Cá trắng châu Âu trong họ cá hồi. Ở môi trường tự nhiên, cá trắng có thể sinh trưởng và phát triển cả môi trường nước ngọt và nước lợ, nhưng giai đoạn trứng và cá con chỉ tồn tại và phát triển trong môi trường nước ngọt.
|
Cá trắng châu Âu hứa hẹn là giống thủy sản nước lạnh triển vọng |
Sau quá trình nghiên cứu, nhân nuôi và thử nghiệm, Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) đã cơ bản hoàn thiện quy trình, kỹ thuật ương nuôi giống cá trắng châu Âu, một đối tượng cá nước lạnh mới có giá trị kinh tế cao.
Theo đó, tỷ lệ nở của cá đạt >90%, tỷ lệ sống >80%. Sau khi có kết quả, trung tâm đã tiến hành chuyển giao công nghệ nuôi cá bột và cá thương phẩm cho các cơ sở nhằm đa dạng hóa các đối tượng cá nước lạnh tại Việt Nam.
TS Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh cho biết, giống cá trắng châu Âu được đưa vào Việt Nam từ năm 2011 cùng với cá hồi vân, cá tầm, hai loài đã được nuôi thành công tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Lâm Đồng...
Cá trắng châu Âu trong họ cá hồi. Ở môi trường tự nhiên, cá trắng có thể sinh trưởng và phát triển cả môi trường nước ngọt và nước lợ, nhưng giai đoạn trứng và cá con chỉ tồn tại và phát triển trong môi trường nước ngọt. Tuy nhiên, các loài cá trắng châu Âu hiện nay chủ yếu được nuôi trong thủy vực nước ngọt.
Môi trường sống của cá trắng tương tự như các giống cá nước lạnh là hồi vân, cá tầm... Song cá trắng có ưu điểm là có thể sinh trưởng ở ngưỡng nhiệt độ cao hơn cá hồi vân. Cá trắng châu Âu có thể phát triển trong nhiệt độ 12 - 22oC, tối ưu trong 16 - 20oC. Đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế rất lớn nhờ chất lượng thơm ngon, thịt màu trắng trong, hàm lượng dinh dưỡng cao.
Công nghệ sinh sản nhân tạo cá trắng đang được Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh triển khai bước đầu đã cho kết quả khả quan. Hiện mỗi năm trung tâm có khả năng cung cấp ra thị trường 2 - 3 vạn con giống cá trắng châu Âu thông qua nguồn trứng đã thụ tinh nhập ngoại. |
Ở các nước châu Âu, giá cá thương phẩm bán trên thị trường cao hơn 1,5 lần so với cá hồi vân. Những năm gần đây, nhiều nước khác cũng bắt đầu di nhập, nghiên cứu và phát triển nuôi loài cá này. Cá trắng có thể nuôi trong lồng bè, bể, ao (Nga, Mỹ, Trung Quốc), còn tại Phần Lan, cá trắng được nuôi ghép trong ao cá hồi và nuôi đơn.
“Cá trắng có đặc điểm sinh học gần giống cá hồi vân, sức chịu đựng cao hơn, ngưỡng oxy thấp hơn, điều kiện nuôi không khắt khe bằng cá hồi vân, nên rất thích hợp phát triển tại các tỉnh miền núi nước ta. Vì vậy chúng tôi đã đưa cá trắng về nhằm bổ sung loài mới cho nghề nuôi cá nước lạnh”, TS Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.
Theo Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh, với điều kiện tự nhiên, khí hậu tại Việt Nam, cá trắng có thể phát triển tốt trong điều kiện nuôi bể, ao, lồng, nơi nhiệt độ 12 - 22oC. Mật độ nuôi bể tốt nhất là 15 - 20 con/m2. Thức ăn cho cá trắng hiện nay chủ yếu là thức ăn nuôi cá hồi vân.
Quá trình nuôi thử nghiệm cá trắng thương phẩm tại một số trại cá tầm, cá hồi ở Lào Cai, Lai Châu cho thấy khả năng thích nghi và phát triển tốt. Sau khoảng 12 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 1,4 - 1,8 kg/con, năng suất 1 - 1,5 tấn/100 m3, lợi nhuận 200 - 250 triệu đồng/100 m3 nước.
Về quy trình nuôi từ cá trắng từ cá hương lên cá giống, bà con nông dân có thể sử dụng bể xi măng có ốp gạch men hoặc bể composite hình tròn hoặc hình chữ nhật có thể tích 1 - 3m3 tùy quy mô SX (tốt nhất nên sử dụng bể ương hình tròn để ương cá. Bể cao 40 - 60cm, nước được lấy vào bể cao 30 - 50cm. Bể được vệ sinh sạch sẽ và được khử trùng bằng Formaline với nồng đội 200ppm trước khi lấy nước vào bể. Mật độ thả cá 15 - 25 con/lít nước.
Sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein ≥50% và lipit ≥18% cho cá ăn, ngày cho ăn 4 lần. Cỡ viên thức ăn là 0,2 - 0,3mm, sau 1 - 2 tuần thay đổi cỡ viên thức ăn một lần cho phù hợp. Dòng chảy của nước trong bể ương duy trì ở lưu tốc 0,4 - 0,5 m/s. Nồng độ oxy hoà tan khoảng 6 - 8 mg/l, có thể sử dụng bổ sung sục khí. Chú ý nguồn nước cần sạch sẽ, vệ sinh thau rửa thường xuyên. Sau 2 tháng ương tiến hành thu hoạch cá giống.
“Thời gian qua Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh đã chuyển giao nuôi thử nghiệm cá trắng châu Âu cho các đơn vị như Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 Lai Châu, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, Công ty Thiên Hà, Công ty Song Nhi (Lào Cai) và huyện Lang Chánh tỉnh Thanh Hóa đều cho kết quả rất tốt. Tỉnh Lâm Đồng cũng đang trong quá trình thực hiện dự án nuôi thương phẩm cá trắng với quy mô tương đối lớn”, TS Nguyễn Thanh Hải. |