Suốt 6 tháng qua, giá lợn giảm sâu, đỉnh điểm là những ngày gần đây chỉ còn 15.000 - 16.000 đồng/kg, đẩy người nông dân vào cơn bĩ cực. Nhiều cuộc họp bàn đã được tổ chức để tìm giải pháp tiêu thụ thịt lợn, nhiều bộ ngành cũng hứa sẽ vào cuộc tích cực trong cuộc giải cứu này.
Nhằm tránh nguy cơ đổ vỡ đối với ngành chăn nuôi lợn, giúp hàng triệu hộ chăn nuôi vượt qua thời điểm khó khăn này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ liên tục có các văn bản yêu cầu các tỉnh giảm sản lượng. Tuy nhiên, về lâu dài là rà soát lại quy mô sản xuất, quy hoạch phù hợp với khả năng tiêu thụ của thị trường, đặc biệt là trong cơ cấu với các ngành hàng khác. Quy mô tổng đàn lợn nái hiện là 4,2 triệu con, phải loại bớt để giữ lại 3 triệu con. Đặc biệt là những con nái sản xuất kém, chất lượng thấp. Bên cạnh đó, cần tổ chức lại sản xuất, 55% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải được tổ chức lại theo hợp tác xã, nhóm sản xuất theo chuỗi, liên kết chặt chẽ với chế biến. Chuyển một số hộ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gia súc, nuôi các loại đặc sản, hữu cơ… để giảm nguồn cung thịt lợn. Bộ NN&PTNT sẽ cùng với Bộ Công Thương tìm thị trường cho thịt lợn. Xúc tiến thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN.
Để giảm giá đầu vào cho người chăn nuôi, những ngày gần đây một số nhà máy thức ăn chăn nuôi đã giảm giá 200 đồng/kg. Một số DN đã ngừng không đưa thêm thịt lợn ra thị trường, nhường lại thị trường cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Một số doanh nghiệp, trung tâm chế biến như: Saigon Corp, Hapro… đã mua thịt lợn để cấp đông. Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã vào Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh để tìm giải pháp cho những trung tâm chăn nuôi ở đây. Chính phủ cũng đồng ý tạm dừng tạm nhập tái xuất thịt lợn, có giải pháp tín dụng phù hợp với các hộ chăn nuôi. Tại cuộc họp bàn này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Trung ương đoàn, Hội Nông dân… cùng giúp nông dân chăn nuôi lợn vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Thiếu tướng Phan Bá Dân - đại diện Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) cho biết, lực lượng vũ trang sẽ chia sẻ những khó khăn với bà con nông dân. Lực lượng quân đội hứa sẽ tiêu thụ thịt lợn cho bà con nông dân. Tuy nhiên, đề nghị Bộ NN&PTNT có văn bản cụ thể để chúng tôi có những giải pháp cụ thể.
Cùng quan điểm này, theo Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành, ngành công an đã triệu tập hội nghị giao ban trực tuyến để giải cứu, tháo gỡ, tiêu thụ các sản phẩm gia súc cho nông dân. Bộ Công an sẽ chung tay, hưởng ứng chỉ đạo của Chính phủ để tiêu thụ thịt lợn cho nông dân. Chúng tôi đã thành lập ban chỉ đạo, giao chỉ tiêu cho từng đơn vị. Chúng tôi sẽ có kế hoạch chi tiết để gửi cho Bộ NN&PTNT, trong đó phấn đấu một quý tiêu thụ 70.000 tấn thịt lợn. Đây cũng là một trong những nội dung được đưa vào trong thi đua của ngành.
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng hứa sẽ kêu gọi 17 triệu đoàn viên công đoàn, cán bộ, công nhân viên chức cả nước chia sẻ với người chăn nuôi lợn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Liên quan đến mặt hàng thịt lợn, cả năm 2016, số lượng các quốc gia nhập khẩu vào Việt Nam đạt chưa tới 40 ngàn tấn và trị giá 44 triệu USD, chỉ chiếm 0,1% sản lượng thịt lợn tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. Về mặt hàng tạm nhập tái xuất, về nguyên tắc sẽ không tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, nhưng cũng có một số lượng hàng thẩm lậu, nhất là liên quan đến nội tạng động vật.
Về thị trường xuất khẩu, hiện chúng ta mới xuất sang thị trường Malaysia, Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn sữa, còn lại chúng ta chưa xuất khẩu được. Nguyên nhân là do chúng ta tăng đàn nhưng chất lượng không tăng, chưa đảm bảo cho việc xuất khẩu được sang các nước.
Nhất chí với các đề xuất của Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trước mắt, ngoài việc tích cực mở rộng thị trường, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo tất cả các Sở Công Thương, hệ thống phân phối và đặc biệt là hệ thống siêu thị, các nhà phân phối lớn tăng cường thu mua và tiêu thụ mặt hàng thịt lợn giúp giảm chi phí trung gian, giảm chênh lệch giữa giá mua và giá bán. “Ngay trong mấy ngày gần đây, các siêu thị như: Big C, SaiGon Corp… đã giảm giá thịt lợn 15- 30% tại siêu thị và họ hứa sẽ tiếp tục giảm thêm”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… tham gia các chương trình bình ổn thị trường tăng việc bỏ vốn ra thu mua mặt hàng thịt lợn này. Đồng thời, xem xét chặt chẽ việc nhập khẩu thịt lợn, mặc dù số lượng này chỉ chiếm 0,1%. Đối với mặt hàng tạm nhập tái xuất thịt lợn có thể không lớn, nhưng chúng tôi cũng nhất chí với phương án có thể tạm dừng nhập khẩu các mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn nhưng phải phù hợp với quy định quốc tế.
Về lâu dài cần kiểm soát đàn nuôi, đảm bảo tăng cường chất lượng, kiểm soát dịch bệnh… Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thịt lợn.
Sáng ngày 28/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì họp với các Bộ Liên quan, bao gồm: Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chnhs, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Quốc phòng, tìm biện pháp giúp ngành chăn nuôi nói chung, nhất là ngành lợn vượt qua khó khăn để ổn định phát triển. Phó Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ những khó khăn của người chăn nuôi và đồng tình cao các giải pháp mà Bộ NN&PTNT kiến nghị, đặc biệt là giải pháp dừng việc tạm nhập tái xuất mặt hàng thực phẩm có liên quan đến chăn nuôi, thủy sản trong nước và kiểm soát chặt hơn hoạt động nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi dựa trên các hàng rào kỹ thuật để hạn chế các sản phẩm chăn nuôi không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật vào thị trường Việt Nam.