Tập trung kiểm tra, kiểm soát sản xuất, kinh doanh phân bón
09:26 - 08/05/2017
(TNNN) – Nhằm ổn định thị trường phân bón, thời gian qua, các tỉnh, thành trên cả nước đã tăng cường công tác kiểm tra mặt hàng phân bón, góp phần đảm bảo quyền lợi cho nhà sản xuất, kinh doanh, đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

 

Bà con nông dân cần cẩn trọng trong quá trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Theo đó, các Chi cục Quản lý thị trường ở các tỉnh, thành sẽ tập trung kiểm tra các nội dung chấp hành quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, hóa đơn chứng từ, giấy phép kinh doanh, việc thực hiện các quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết…Đặc biệt, nếu thấy nghi ngờ phân bón giả, kém chất lượng, Chi cục sẽ tiến hành lấy mẫu để kiểm nghiệm các thành phần theo tiêu chuẩn đăng ký chất lượng đã công bố.


Để thiết lập lại trật tự thị trường sản xuất,  kinh doanh, năm 2017, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương tích cực triển khai là chú trọng quản lý thị trường phân bón...


Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 636/QĐ-BCT phê duyệt kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ năm 2017. Các đối tượng nằm trong diện trọng điểm phải kiểm tra thường xuyên, gồm: Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ; kiểm tra việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh; kiểm tra chất lượng phân bón vô cơ; việc ghi nhãn hàng hóa theo quy định và các quy định khác của pháp luật trong kinh doanh phân bón vô cơ.


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 21 cơ sở sản xuất phân bón. Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón đã tích cực đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phát triển nhiều loại phân bón mới phù hợp yêu cầu sử dụng.


Công tác quản lý thị trường, quản lý chất lượng, giá phân bón, công tác tuyên truyền cũng đã được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn, hạn chế các hành vi gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng.


Tuy nhiên, hiện nay tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn tổn tại trên thị trường. Một số doanh nghiệp, cá nhân vì chạy theo lợi nhuận mà sản xuất, kinh doanh các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, gây thiệt hại cho nông dân và  bức xúc cho các doanh nghiệp.

 
Ngay trong tháng đầu ra quân, qua kiểm tra các cơ sở, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 19 cơ sở vi phạm và tiến hành xử lý. Tổng số tiền thu phạt là 147,250 triệu đồng, trong đó, phạt vi phạm hành chính 142,875 triệu đồng. Điển hình như: Đội Quản lý thị trường số 16, Chi cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh phân bón Nguyễn Văn Liên, địa chỉ tại xã Điền Trung, huyện Bá Thước.


Qua kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường phát hiện ông Liên kinh doanh buôn bán phân bón giả không có giá trị sử dụng, công dụng. Ông Nguyễn Văn Liên đã bị xử phạt hành chính 8 triệu đồng; truy thu: 2,625 triệu đồng số tiền đã bán phân bón giả và tiến hành tiêu hủy 1.250 kg phân bón siêu lót 513 theo quy định, trị giá hàng hóa vi phạm là 4,375 triệu đồng.
 

Ngoài ra, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 100 triệu đồng; đồng thời đình chỉ hoạt động sản xuất phân bón trong thời hạn 2 tháng đối với Công ty CP Công nông nghiệp Vạn Thắng, địa chỉ tại xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, về hành vi sản xuất phân bón khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất phân bón.


Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, năm 2017 cùng với các kế hoạch kiểm tra thường xuyên, định kỳ được xây dựng thường niên, chi cục sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo yêu cầu và triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra thị trường phân bón tại địa phương.


Trong đó, tập trung cao điểm vào khung thời vụ chính, thời điểm mà thị trường phân bón diễn ra sôi động phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, từng bước siết chặt kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón. Chi cục khuyến cáo bà con nông dân cũng cần tìm hiểu kỹ về xuất xứ sản phẩm khi mua phân bón, tránh những rủi ro, thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.
 

Theo số liệu thống kê của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn, đến thời điển hiện tại, trên địa bàn tỉnh hiện không có cơ sở nào hoạt động sản xuất, gia công phân bón mà chỉ có hoạt động kinh doanh phân bón. Trong thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn đã kiểm tra, phát hiện nhiều vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh phân bón.


Cụ thể như: Triển khai kế hoạch chỉ đạo của Bộ Công thương về tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện và đình chỉ lưu thông hàng hóa vi phạm gồm 725kg phân bón NPK hết hạn sử dụng; xử lý 01 cơ sở về hành vi bán thức ăn chăn nuôi chung với phân bón, 06 cơ sở vi phạm điều kiện kinh doanh.


Ngoài ra, trong đợt cao điểm và xử lý vi phạm trong sản xuất và kinh doanh phân bón, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 50 lượt, phát hiện và xử lý 02 vụ vi phạm trong kinh doanh phân bón, tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là trên 4,7 triệu đồng.

 
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Chu Văn Thống cho biết: Thị trường phân bón của tỉnh về cơ bản không phức tạp vì chưa có cơ sở sản xuất phân bón, số lượng doanh nghiệp cung ứng ít, chủ yếu là các đại lý bán lẻ nhập về bán, số lượng, chủng loại hàng hóa cũng không nhiều.


Qua kiểm tra thấy rằng các cơ sở kinh doanh phân bón chấp hành khá tốt về thủ tục hành chính, tuy nhiên còn xảy ra một số vi phạm về điều kiện kinh doanh, niêm yết giá. Năm 2017, cùng với các kế hoạch kiểm tra thường xuyên, định kỳ được xây dựng thường niên, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các huyện, thành phố thực hiện kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo yêu cầu và triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra thị trường phân bón tại địa phương.


Đặc biệt là tập trung cao điểm vào khung thời vụ chính của địa phương, thời điểm mà thị trường phân bón diễn ra sôi động phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của bà con, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, từng bước siết chặt kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 

Thực hiện Kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ năm 2017 của Bộ Công Thương,  vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 19 vụ; đang xử lý15 vụ; không xử lý 01 vụ; Trong đó, Đội Quản lý thị trường số 14 đã kiểm tra 07 vụ; đang xử lý 06 vụ; không xử lý 01 vụ; Đội Quản lý thị trường số 17 đã kiểm tra 12 vụ; đang xử lý 09 vụ.


Qua kiểm tra thực tế, đa số các cơ sở hoạt động sản xuất phân bón đã được cấp giấy phép sản xuất phân bón theo quy định. Một số hành vi vi phạm còn tồn tại như để lẫn nguyên liệu với thành phẩm, chưa bổ sung địa điểm kinh doanh, sản phẩm không công bố hợp quy. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu sản phẩm phân bón của các cơ sở này để giám định chất lượng.


Các Đoàn kiểm tra đang tiếp tục xác minh một số địa điểm sản xuất phân bón và ra quyết định kiểm tra theo kế hoạch. Trong thời gian tới, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các cơ sở kinh doanh phân bón.


Hiện nay, thị trường phân bón khá đa dạng, phong phú về chủng loại, hình thức bao bì, nhãn mác. Tác hại của phân bón kém chất lượng, phân bón giả không chỉ nguy hại môi trường, sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón thật, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân.


Vì vậy, cùng với sự kiểm soát thị trường của các đơn vị chức năng, các hộ nông cũng nên cân nhắc khi mua phân bón tại các điểm bán lẻ ngoài luồng, cần tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để tránh những rủi ro, thiệt hại không đáng có trong sản xuất nông nghiệp.



Trong thời gian tới, Chi cục Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh thành cần đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở buôn bán phân bón nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; việc thực hiện các quy định về chất lượng hàng hóa, chứng nhận, công bố hợp quy.



Thông qua công tác kiểm tra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón và người dân hiểu rõ tác hại của việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ, từ đó chấp hành nghiêm theo quy trình của pháp luật, góp phần không nhỏ xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững.
Hoàng Hân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo