồng thanh long giỏi. Ông Âu cho biết: Vào thời điểm khoảng từ đầu tháng 8 cho tới nay, giá thu mua thanh long trên thị trường bắt đầu tăng mạnh. Hiện nay, vườn thanh long ruột trắng có diện tích 5 ha của gia đình ông đang vào vụ thu hoạch chính. Với mặt hàng loại 1 (đạt tiêu chuẩn xuất khẩu) ông đang bán được với mức giá 20.000 đồng/kg. Như vậy, sau khi thu hoạch dứt điểm vụ này, trừ hết các chi phí sản xuất gồm phân, thuốc, điện nước, nhân công… ước tính gia đình ông vẫn còn lãi được khoảng 110 triệu đồng.
Ông Chín Diệp ở ấp Trung Hòa, xã Trung Hòa- huyện Chợ Gạo cũng phấn khởi khi với 1 ha vườn trồng thanh long ruột đỏ của gia đình đang trồng khoảng 1.200 gốc, tính từ đầu mùa đến nay đã giúp ông thu hoạch được 6 đợt quả. Ông Chín Diệp cho biết: Năm nay, sản lượng của gia đình thu trên 10 tấn quả, lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng.
Do vườn của ông đã được thương lái đặt cọc thu mua ngay từ đầu mùa với giá bình quân 17.000 đồng/kg nên đầu ra của quả thanh long luôn giữ ổn định với mức giá cao. “Gia đình tôi đang tập trung để thu hoạch nốt đợt cuối của mùa thuận, sau đó sẽ cho dưỡng vườn để chuẩn bị 1 tháng nữa vào mùa nghịch phải xông đèn cho thanh long”- Ông Chín Diệp nói.
Nhiều nhà vườn ở đây cũng cho hay, do được thương lái vào đặt cọc tiền ngay từ lúc quả còn đang xanh với giá cao nên khi đến đợt thu hoạch, người trồng thanh long đều rất khỏe, chẳng còn phải lo lắng đầu ra mùa thuận bán giá thấp hay không tiêu thụ được. Ngoài ra, để giúp cho việc tiêu thụ mạnh quả thanh long theo hướng xuất khẩu, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cũng đẩy mạnh nhiều hình thức tuyên truyền để người trồng thanh long trên địa bàn tập trung canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn diện tích trồng thanh long trong toàn tỉnh đã đủ tiêu chuẩn được chứng nhận VietGAP, hơn 260 ha chứng nhận GlobalGAP; đồng thời, các cơ sở thu mua, kinh doanh thanh long đều đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sơ chế, đóng gói xuất khẩu. Đây là điều kiện hết sức cần thiết để giúp mặt hàng thanh long có thể xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ…
Được biết, theo Đề án Phát triển cây thanh long đến năm 2025 đã được tỉnh phê duyệt, cụ thể: Tính đến năm 2020, diện tích trồng thanh long trong toàn tỉnh đạt khoảng 7.000 - 8.300 ha, diện tích thu hoạch khoảng 5.800 - 6.800 ha, năng suất bình quân từ 26 - 27 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 170.000 - 200.000 tấn. |
Hải Yến