Do phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để sản xuất, tại một số địa phương, năng suất lúa giảm 20%, rau xanh không thể ăn và không bán được, sản lượng nuôi trồng thủy sản giảm đến 40%...
|
Cá chết trắng tại trên kênh tại địa phận xã Hà Thanh huyện Tứ Kỳ |
Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông chỉ nuôi được cá trong 3 tháng mùa mưa. Nhiều trạm cấp nước sinh hoạt đã phải bỏ vì công nghệ cũ không đáp ứng yêu cầu xử lý khi nước đã bị ô nhiễm quá mức. Những số liệu được Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường (Viện Khoa học Thủy lợi VN) đưa ra khiến nhiều người choáng váng.
Nhiều sông đã chết
Hệ thống Bắc Hưng Hải có nhiệm vụ đảm bảo cấp nước cho 110.000ha đất canh tác lúa màu và cây công nghiệp; tạo nguồn cấp nước cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với diện tích 12.000ha và tiêu nước…Nhưng theo đánh giá của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường: “Nguồn nước ở nhiều sông, kênh đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước sông có màu đen đặc, bốc mùi hôi thối. Nhiều kênh mương đã trở thành dòng sông chết, không còn sinh vật sống”.
Kết quả quan trắc chất lượng nước của Viện này trong 1 thập kỷ từ năm 2005 – 2016 cho thấy, hàm lượng chất hữu cơ tăng từ 10 – 12 lần, amoni tăng 20 – 30 lần, khoảng 97 – 100% số điểm quan trắc vượt tiêu chuẩn cho phép đối với nước sử dụng cho mục đích tưới tiêu và NTTS; Coliforms tăng 30 – 50 lần, tỷ lệ số điểm quan trắc có hàm lượng DO < 0,1mg/l tăng lên 50 – 60%.
Theo PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương (Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường): Tính đến 2015, Chi cục Thủy lợi Hải Dương mới thẩm định khoảng 30 hồ sơ cấp phép xả thải vào hệ thống thủy lợi, con số đó là quá nhỏ so với 6.000 doanh nghiệp cấp phép xây dựng trên địa bàn tỉnh. Việc kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện sau cấp phép xả thải chưa có cơ quan chuyên trách mà vẫn do doanh nghiệp tự thuê đơn vị tư vấn kiểm tra và báo cáo theo định kỳ.
|
Nước đen ngòm sau trạm bơm xã Tân Hồng huyện Bình Giang, Hải Dương |
Trong hệ thống Bắc Hưng Hải, địa phương bị ảnh hưởng ô nhiễm nước sông, kênh nặng nhất là huyện Gia Lâm và quận Long Biên của Hà Nội với 20/26 xã bị ô nhiễm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Tỉnh Hưng Yên với khoảng 106/161 xã bị ảnh hưởng và tập trung chủ yếu ở huyện Mỹ Hào, Văn Lâm, Khoái Châu, Yên Mỹ.
Sử dụng nguồn nước này để tưới thì hoa màu, cây lương thực bị giảm năng suất và chất lượng; sử dụng để nuôi cá thì cá chết. Nhiều trạm bơm phải bơm xả nước trước khi bơm lấy nước vào hệ thống kênh tưới hoặc để lắng nước trên kênh 2 – 3 ngày mới sử dụng được (sông Cầu Bây), thậm chí phải ngừng bơm (trạm bơm Như Quỳnh), còn nếu sử dụng luôn thì bọt bẩn bám đầy vào thân lúa, lá rau (Văn Lâm, Mỹ Hào…).
Nông nghiệp “dính đòn”
Ngoài ra, nguồn nước mặt bị ô nhiễm còn ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm. Một số nơi nước giếng khoan tầng nông có mùi tanh hôi, không sử dụng được. Các bệnh liên quan đến ô nhiễm cũng có xu hướng gia tăng ở địa phương có nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Do ô nhiễm nước đã phát sinh các khiếu kiện của người dân đến các cấp từ Trung ương đến địa phương.
|
Ô nhiễm nghiêm trọng trên sông Bắc Hưng Hải thuộc địa phận xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên |
Tại hội nghị “Bàn giải pháp xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi – hệ thống Bắc Hưng Hải”, do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Hải Dương vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đã phải thốt lên rằng: “May mà khi lấy nước ô nhiễm từ hệ thống Bắc Hưng Hải để nuôi cá thì cá chết, chứ cá mà vẫn sống, người dân bán ra chợ cho người ăn thì thực là nguy hiểm”.
Ông Tỉnh cho rằng: “Nước là yếu tố đầu vào quan trọng để tạo ra nông sản sạch. Nếu tình hình ô nhiễm nguồn nước ở hệ thống Bắc Hưng Hải không được giải quyết, đẩy lùi, thì sẽ đe dọa trực tiếp đến ngành nông nghiệp của một số tỉnh ĐBSH”.
|
Ông Nguyễn Văn Tỉnh phát biểu tại hội nghị bàn giải pháp xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi |
Ông Hoàng Văn Cường, Chủ tịch Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Đuống (thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải) cho biết: Trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt từ năm 2014 bắt đầu có hiện tượng tràn nước, điển hình như xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm) và một số xã của huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), nước tưới lên rất đen, có mùi hôi thối và dân không thể tưới cho cây trồng được. Tỉnh Bắc Ninh phải đầu tư một trạm bơm tạm lấy nước từ sông Đuống đẩy ngược về trạm bơm Như Quỳnh để pha loãng nước, dân mới có cơ hội lấy nước tưới.
Từ năm 2016, Nghị định 155 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề vứt rác thải, xác động vật xuống công trình thủy lợi, mức phạt từ 2 - 3 triệu/con. Mặc dù các công ty thủy nông đã tích cực kiểm tra, phát hiện và lập biên bản vi phạm gửi cho chính quyền các cấp (từ xã, huyện, tỉnh) xử lý theo thẩm quyền. Nhưng việc xử lý vi phạm hiện nay không hiệu quả. “Tỉnh khi họp thì chỉ có mấy câu chỉ đạo chung chung. Nhiều huyện không biết giao cho phòng nào tập hợp xử lý, khi ra văn bản chỉ đạo thì không nêu biện pháp xử lý. Đến cấp xã lại càng chung chung nữa", ông Cường chia sẻ.
“Đối với hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, tỷ lệ nước thải sinh hoạt chiếm gần 70% tổng lưu lượng xả thải, phần lớn chưa có hệ thống thu gom, xỷ lý hợp vệ sinh. Đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nước”, ông Hoàng Văn Cường. |