Sử dụng chất cấm là tội ác
11:06 - 09/11/2015
Hiện tượng sử dụng chất cấm trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi… đang ở mức báo động cao.
Lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm chất cấm

Tại hội nghị toàn quốc về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 5/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã phát biểu: “Ngâm chuối vào thuốc diệt cỏ rồi bán cho người dân ăn, trong đó có cả trẻ em. Đây là tội ác không thể chấp nhận. Thử hỏi những đứa trẻ sinh ra ăn phải quả chuối hay miếng thịt nhiễm chất cấm sẽ ra sao? Không thể để một người hạ độc nhiều người như thế được. Việc này phải làm nghiêm, phải truy đến cùng”.

Đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu ngành NN-PTNT chỉ đạo về vấn đề này. Nhưng điều mà dư luận quan tâm là lần này, những lời trên thể hiện một thái độ quyết liệt hơn, một quyết tâm cao hơn, quyết “truy đến cùng” những cơ sở sử dụng chất cấm, gây mất an toàn thực phẩm trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi… của Bộ trưởng.

Hiện tượng sử dụng chất cấm trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi… đang ở mức báo động cao.

Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, 9 tháng đầu năm 2015, chỉ số an toàn thực phẩm chưa có cải thiện gì so với năm 2014.

Một số mẫu giám sát vi phạm an toàn thực phẩm còn cao, trong đó có 10,3% mẫu rau có dư lượng hóa chất thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép. 16% mẫu thịt phát hiện có Samonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng.

Chỉ trong 48 mẫu thịt heo lấy ngẫu nhiên ở các huyện Vĩnh Cửu, Long Thành, Trảng Bom, Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), đã có tới 14 mẫu dương tính với chất tạo nạc thuộc nhóm Benta- Agonist.

Nên nhớ, những tỷ lệ trên là tính trên số mẫu trong các cuộc kiểm tra. Mà số mẫu lấy được đó chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số những cơ sở đang sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi… trên cả nước.

Việc “người Việt Nam đang đầu độc lẫn nhau” như lời của một nhà khoa học, đang trở thành một thực tế. Người trồng rau thì dành riêng một luống không sử dụng hóa chất độc cho gia đình mình dùng, số còn lại để bán ra thị trường đẫm các loại chất cấm, nào thuốc BVTV, nào thuốc kích thích sinh trưởng.

Người chăn nuôi cũng dành riêng một con heo hay mấy con gà cho gia đình mình, còn lại thì đưa chất tạo nạc vào để bán được giá cao hơn. Mít, xoài, sầu riêng, chuối… non, được ngâm trong nước có pha lẫn thuốc diệt cỏ, chỉ mấy tiếng đồng hồ là chín.

Chất cấm không chỉ được sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, mà còn được sử dụng cả trong các cơ sở giết mổ, chế biến thực phẩm.

Chất độc từ đủ các nguồn trôi vào miệng người ăn, gây nên cái chết không phải tức thời mà từ từ. Mỗi năm ở Việt Nam có trên 150.000 người mắc ung thư, và một nửa trong số đó đã chết. Trong số người mắc và chết vì ung thư đó, chắc chắn có sự góp phần của các loại thực phẩm bẩn, có tồn dư chất cấm.

“Sử dụng chất cấm là tội ác. Không thể để một người hạ độc nhiều người được”. Lời kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát là tuyệt vời chính xác. Dư luận hiểu rằng đây cũng chính là lời tuyên chiến của Bộ trưởng với chất cấm. Và dư luận đồng tình với lời tuyên chiến đó.

Để lời tuyên chiến đó trở thành hiện thực, thì cả xã hội cần vào cuộc, cần đồng hành cùng Bộ trưởng.

VŨ HỮU SỰ
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo