Nông dân Việt: Xứng đáng trụ cột đất nước
16:55 - 13/11/2015
Ngày 14.11.1945, phiên họp của Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì xác định: Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp, 95% dân số Việt Nam sống về đồng ruộng. Muốn giải quyết vấn đề canh nông cả về phương diện xã hội, cả về phương diện chuyên môn, cần phải có một cơ quan điều hành.

Và ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 69 thành lập Bộ Canh nông (tiền thân của Bộ NNPTNT ngày nay) với nhiệm vụ giải quyết nạn đói và soạn thảo một chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện phục vụ cho công cuộc kháng chiến kiến quốc, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. 70 năm đã đi qua, nhiệm vụ đó đến nay các thế hệ cán bộ, công chức và người lao động toàn ngành nông nghiệp vẫn tiếp nối và phát huy nhằm thực hiện kỳ được lời dạy của Hồ Chủ tịch “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Nông dân thu hoạch lúa ở Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Đ.D

Trở thành nước xuất khẩu nông nghiệp mạnh

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đến nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thể hiện qua việc đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhờ vậy, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã có bước phát triển vượt bậc.
 

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu “tự cung tự cấp”, hàng năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực thì dự kiến năm 2015 sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người đạt 550kg/người. Không chỉ bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới, với sản lượng trung bình từ 6-7 triệu tấn gạo/năm, đứng vào “tốp đầu” của các nước xuất khẩu gạo của thế giới.
 

Năm 2015, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản ước đạt 2,21%, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 3,12%/năm, đạt mục tiêu Đại hội XI và vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra (2,6 - 3%); giá trị sản xuất nông lâm thủy sản ước tăng 2,39%; bình quân 2011 - 2015 tăng khoảng 3,52%/năm. Năng suất lao động bình quân đạt 30 triệu đồng/lao động; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 30 tỷ USD, tăng 9 tỷ USD so với chỉ tiêu 21 tỷ USD đề ra. Có 10 mặt hàng đạt mức kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, điều, sắn, hoa quả, gỗ và sản phẩm từ gỗ, tôm, cá tra. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đã vượt hoặc đạt kế hoạch đề ra như sản lượng lương thực có hạt, lúa, các cây công nghiệp dài ngày, thủy sản, lâm sản, kim ngạch xuất khẩu.
 

Nông nghiệp phát triển, thu nhập của nông dân đã được cải thiện đáng kể. Về cơ bản, Việt Nam đã xóa được đói. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm bình quân 1,75%/năm; năm 2015, ước tỷ lệ hộ nghèo nông thôn (theo chuẩn nghèo mới) còn 9,3% và ở các huyện nghèo 30a khoảng 30%, giảm 1,5% so với năm 2014.  Đây cũng là một trong những thành tựu được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
 

Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước, được cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình hưởng ứng. Với nhiều cách làm sáng tạo, nhiều nguồn lực đã được huy động để xây dựng nông thôn mới, nhờ đó diện mạo của nhiều vùng nông thôn nước ta đổi mới, đời sống tinh thần và vật chất của người dân được nâng lên. Đến cuối năm 2015 có khoảng 1.500 xã (chiếm 16,8% số xã) và 9-10 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.
 

Lấy thực tiễn từ ruộng đồng

 Ngày 18.6.1945, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 890 về việc lấy ngày 14.11 hàng năm là “Ngày truyền thống ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam”. 

 

Phát huy truyền thống 70 năm qua, ngành nông nghiệp chủ trương tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trên thực tế về CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, phát huy cao hơn lợi thế sẵn có của đất nước về nông nghiệp, đồng thời chú trọng phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp.
 

Mặt khác, vẫn phải ưu tiên phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động để tạo việc làm cho dân. “Nước ta đang có 25 triệu người làm nông nghiệp là quá nhiều. Để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại năng suất cao, ít nhất 2/3 số lao động nông nghiệp hiện nay cần được chuyển sang ngành nghề khác. Những người ở lại nông nghiệp cần được chuyên nghiệp hóa, được hỗ trợ liên kết hợp tác sản xuất hàng hóa, hình thành các tổ hợp nông nghiệp – công nghiệp chế biến hiện đại, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”- ông nói.
 

Cũng theo ông Phát, ngành nông nghiệp xác định luôn gắn bó máu thịt với bà con nông dân, với thực tiễn, với ruộng đồng để tham mưu về các chủ trương chính sách cũng như đề ra các giải pháp giải quyết kịp thời hiệu quả các vấn đề đặt ra; luôn chú trọng động viên khuyến khích và song hành cùng với bà con nông dân, với các doanh nghiệp nông nghiệp. 


Hạ Vi/ Theo Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo