Lo thiếu nước vụ đông xuân
11:22 - 16/12/2016
Vụ đông xuân 2016 - 2017 ở khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ đang đứng trước nhiều thách thức, khi nguồn nước phục vụ đổ ải được dự báo thiếu hụt khoảng 20 - 40% so với trung bình nhiều năm.

Thiếu hụt nguồn nước

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ tháng 1 - 4/2017, lưu lượng nước đến các hồ Thác Bà, Tuyên Quang thiếu hụt 10 - 20% so với trung bình nhiều năm. Các sông chính là sông Thao, hạ lưu sông Lô và sông Hồng, nguy cơ thiếu hụt từ 4 - 25% so với trung bình nhiều năm.

15-12-39_bc-hung-hi-1
Hội nghị Hội đồng hệ thống Bắc Hưng Hải, triển khai kết hoạch điều hành chống hạn vụ chiêm xuân 2017

 

Nguồn dòng chảy thiếu hụt phổ biến từ 5 - 25% trong mùa khô, nhiều nhất là sông Lô. Bắc bộ sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ, đặc biệt là vùng núi cao phía Bắc và trung du Bắc bộ. Trạng thái trung gian Enso tiếp tục nghiêng về pha lạnh. Lượng mưa ở Bắc bộ có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 20%, riêng tháng 1 - 2 có thể thiếu hụt từ 20 - 40%.

Căn cứ vào kế hoạch xả nước từ 0 giờ ngày 10/1 đến hết ngày 15/1/2017 (6 ngày); đợt 2 từ 0 giờ ngày 23/1 đến hết ngày 26/1/2017 (4 ngày) và đượt 3 từ 0 giờ ngày 6/2 đến hết ngày 13/2/2017 (8 ngày), trong thời gian trên, mực nước tại Hà Nội sẽ được EVN duy trì đạt +2,2m trở lên.

Theo ông Trịnh Thế Trường, PGĐ Cty Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (MTV KTCTTL) Bắc Hưng Hải, phương châm điều hành của hệ thống Bắc Hưng Hải là tranh thủ trữ nước sớm, tận dụng tối đa nguồn nước ngược qua các cống Tranh, Neo, Bá Thủy, Cầu Xe, An Thổ, âu Cầu Cất... để lấy nước.

Những vùng khó khăn về nguồn nước như Văn Giang, Văn Lâm (Hưng Yên); Bình Giang, Cẩm Giàng... (Hải Dương), đã được chuẩn bị kỹ lưỡng về vật tư thiết bị và phương án cấp nước, đảm bảo hoàn thành đổ ải kịp tiến độ 100% diện tích gieo cấy.

Trước dự báo về nguồn nước phục vụ đổ ải vụ đông xuân có thể thiếu hụt, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) chỉ đạo, toàn ngành nông nghiệp khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ phải quán triệt nguyên tắc “Chỗ cao, xa, sâu lấy nước trước, vùng gần lấy sau”.

Theo dự kiến, các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang sẽ xả nước trong vòng 18 ngày để cấp nước cho vùng hạ du, nhưng dựa vào diễn biến trên thực địa, Tổng cục Thủy lợi sẽ xem xét và không loại trừ khả năng có thể cắt bớt số ngày xả nước (tối đa là 3 ngày) để tiết kiệm tài nguyên cho quốc gia.
 

Lo ngại ô nhiễm nguồn nước

Ông Vũ Văn Hanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hưng Yên cho biết, vụ đông xuân sắp tới, Hưng Yên sẽ gieo cấy khoảng 36.100ha lúa, trong đó 100% là trà xuân muộn. Thời gian gieo mạ khoảng 20/1. Bởi vậy, quá trình đưa nước vào nội đồng sẽ bắt đầu từ khoảng 10/1, đúng thời điểm xả nước phục vụ đổ ải.

15-12-39_bc-hung-hi-2
Các trạm bơm trong hệ thống Bắc Hưng Hải đã sẵn sàng “đóng máy”
 

Tuy nhiên, tỉnh Hưng Yên rất lo ngại trước thực trạng ô nhiễm môi trường nước tại hệ thống thủy lợi của địa phương. Nguyên nhân là các khu công nghiệp, làng nghề xả thải xuống hệ thống dẫn nước Bắc Hưng Hải rất bừa bãi.

“Đầu tháng 12/2016, tỉnh đã ra quyết định xử phạt một công ty dệt may xả nước thải vào hệ thống vượt giới hạn cho phép, với mức xử phạt hành chính 550 triệu đồng”, ông Hanh nói.

Đồng quan điểm trên, ông Trương Mạnh Tiến, PGĐ Cty TNHH MTV KTCTTL tỉnh Hải Dương, phân trần: Với những vụ vi phạm công trình thủy lợi, hàng tháng công ty thường xuyên cập nhật danh sách và gửi cho các đơn vị có thẩm quyền xử lý, nhưng kết quả đạt được rất hạn chế.

Trước đây, Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT) là cơ quan thẩm định và tham mưu cho UBND tỉnh cấp giấy phép cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh xả thải nước thải. Nhưng bây giờ, thẩm quyền ấy thuộc về Sở TN-MT. Ngành thủy lợi không thể biết được các doanh nghiệp xả thải gì, xả bao nhiêu. Như thế, rất khó quản lý.

Ông Hoàng Văn Cường, Chủ tịch kiêm Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Nam Đuống, cho rằng: “Vấn nạn ô nhiễm nguồn nước sông Cầu Bây (Hà Nội) giống như liều thuốc độc bơm vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Bản thân ngành thủy nông ở các tỉnh không thể làm được gì mà phải có sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt từ Trung ương thì mới hi vọng giải quyết được.

 

MINH PHÚC
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo