Thí điểm triển khai mô hình DN xã hội, lối thoát cho con tôm xuất khẩu
11:21 - 14/07/2017
Kể từ năm 2018, Mỹ và EU sẽ áp dụng bắt buộc các nhà NK tôm phải thực hiện cấp chứng chỉ ASC và BAP, đồng thời...

Báo cáo với Bộ NN-PTNT về những khó khăn mới xung quanh những yêu cầu của hai thị trường XK tôm lớn của Việt Nam, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết: Kể từ năm 2018, Mỹ và EU sẽ áp dụng bắt buộc các nhà NK tôm phải thực hiện cấp chứng chỉ ASC và BAP, đồng thời thực hiện việc truy xuất điện tử các chứng chỉ này.  

Phải có chứng nhận

Theo ông Quang, đối với các sản phẩm tôm XK bình thường, hiện nay muốn XK được đều phải có chứng nhận. Muốn có chứng nhận thì phải thực hiện việc truy xuất nguồn gốc. Trên thế giới hiện nay mỗi thị trường yêu cầu mỗi loại chứng nhận khác nhau.

16-09-32_to1234
XK tôm của Việt Nam sẽ vấp những yêu cầu về chứng nhận mới

Đối với Mỹ, tất cả các hệ thống siêu thị và nhà phân phối lớn đều đã bắt đầu áp dụng yêu cầu nhà XK tôm phải có chứng nhận BAP (Best Aquaculture Practices - Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất) thì mới chấp nhận NK. Chứng nhận BAP được phân theo cấp độ “4 sao” gồm con giống, thức ăn, quy trình nuôi tôm và quy trình chế biến. Bên cạnh chứng chỉ BAP, một số tập đoàn phân phối lớn tại Mỹ cũng yêu cầu sản phẩm phải có thêm chứng chỉ ASC (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản).

Đối với thị trường châu Âu, trước đây các nhà NK chỉ yêu cầu có chứng nhận GlobalGAP. Tuy nhiên hiện nay, chứng nhận GlobalGAP chỉ còn được rất ít nhà NK yêu cầu, mà đa số các hệ thống siêu thị và nhà phân phối lớn đều yêu cầu phải có chứng nhận ASC mới chấp nhận NK.

Ngoài ra đối với các sản phẩm tôm sinh thái, từ năm 2018, thị trường Mỹ và EU còn yêu cầu phải có thêm các chứng nhận về quy trình nuôi sinh thái. Cụ thể đối với châu Âu, đại đa số các nhà NK đã yêu cầu sản phẩm tôm sinh thái từ năm 2018 bắt buộc phải có chứng nhận Euro Bio (tiền thân là Tiêu chuẩn sinh thái quốc gia Đức). Đố với Chứng nhận tôm sinh thái Naturland (Cơ quan chứng nhận sản phẩm sinh thái quốc tế - Đức) hiện chỉ còn được áp dụng ở thị trường Thụy Sỹ và Đức.

Theo ông Quang, những yêu cầu mới này là điều rất khó khăn cho các DN thủy sản của Việt Nam. Đặc biệt là với hình thức nuôi tôm sinh thái của Việt Nam như tôm rừng, quy mô thường rất nhỏ lẻ, trung bình chỉ từ 3-5 ha/hộ. Vì vậy nếu chiểu theo yêu cầu của các thị trường EU và Mỹ tới đây về truy xuất điện tử đối với chứng nhận ASC và BAP, sẽ là điều vô cùng nan giải. Bởi sản lượng tôm sinh thái mỗi ngày chỉ 5-10kg/hộ, không thể tạo nên một đơn vị sản phẩm để có thể cấp chứng nhận cho từng lô hàng của từng hộ nuôi, nên không thể truy xuất được nguồn gốc.  

Gỡ rối cách nào?

