Sau nhiều năm liên tiếp thua lỗ nặng, những ngày qua giá mía ở vùng đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng cao, khiến nhà nông phấn khởi. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chức năng các địa phương, ngành mía đường vẫn còn nhiều rủi ro khó lường trước.
Giá cao nhất 3 năm qua
Ghi nhận của phóng viên Dân Việt tại vùng mía nguyên liệu huyện Phụng Hiệp – vùng trồng mía lớn nhất tỉnh Hậu Giang, hiện giá mía bán tại ruộng từ 1.100-1.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với đầu vụ (giữa tháng 9) và tăng khoảng 400 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giá cao nhất trong 3 năm qua, giúp nông dân lợi nhuận từ 30-80 triệu đồng/ha.
“Không ngờ vụ mía này giá tốt như vậy. Vụ trước chỉ từ 600-750 đồng/kg thì vụ này, thương lái mua với giá 1.200 đồng/kg. Tôi vừa bán 1ha mía ROC 16, trừ chi phí lời khoảng 50 triệu đồng” – ông Trần Minh Tâm, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp chia sẻ.
Tương tự, nhiều hộ dân ở thị xã Ngã Bảy, TP.Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), các địa phương thuộc tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau đều đang có mùa “mía ngọt”. Theo người dân, do giá mía tăng nên các thương lái và doanh nghiệp thu mua rất nhanh, chữ đường (CCS) cũng được tính dễ, không bị “làm khó” như những vụ trước đây.
Vẫn tiềm ẩn rủi ro
Theo Sở NNPTNT Hậu Giang, hiện nông dân trên địa bàn đã thu hoạch được hơn 3.500/11.500ha mía. “Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con thu hoạch đúng thời điểm, đảm bảo mía tại ruộng đạt từ 10 CCS trở lên. Đồng thời, Sở cũng tổ chức đoàn kiểm tra thường xuyên tại các nhà máy mía đường về việc đo CCS, nhằm đảm bảo quyền lợi cho nông dân” – ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NNPTNT Hậu Giang nói.
Về nguyên nhân giá mía tăng, một số công ty mía đường cho biết, do vùng nguyên liệu mía bị thu hẹp (người dân đốn bỏ mía trồng các loại cây khác hoặc nuôi cá vì thua lỗ nhiều năm liên tiếp). Ngoài ra, do đang là đầu vụ nên các công ty nhích giá lên để tranh thủ thu mua đủ lượng mía đưa vào sản xuất.
Ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam xác nhận: “Vì sợ thiếu mía sản xuất đường nên các doanh nghiệp đang nhích giá, tranh mua. Nguyên nhân khác khiến cho thị trường sôi động trong thời gian qua là do mặt hàng đường lậu giảm mạnh làm cho thị trường tiêu thụ trong nước ấm lên”.
Tuy có tín hiệu vui nhưng ông Long cho rằng ngành mía đường vẫn còn nhiều rủi ro khó lường trước. Các doanh nghiệp đang mua mía giá cao, nhưng khi giá đường tụt xuống thì sẽ khốn đốn. Hơn nữa, khi vào TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương), đường của Thái Lan xuất qua nước ta sẽ rất dễ dàng, với giá bán rất thấp nên nếu không có chiến lược bài bản, không thay đổi cách làm ăn thì các doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh, người trồng mía cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Hiện giá mía tại ĐBSCL đang dao động từ 1.100-1.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với đầu vụ (giữa tháng 9) và tăng khoảng 400 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
|