Luật Hợp tác xã (HTX) có hiệu lực đến nay đã gần 3 năm, tuy nhiên trên cả nước vẫn còn tồn tại một số HTX hoạt động không hiệu quả và đa phần các HTX đều gặp khó khăn về vốn.
Gần 1.000 HTX hoạt động cầm chừng
Là một trong những HTX chuyển đổi mô hình cũ sang hoạt động theo Luật HTX kiểu mới (Luật 2012), ông Trần Văn Sỹ - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh (Lạng Giang, Bắc Giang) cho biết, HTX đang cung cấp 11 dịch vụ cho người dân, gồm cấp nước tưới tiêu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dịch vụ bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm, thu gom và xử lý rác thải…
Đặc biệt với dịch vụ tín dụng nội bộ, xã viên của HTX tin tưởng và đánh giá cao với tổng nguồn vốn hiện đạt hơn 4 tỷ đồng. “Các xã viên đa phần cần vốn cho sản xuất và cần gấp nên ngại phải làm thủ tục vay vốn ở ngân hàng. Trong khi họ chỉ cần tới “gõ cửa” HTX là có thể vay tối đa 50 triệu đồng với lãi suất bằng vay của ngân hàng và có thể được lùi thời hạn trả lãi gốc nếu gặp khó khăn”- ông Sỹ cho biết.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, những đơn vị như HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh hiện là “của hiếm” trong quá trình chuyển đổi từ HTX cũ sang HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012. Theo thống kê, hiện có tới 480 HTX nông nghiệp hoạt động không hiệu quả phải giải thể, sáp nhập và vẫn còn 950 HTX phải tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng vẫn chưa được giải thể, chiếm 8,7% số HTX nông nghiệp.
Theo TS Lê Đức Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, nguyên nhân của việc nhiều HTX chậm chuyển đổi và chuyển đổi không hiệu quả là do phần lớn các HTX hoạt động mang tính hình thức, tư duy làm ăn còn nặng về hành chính, bao cấp theo kiểu cũ; đa số các HTX nông nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như: Cung ứng giống, vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật, thủy lợi..., còn các dịch vụ rất quan trọng như: Bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm lại chưa được quan tâm. Từ đó chưa hỗ trợ cho việc gia tăng sản lượng và giá trị của sản xuất nông nghiệp.
“Nhiều HTX còn lúng túng trong định hướng hoạt động và đầu tư sản xuất kinh doanh, chưa có sản phẩm dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa; thiếu sự liên kết chặt chẽ với thành viên; vốn ít, doanh thu thấp nên hiệu quả hoạt động chưa cao” - ông Thịnh cho biết thêm.
Đề xuất đẩy mạnh hỗ trợ vốn
Ngoài những tồn tại của mô hình HTX kiểu cũ đang “kìm hãm” sự phát triển của HTX, các chuyên gia đều cho rằng, còn một khó khăn lớn để giúp các HTX “thay máu” chính là nguồn vốn lớn.
Theo Bộ NNPTNT, hiện tình hình vốn, quỹ của các HTX nông nghiệp còn rất khó khăn, chủ yếu là vốn tài sản cố định đã sử dụng lâu năm, nhà xưởng và thiết bị xuống cấp, lạc hậu. Đa số các HTX nông nghiệp thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh, trong khi đối tượng này rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp, sổ sách kế toán chưa minh bạch và chưa xây dựng được các phương án kinh doanh khả thi. Việc huy động vốn từ thành viên khó khăn ảnh hưởng đến năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của HTX. Ngoài ra, vẫn còn nhiều HTX thiếu chủ động, trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
TS Lê Đức Thịnh cho biết, căn cứ các kiến nghị, đề xuất của các địa phương và các HTX về cơ chế vốn, đất đai, kinh phí, Bộ NNPTNT đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu cơ chế, chính sách để khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho HTX nông nghiệp vay vốn. “Tuy còn nhiều cơ chế, các chính sách đã ban hành chất lượng chưa cao, nhưng có nhiều chính sách khá tốt đã được ban hành thì lại không có nguồn lực, tài chính để hỗ trợ, thực hiện. Do đó, cái quan trọng nhất hiện nay là cần phải có một gói tín dụng dành riêng cho HTX thì các HTX mới tiếp cận được vốn” - TS Thịnh nói.
Theo thống kê mới nhất, hiện cả nước có 10.902 HTX nông nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp, diêm nghiệp và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp chiếm 55,5% tổng số HTX trong cả nước. Trong đó, hầu hết các HTX này đều gặp khó khăn về tín dụng và khó tiếp cận với các nguồn tín dụng từ ngân hàng.
|