Trồng cây lạ ở Sóc Trăng, là niễng hay tre nước Đài Loan đều trái phép
Ngành chức năng huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng-nơi có nông dân trồng cây lạ-cây tre nước nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc) khẳng định, dù hộ dân trồng cây niễng hay là cây tre nước thì đều là trái phép...
Đúng như nhận định, loài thực vật lạ được trồng ở ấp Hậu Bối, xã Đại Hải, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc).
Qua khảo sát mẫu cây và đối chiếu với các tài liệu có được, có thể xác định sơ bộ rằng loài thực vật lạ này là một loài lúa hoang thuộc chi Zizania được trồng ở Đài Loan (trong khi lúa trồng và lúa hoang thường thấy ở Việt Nam thuộc chi Oryza). Cả hai chi Oryza và Zizania đều thuộc họ hòa bản (Poaceae).
Ở Đài Loan, loài thực vật này (Zizania spp hoặc Zizania latifolia) có tên là “tre nước” (water bamboo) do chúng phát triển tốt ở điều kiện đất bị ngập (nước) nông. Nông dân Đài Loan còn gọi tre nước là “tre chân trắng” hoặc “những chân của mỹ nhân” xuất phát đặc điểm về hình dáng và màu sắc của loài thực vật này. Tre nước ở Đài Loan được trồng ở vùng đất ngập nước và thu hoạch vào mùa hè (tháng 4 – 5) và mùa thu (tháng 8 – 9).
Tre nước được được trồng và thu hoạch đoạn thân gần gốc để ăn tươi hay chế biến thành các món ăn và được xem là rau của mùa bão do nó tồn tại được và cung cấp nhu cầu rau trong mùa bão. Thị trấn Puli (Phố Lí – huyện Nam Đầu – Đài Loan) được xem là “quê hương của tre nước”, nơi tre nước được cung cấp với số lượng nhiều nhất và chất lượng tốt nhất ở Đài Loan.
Loài Zizania latifolia trước đây mọc hoang ở Trung Quốc, một số vùng khác ở châu Á và cả ở miền Bắc nước ta. Tại miền Bắc Việt Nam, loài Zizania latifolia được gọi là cây niễng, niềng niễng hay lúa miêu. Cây niễng thường bị một loài nấm than (Ustilago esculenta) nhiễm vào mầm ngọn (đỉnh sinh trưởng) mà phình ra thành “củ”, nông dân thu hoạch củ này để ăn tươi, xào hoặc nướng. Những cây bị nhiễm nấm than và tạo củ được anh Nguyễn Văn Sử (người đang trực tiếp trồng loài thực vật lạ) gọi là “cây cái”; trong khi đó, những cây không bị nhiễm nấm than thì có thể trổ bông, tạo hạt được anh gọi là “cây đực”.
Tuy nhiên, việc trồng loài thực vật lạ ở Sóc Trăng dù là “tre nước” hay cây niễng thì cũng là trồng trái phép vì cây đã được di thực không tuân thủ theo quy định, trồng ở đất trồng lúa, chưa qua kiểm dịch, nghiên cứu, khảo nghiệm trước khi đem trồng ở vùng khác. Các rủi ro về dịch hại (chẳng hạn như nấm than – Ustilago esculenta), sự phát tán hạt, cạnh tranh môi trường sống với các cây trồng tại địa phương… chưa thể lường trước được.
Do đó, trước khi đưa ra giải pháp xử lý rổt ráo loài thực vật lạ ở Sóc Trăng, biện pháp tạm thời đang được thực hiện là cắt bỏ tất cả các bông sắp hoặc đang trổ, chỉ chừa lại 10 bông được bao bằng giấy chuyên dùng để khảo sát về cấu tạo hạt, khả năng sinh sản bằng hạt của cây, là một trong các cơ sở để định danh chính xác loài thực vật lạ này.