Báo động về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
15:32 - 30/03/2016
(TNNN) - Việc sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi tại một số doanh nghiệp, hộ cá thể trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng, không chỉ ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh mà còn gây nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng ảnh minh họa

 Năm 2015 được coi là năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục phát hiện nhiều sai phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm như: Sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, chất tạo mầu vàng ô, kháng sinh trong thủy sản, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.



Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết thanh tra bộ đã cùng với C49 - Bộ Công an lấy 89 mẫu thức ăn chăn nuôi của các công ty nghi vấn, kết quả cho thấy có 23 mẫu dương tính với Salbutamol, trong đó 16 mẫu vượt ngưỡng cho phép (50ppb).




Thanh tra Bộ đang cùng C49 tiến hành xử lý, điều tra nơi cung cấp; đồng thời, thanh tra Bộ cũng tiến hành kiểm tra 13 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, và xác định hai công ty sử dụng Salbutamol là Trường Phú và Thịnh Đức. Hai công ty này còn sử dụng chất tạo mầu công nghiệp (Auramine) để sản xuất thức ăn cho gà. Toàn bộ sản phẩm đã được niêm phong và xử lý.



Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi ngày bộ nhận được khoảng 20 thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm trên cả nước, cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng và có giá trị trong đấu tranh, phòng ngừa vi phạm, đặc biệt là trong việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.



Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay trong tháng cao điểm triển khai ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi, tỉ lệ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (phát hiện tại trại nuôi) giảm còn gần 4% (giảm 8% so với các tháng trước), ở khâu giết mổ tỉ lệ này là gần 10% (thấp hơn trước đó với mức trên 17%) nhưng mức tồn dư trong thịt giám sát tại khâu giết mổ vẫn cao gấp 3 lần so với giám sát tại trại nuôi.



Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng này chứng tỏ các trại nuôi vẫn tiếp tục sử dụng chất cấm nuôi vỗ vật nuôi trước khi giết mổ. Để giải quyết vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, theo ông Dũng, mức xử phạt hiện nay đã điều chỉnh lên khá cao, từ 30-60 triệu đồng tăng lên 140 – 200 triệu đồng, đồng thời đình chỉ sản xuất 1-3 tháng. Trong thực tế, có cơ sở bị phạt tới 470 triệu đồng, cao nhất từ trước tới nay. Mặc dù mức xử phạt tăng nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe.




Có thể thấy, nguyên nhân chất cấm tràn lan như hiện nay chủ yếu do chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Theo quy định, mức xử phạt hành chính khi phát hiện sử dụng chất cấm đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là 5-10 triệu đồng và 10 - 20 triệu đồng đối với quy mô trang trại. Dù trang trại lớn hàng trăm con nếu vi phạm cũng chỉ xử phạt ở mức không quá 20 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, việc quản lý khâu nhập khẩu đầu vào nguyên liệu chưa chặt chẽ để chất cấm tuồn ra thị trường.


 
Ngoài ra, việc buôn bán chất cấm được thực hiện lén lút. Cơ quan chức năng phải mật phục, theo dõi hàng tháng trời mới lần ra được điểm buôn bán, nên cũng rất khó quản lý. Nên chăng cần thay đổi mức độ xử phạt những hộ dân sử dụng chất cấm theo hướng tăng nặng để răn đe. Những trường hợp tái phạm trong việc sử dụng, sản xuất và kinh doanh chất cấm cần bị xử lý hình sự. Đối với địa phương, cần tăng cường kiểm tra, xử lý mạnh đối với những trường hợp vi phạm, đồng thời thường xuyên tuyên truyền đến người nuôi và người sử dụng thịt heo về tác hại của chất cấm đối với sức khỏe.




Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tuyên truyền, buộc các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải ký cam kết không bán Salbutamol. Các địa phương sẽ thành lập đường dây nóng để người dân phản ánh. Bên cạnh đó, bộ đã thành lập lực lượng chuyên ngành thường trực Thanh tra Bộ, bao gồm cảnh sát môi trường, cục thú y, cục chăn nuôi. C49- Bộ Công an sẽ cử 12 người luân phiên để cùng vào cuộc, trinh sát, nắm thông tin.



Trong những tháng cuối năm 2015, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là chất Salbutamol và chất vàng , có chiều hướng ngày càng gia tăng, nhất là ở khu vực chăn nuôi nông hộ tại những địa bàn có thị trường tiêu thụ thịt lợn nhiều như: TP. HCM, Đồng Nai, Tiền Giang... 



Điều đáng lo là đã xuất hiện trở lại việc sử dụng chất cấm của một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Qua kiểm tra các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, 12 tỉnh và thành phố trên cả nước đã tiến hành lấy mẫu thức ăn tại các nhà máy. Kết quả phát hiện 1/19 mẫu dương tính với chất Salbutamol (chiếm 5,3%). 


 
Đối với các cơ sở nuôi lợn thịt tại các trang trại ở Đồng Nai có 1/28 mẫu dương tính với chất Salbutamol (chiếm 3,6%), 29/263 mẫu nước tiểu (chiếm 11%) dương tính với Salbutamol. Trong đó, 1 ở An Giang, 21 ở Đồng Nai và Tiền Giang 7 mẫu). Tại các cơ sở giết mổ ở 12 tỉnh, thành phố trên cả nước, có 106/587 mẫu nước tiểu (chiếm 18,1%) dương tính với  chất Salbutamol, trong đó: Đăk Nông 3/54 mẫu, Đồng Nai 3/6, TP Hồ Chí Minh 95/516, Tây Ninh 5/9 mẫu.


 
Như vậy, các địa phương cần tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi để có thể thực hiện việc truy xuất nguồn gốc và gắn trách nhiệm của từng khâu trong chuỗi khi phát hiện sản phẩm thực phẩm có chất cấm. Khuyến khích việc ký các cam kết không buôn bán, sử dụng chất cấm của những đối tượng trong chuỗi sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi, sản phẩm vật nuôi.




Chính quyền các địa phương phải phát động phong trào “nói không với chất cấm” trong các đoàn thể, quần chúng; tiếp tục tuyên truyền phổ biến cho người chăn nuôi, người tiêu dùng và các cấp quản lý nắm được tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tới sức khỏe cộng đồng và hình ảnh, sức cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi trong nước...
 
Hoàng Giang
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo