Bán 1 tạ củ cây thuốc "khỏe thần kỳ", thu 20 triệu đồng
16:36 - 01/08/2017
Thông qua sự hỗ trợ của ngành chức năng địa phương, anh A Phiên, xã Đắk Pne, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đã trồng thử 300m2 cây sâm đá-loại cây vốn mọc hoang và đồng bào gọi là cây thuốc "khỏe thần kỳ". Sau 1 năm trồng, anh A Phiên thu hoạch 1 tạ củ bán được 20 triệu đồng.
Trồng 300m2 cây thuốc "khỏe thần kỳ"-sâm đá, sau 1 năm anh A Phiên thu hoạch, sơ chế được 1 tạ sâm củ, bán được 20 triệu đồng.


Từ kết quả trồng sâm đá thử nghiệm ban đầu, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kon Rẫy đang tiếp tục phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) hỗ trợ cho 3 hộ trên địa bàn xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy) trồng thêm 900m2 sâm đá để đánh giá và có hướng phát triển loại cây này.

Chúng tôi về xã Đăk Pne đúng lúc gia đình anh A Phiên ở thôn 3 đang tiến hành thu hoạch những cây sâm đá cuối cùng (anh Phiên là hộ dân đầu tiên được chọn trồng thử nghiệm cây sâm đá - PV). Sau 1 năm xuống giống, 300m2 sâm đá cho năng suất khoảng hơn 1 tạ củ sâm.

 

“Từ kết quả thu hoạch, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ lấy mẫu, gởi ra Bộ Khoa học và Công nghệ để đánh giá hàm lượng chất có trong loại củ này tại địa phương” - anh Đỗ Đình Ngọc - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kon Rẫy cho biết.

Cây sâm đá được người dân xã Đăk Pne phát hiện trong lúc đi làm rẫy. Theo người dân nơi đây, mỗi khi làm mệt, ăn củ này vào, thấy sức khỏe hồi phục nhanh nên họ vẫn gọi đây là cây thuốc khỏe. Đặc biệt, không chỉ dùng, người dân trên địa bàn xã còn nhổ về và bán củ này cho những người đi buôn từ Gia Lai lên với giá 150 ngàn đồng/kg.

“Trong năm 2016, sau khi tham gia Hội nghị Khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 6, nhận thấy sâm đá có nhiều tác dụng, cần được bảo tồn và kết hợp với những thông tin từ phía người dân, chúng tôi đã tiến hành trồng thử nghiệm loại cây này tại xã Đăk Pne” - anh Ngọc cho biết.

Theo đó, tháng 6/2016, UBND huyện Kon Rẫy đã giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiến hành chọn hộ gia đình anh A Phiên trồng thử nghiệm 300m2 sâm đá. Trong quá trình trồng, hộ anh A Phiên được hỗ trợ toàn bộ giống, phân bón, lưới rào, hướng dẫn kĩ thuật và hỗ trợ tiền nhân công 1,2 triệu đồng/ tháng.

 

Theo anh Phiên, được chăm sóc, theo dõi kĩ lưỡng, hơn nữa phù hợp với khí hậu nên sâm đá phát triển rất tốt, không bị sâu bệnh. Thấy sâm đá phát triển tốt, ngoài diện tích được giao trồng thử nghiệm, anh A Phiên chủ động trồng thêm 300m2 sâm đá của gia đình. Sau khi thu hoạch, với giá thành thương lái thu mua tận vườn là 200.000đ/kg, vườn sâm đá nhà anh Phiên đem về hơn 20 triệu đồng. Sau vụ trên, gia đình anh đã nhân rộng thêm 400m2 sâm đá và sẽ trồng lâu hơn, trong khoảng 2-3 năm...

Qua những đánh giá thực tế ban đầu, cộng thêm kết quả kinh tế từ nhà anh A Phiên, nhận thấy cây sâm đá phát triển và khá phù hợp với khí hậu tại xã Đăk Pne, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kon Rẫy tiếp tục sử dụng số giống thu được, chọn và hỗ trợ 3 hộ trên địa bàn xã trồng.

“Hiện tại, chúng tôi trồng thử nghiệm để tìm quy trình, thời gian tốt nhất cho cây sâm đá phát triển tối đa, tăng năng suất chứ chưa dám nhân rộng, trồng đại trà. Nếu sau 3 hộ này, sâm đá phát triển tốt, cho hiệu quả cao thì chúng tôi sẽ có định hướng tìm thị trường đầu ra ổn định và có hướng xây dựng Đăk Pne thành vùng điểm trồng cây sâm đá” – anh Ngọc cho hay.

Nguồn: Báo Kon Tum
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo