Giá cà phê tăng 1.000 đồng/kg
Trên thị trường cà phê, giá tăng phiên thứ ba liên tiếp tính đến ngày 3.5, sau khi giảm hơn 9% trong cả tháng 4.
|
Nông dân Đăk Lăk thu hoạch cà phê. Ảnh: Huy Thịnh (nguồn: Báo Gia Lai) |
Cụ thể, giá robusta kỳ hạn trên sàn ICE London tăng tới 2 – 3%; giá arabica kỳ hạn trên sàn ICE New York tăng khoảng 0,3% trong ngày 2.5. Tính đến ngày 2.5, giá robusta đã phục hồi trong hai phiên liên tiếp trong khi giá arabica cũng tăng liền 3 phiên.
Sức tăng của giá cà phê thế giới đã góp phần đẩy giá cà phê trong nước hồi phục, với mức tăng mỗi kg 1.000 đồng so với ngày giao dịch cuối cùng của tháng 4. Cụ thể, giá cà phê tại Lâm Đồng ở mức 43.200 - 43.400 đồng/kg; tại Đăk Lăk ở mức 43.600 - 43.800 đồng/kg. Giá cà phê tại Ia Grai (Gia Lai) đạt mức cao nhất với 44.000 đồng/kg.
|
Bảng giá cà phê nguyên liệu tại một số khu vực. Nguồn: tintaynguyen.com |
Theo nhận định của giới thương lái, làn sóng bán thanh lý vị thế dài hạn với cà phê đã kết thúc và cả hai thị trường đều đã tìm được động lực để tăng giá. Đợt bán tháo cà phê hồi cuối tháng 4 đã khiến tổng vị thế dài hạn với robusta giảm mạnh; đồng thời giới đầu cơ bắt đầu chuyển qua mua cà phê ngắn hạn với arabica lần đầu tiên kể từ tháng 6.2016.
Trên thị trường hàng giao ngay tại Mỹ, hoạt động giao dịch vẫn trầm lắng do nhu cầu yếu ớt vì nhiều nước nhập khẩu vẫn còn nhiều dự trữ cà phê trong kho. Tính đến hôm qua, dự trữ cà phê được chứng nhận gần như không đổi ở 1.410 triệu bao.
Theo Cục Trồng trọt, đến nay cả nước có trên 645.300ha cà phê, trong đó Tây Nguyên chiếm hơn 90% diện tích và 93% sản lượng. Năng suất cà phê Việt Nam trung bình đạt 24,5 tạ/ha, thuộc mức cao nhất thế giới.
Được biết, trong năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê nhân với kim ngạch đạt trên 3,35 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành sản xuất cà phê của nước ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, phát triển thiếu bền vững. Diện tích cà phê tăng nhanh, vượt quy hoạch, trong khi vẫn còn nhiều diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất và chất lượng thấp. Quy mô sản xuất cà phê nhỏ lẻ, trong đó 63% nông hộ có diện tích canh tác dưới 1ha/hộ nên khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để đầu tư thâm canh, tái canh, chuyển đổi giống mới.
Giá hồ tiêu qua mức nguy hiểm?
Trên thị trường hồ tiêu, giá tại thị trường Việt Nam đã tăng 4 ngày liên tiếp tính đến sáng nay, với mức tăng 500 - 800 đồng/kg. Tính riêng trong sáng nay, giá hồ tiêu Việt Nam tăng 200 đồng lên giao dịch trong khoảng 98.000 - 101.000 đồng/kg.
Mức giá tăng khiến nhiều bà con nông dân hy vọng giá hồ tiêu có thể phục hồi trở lại. Trước đó, trong ngày 27.4.2017, giá tiêu đen nguyên liệu tại các vùng nguyên liệu lớn như Gia Lai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đăk Lăk, Đồng Nai chỉ dao động quanh mức 93.000 – 95.000 đồng/kg, giảm khoảng 6.000 đồng/kg so với tuần trước nữa. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 2 tháng qua, còn vùng giá tiêu thì đang ở mức thấp nhất trong 10 năm.
|
Nông dân Chư Sê thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Lê Hòa |
Theo báo cáo của Trung tâm Tin học và Thống kê – Bộ NN và PTNT, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 4.2017 ước đạt 24 nghìn tấn, với giá trị đạt 133 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 75 nghìn tấn và 456 triệu USD, tăng 9% về khối lượng nhưng giảm 17,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2017 đạt 6.328 USD/tấn, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2017 là Hoa Kỳ, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Pakistan, Ấn Độ và Đức với 41% thị phần. Ba tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu tiêu tăng mạnh là Thái Lan (49,6%), Pakistan (37,9%) và Anh (37,2%).
Trong khi đó, trên thị trường thế giới giá hồ tiêu Ấn Độ ngày hôm qua lại giảm giá sau khi đóng băng vào cuối tuần trước. Mức giá giảm 334.55 rupi/kg hồ tiêu, đẩy mức giá xuống còn 56.745,45 rupi/kg hồ tiêu. Giá giao dịch hồ tiêu Ấn Độ đang tăng giảm không theo quy luật và thay đổi bất thường.