Ông Lê Văn Quang khẳng định với yêu cầu mới này của thị trường Mỹ và EU, việc cấp các chứng nhận như ASC, BAP hay chứng nhận cho tôm sinh thái sẽ là điều không thể, bởi việc cấp chứng nhận cũng như truy xuất nguồn gốc cho từng hộ dân nhỏ lẻ sẽ phát sinh chi phí rất cao (đối với chứng nhận BAP, mỗi hộ cấp chứng nhận sẽ phải mất chi phí thấp nhất là 5.000 – 10.000 USD). Vì vậy, yêu cầu cấp bách hiện nay đó là phải nhanh chóng gom các hộ nuôi thành một vùng nuôi thống nhất để cấp chứng nhận tương tự như việc cấp chứng nhận cho một vùng nuôi của các DN mới có thể giảm được chi phí cấp chứng nhận.

Làm việc với Tập đoàn Minh Phú, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nhất trí cao với phương án thí điểm xây dựng DN xã hội của Cty này với quy mô ban đầu dưới 100 hộ nuôi tôm. Theo Bộ trưởng, sau khi tổng kết hiệu quả hoạt động của mô hình này, nếu thành công, đây sẽ là hạt nhân để Bộ NN-PTNT có cơ chế tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.

Ông Quang cho biết cụ thể như với Tập đoàn Minh Phú tại Kiên Giang hiện nay có khoảng 1.000 ao nuôi tôm. Hiện việc cấp các chứng chỉ cho Minh Phú Kiên Giang chỉ tốn 10.000 USD. Năm đầu tiên, nước NK chỉ lấy mẫu 5% số ao để đánh giá, hiện giảm xuống xác suất chỉ còn 3% và 5 năm sau sẽ hạ xuống xác suất còn 1% mà thôi. Vì vậy nếu hình thành được một vùng nuôi thống nhất giống như mô hình Minh Phú Kiên Giang, sẽ chỉ cần lấy mẫu rất ít chứ không cần phải lấy mẫu cho tất cả các hộ dân, chi phí đánh giá cấp chứng nhận theo đó cũng sẽ hạ thấp.

Ông Quang cho rằng, một trong những phương án khả thi nhất để cấp được chứng nhận, đó là phải gom các hộ nuôi tôm lại và thực hiện góp vốn thành Cty cổ phần để trở thành một DN lớn, chịu sự giám sát, thực hiện quy trình nuôi, quy trình quản lí thống nhất. Khi đưa các hộ nuôi vào DN lớn, không chỉ thực hiện cấp được chứng nhận và truy xuất được nguồn gốc, mà còn có thể triển khai cấp được đa chứng nhận để thuận lợi cho việc tiêu thụ tôm trên nhiều thị trường, bởi yêu cầu về chứng nhận của mỗi thị trường hiện nay là rất khác nhau. Đây cũng là điều kiện rất thuận lợi để tiến tới cấp chứng nhận cho sản phẩm tôm sinh thái để tiêu thụ ở các thị trường với giá trị cao hơn bình thường từ 10-30%.

“Hiện nay, Tập đoàn Minh Phú đã triển khai thành lập thí điểm DN xã hội và đã có 400 hộ dân ban đầu đăng ký vào DN. Tuy nhiên theo Luật Chứng khoán, DN có từ 100 cổ đông trở lên lại thuộc Cty đại chúng, theo đó sẽ phải chịu sự quản lí và giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và phải được sự thông qua của Ủy ban này. Đây là vấn đề mà Minh Phú đang loay hoay nhưng chưa tìm được cách giải quyết. Vì vậy Minh Phú đã buộc phải chọn ra trước mắt 89 hộ (trong số 400 hộ đã đăng ký) có nhu cầu tha thiết nhất và đạt yêu cầu để làm về mô hình DN xã hội với quy mô khoảng hơn 300ha” – ông Quang cho biết.

Khi gom các hộ dân vào mô hình DN, sẽ là điều kiện để triển khai thêm mô hình DN xã hội. Bởi các DN này có thể kèm theo mục đích xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt xác định việc nuôi tôm cũng góp phần bảo vệ môi trường, chống xâm thực, chống xâm nhập mặn, sạt lở, bão lụt và các tác nhân biến đổi khí hậu. Khi đã thành lập được mô hình DN xã hội, sản phẩm tôm XK sẽ bán được giá cao hơn.

LÊ BỀN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo