Giá mủ cao su 'sáng nắng, chiều mưa', nhiều doanh nghiệp khó tận dụng được cơ hội
Quý I/2016, giá cao su dao động ở mức 26 - 28 triệu đồng/tấn, nhưng cuối tháng 4 bất ngờ vọt lên 37 triệu đồng/tấn nhưng chỉ kéo dài 1 tuần, đến ngày 15/5 xuống còn 32-33 triệu đồng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp ở khu vực miền Đông Nam bộ, nhất là khu vực Tây Nguyên chưa thể vào vụ khai thác do nắng hạn khốc liệt kéo dài, vì vậy mà chưa tận dụng được yếu tố thời cơ tăng giá “đột biến”...
|
Ảnh minh họa |
Giá bán đã cao hơn 'kịch bản'
Tuy nhiên, trong thời điểm cao su tăng giá “đột biến”, nhiều nhà vườn và doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng cơ hội do yếu tố mùa vụ.
Có thể nói, so với mức giá chạm đáy hồi đầu năm 2016 là 26 triệu đồng thì với mức giá 32 - 33 triệu đồng/tấn cũng tạm làm “ấm lòng” phần nào cho nhà vườn và các doanh nghiệp trồng cao su khi mùa thu hoạch mủ năm 2016 bắt đầu.
Còn lý giải về việc giá cao su tăng đột biến lên 37 triệu đồng/tấn, anh Hải Văn, Giám đốc công ty Trường Phát (xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), một doanh nghiệp chuyên mua mủ cao su tiểu điền về chế biến thành mủ cốm bán cho thị trường Trung Quốc nói ngắn gọn: “Chủ yếu là do các nhà sản xuất cao su trong nước cạnh tranh, kích giá do đầu vụ khan hiếm”.
Chúng tôi đến xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, tại đây có khoảng 600 hộ dân trồng diện tích cao su hơn 2.700ha (chiếm 90% đất nông nghiệp toàn xã), trong đó có 2.000ha cao su đang lấy mủ.
Theo ông Nguyễn Kim Thành, Chủ tịch Hội nông dân xã, tháng 5 năm ngoái, đầu mùa khai thác nông dân bán được 230 đồng/độ, đến cuối năm 2015 giá giảm rất sâu còn 190 - 195 đồng/độ khiến nhiều nhà vườn lao đao, chỉ hộ nào lấy công làm lãi (cạo trút) mới mong kiếm được tiền để trang trải cuộc sống qua ngày.
Hiện nay, do nắng hạn kéo dài nên mới có khoảng 10% số hộ thu hoạch, nhưng giá mủ tăng lên được 300 đồng/độ (tương đương khoảng 31 triệu đồng/tấn).
Theo tính toán, 1ha cao su trồng giống tốt, chăm sóc, khai thác theo đúng quy trình kỹ thuật, mỗi lần cạo thu được 60kg mủ nước, giá bán 300 đồng/độ, tức khoảng 9.000 đồng/kg, trừ tiền công cạo 160 - 170 ngàn đồng, nông dân thu lãi 370 ngàn đồng, tính chi phí đầu tư phân bón, thuốc BVTV khoảng 30% thì lãi ròng là 250 ngàn đồng.
Nếu cạo chế độ D3 (2 ngày nghỉ, 1 ngày cạo), tức lãi ròng 3 triệu đồng/tháng, đối với một số ít nhà vườn có diện tích tập trung 10ha cao su thì con số lợi nhuận 30 triệu đồng/tháng vẫn có ý nghĩa.
“Ở địa phương, các hộ có diện tích từ 4 - 5ha cao su trở lên cũng tương đối khá, nên với mức giá như hiện nay vẫn sống tốt”, ông Thành chia sẻ thêm.
Còn đối với doanh nghiệp trồng cao su, dù giá mủ đang là 32 - 33 triệu đồng, ngang bằng với mức giá trung bình của 6 tháng đầu năm 2015, nhưng vẫn có thể thu lãi 7 - 8 triệu đồng/tấn do các doanh nghiệp đang tạm hạch toán chi phí giá vốn 25 triệu đồng/tấn (chi phí này trên thực tế sẽ được điều chỉnh do điều chỉnh quỹ lương theo giá bán mủ cao su bình quân cả năm - PV).
Theo kế hoạch của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), từ đầu năm nay, các doanh nghiệp xây dựng giá thành 25 triệu/tấn, bán giá 26 triệu đồng, lãi 1 triệu đồng.
Khó tận dụng cơ hội
Với giá bán nói trên, lợi nhuận trên mỗi tấn mủ khai thác tạm tính ở mức chấp nhận được trong bối cảnh toàn ngành cao su đang phải “thắt lưng buộc bụng”.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp ở khu vực miền Đông Nam bộ, nhất là khu vực Tây Nguyên chưa thể vào vụ khai thác do nắng hạn khốc liệt kéo dài, vì vậy mà chưa tận dụng được yếu tố thời cơ tăng giá “đột biến” ngắn trong thời gian vừa qua.
|
Các nhà vườn cao su tiểu điền ở một số nơi bắt đầu mở miệng cạo khi thấy giá cao su có chiều hướng thuận lợi |
Hơn thế nữa, theo báo cáo của VRG, số dư tồn kho lũy kế của toàn Tập đoàn đến cuối tháng 4 tiếp tục giảm mạnh, từ 22.807 tấn xuống còn 20.693 tấn (giảm khoảng 2.100 tấn chỉ trong vòng 1 tuần).
Trong đó, lượng cao su tồn kho đã ký hợp đồng lên đến 19.945 tấn (chiếm 96,3% sản lượng tồn kho). “Tồn kho năm 2016 thấp hơn so cùng kỳ năm 2015 là 7.727 tấn”, VRG cho biết.
Mặt khác, theo thông lệ hằng năm, trong quý I và đầu quý II các doanh nghiệp thường ngừng cạo mủ để duy tu bảo dưỡng máy móc và chờ cây rụng lá.
Hiện tại, các doanh nghiệp đang thực hiện công việc cạo xả để thông mạch cây và chờ đến khoảng giữa tháng 5 mới bắt đầu khai thác trở lại.
Tại Cty cổ phần cao su Hòa Bình, dự kiến đến tháng 6 mới có thể bước vào mùa cạo mới. Theo lãnh đạo Cty, so với các đơn vị miền Đông Nam bộ, thời tiết khu vực này phức tạp hơn, nắng hạn cũng ghê gớm hơn nên vườn cây buộc mở cạo trễ.
Ngoài ra, việc giá bán mủ cao su giảm không phanh liên tục khiến các doanh nghiệp trong ngành buộc phải thận trọng hơn. Thống kê cho thấy, tháng 4 - 5 hàng năm đều là thời điểm giá mủ cao su tăng trở lại (dù có thể không lớn) do nguồn cung khan hiếm.
Thế nên, việc giá bán mủ cao su tăng giảm theo diễn biến giá dầu thô khiến những người trong ngành cũng không đủ tự tin để đưa ra dự báo giá vào thời gian tới.
Đồng thời, giá mủ giảm sâu trong gần 2 năm qua khiến cho công nhân cao su xin nghỉ việc hàng loạt, chỉ riêng TCty Cao su Đồng Nai, năm 2015 phải chi trả hơn 50 tỷ đồng cho chi phí trợ cấp thôi việc. Cùng với đó, các doanh nghiệp vẫn phải duy trì chế độ chăm bón tiết kiệm, giảm 40 - 50% số lượng phân bón đầu tư so với trước; cắt giảm sản lượng kế hoạch, chuyển chế độ cạo từ D3 sang D4, thậm chí D5 và chi phí đối với người lao động.
Điều này có thể dẫn tới tình trạng khi giá bán mủ cao su tăng mạnh trở lại, doanh nghiệp khó tận dụng cơ hội để trở lại thời kỳ “huy hoàng” như vào những năm 2009 - 2011.