Việc dạy nghề cho lao động nông thôn đã tạo điều kiện để người dân có trình độ tay nghề nhất định, biết cách tổ chức sản xuất trên chính quê hương mình, làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội; góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững của địa phương.
Công tác đào tạo nghề của tỉnh Bắc Giang luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 94 cơ sở dạy nghề, tăng 18 cơ sở so với năm 2011, trong đó có 03 trường Cao đẳng nghề, 06 trường Trung cấp nghề, 25 trung tâm dạy nghề và 60 cơ sở có chức năng dạy nghề.
Bên cạnh việc mở rộng quy mô đào tạo, các cơ sở dạy nghề đã quan tâm tới công tác nâng cao chất lượng đào tạo; ngoài việc rèn luyện kỹ năng nghề cho người học, các cơ sở dạy nghề đã chú ý đến việc giáo dục vệ sinh, an toàn lao động, ý thức tác phong công nghiệp. Một số cơ sở dạy nghề đã trang bị cho người học nghề kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, kiến thức về quản lý doanh nghiệp, maketing... Vì vậy, dạy nghề đã từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khá; các doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo là 13.348 lao động, chiếm 34,18% tổng số lao động và tăng so với năm 2014 là 240 lao động; xuất khẩu lao động là 1.841 lao động, đạt 48,45% kế hoạch năm.
Đối với lao động nghề nông thôn, công tác đào tạo nghề đã có bước chuyển mới, vừa quan tâm đến nhu cầu của người lao động vừa chú trọng đến nhu cầu của xã hội. Đến nay, hơn 70% lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm ổn định, mức thu nhập bình quân từ 2 - 5 triệu đồng/người/tháng, một số lao động nghề Cơ khí đạt mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Công tác tuyển sinh đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 31,7% kế hoạch năm. Trong khi đó tình trạng lao động tự do vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Điều đó cho thấy các cơ sở đào tạo nghề chưa tạo được sức hút đối với lao động tại vùng nông thôn, miền núi. Một số cơ sở dạy nghề thiếu giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao; trong đó đặc biệt là giáo viên thực hành. Một số cán bộ quản lý kém về năng lực, thiếu tâm huyết trong công tác...
|
Ảnh minh họa |
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh để khai thác và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trước hết cần đổi mới tư duy về dạy nghề; tiếp tục mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về lĩnh vực dạy nghề như chính sách dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số, người nghèo, phụ nữ, người tàn tật...; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và các nguồn lực xã hội để tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của doanh nghiệp, đồng thời kết hợp đào tạo kiến thức và kỹ năng cơ bản tại cơ sở đào tạo với đào tạo kỹ năng nghề nghiệp tại cơ sở sản xuất.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác xã hội hóa đào tạo nghề; mở rộng quan hệ quốc tế đa phương và song phương, nối mạng với một số nước khu vực để cùng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Bến Tre, sau 5 năm qua thực hiện Đề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 25.657 lao động nông thôn. Số người lao động sau khi học nghề được giới thiệu việc làm và tìm được việc làm đạt trên 80%.
Ở Bến Tre đã xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả như: Mô hình dạy nghề tại các làng nghề, tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp, mô hình đào tạo nghề theo địa chỉ đã giải quyết việc làm 85% lao động nông thôn tại địa phương và vùng nguyên liệu tại chỗ. Ngoài ra, các mô hình được đánh giá là khá phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của từng địa phương và đang được nhân rộng như mô hình: Nghề bó chổi cho làng nghề ở xã Mỹ An (huyện Thạnh Phú), May công nghiệp ở các xã Thạnh Phong, An Quy, Mỹ An và Quới Điền ( huyện Chợ Thạnh Phú), Kỹ thuật cấy giống- hoa kiểng tại xã Vĩnh Thành, Tân Thiềng (huyện Chợ Lách), mô hình trồng cây ăn quả tại xã Sơn Định (Chợ Lách), nghề đan giỏ từ cây lác, cỏ lục bình của Hợp tác xã Ân Đạt, Đinh Trung (huyện Mỏ Cày Nam).
Các mô hình này đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Đặc biệt, mô hình đào tạo nghề may theo địa chỉ do Trung tâm Dạy nghề huyện Châu Thành ký kết hợp đồng đào tạo với Công ty TNHH một TV Cây Dừa, Trung tâm Dạy nghề huyện Ba Tri ký hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp Tỷ Hùng, với hình thức “ đào tạo - chuyển giao” lao động cho công ty, doanh nghiệp để bố trí làm việc phù hợp với khả năng của người lao động, qua đó đã tạo việc làm cho 1.644 lao động nông thôn.
Ngoài ra, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre còn tích cực phối hợp với các cơ sở dạy nghề để xây dựng chương trình đào tạo và điều chỉnh 34 chương trình dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho lao động nông thôn. Việc điều chỉnh các chương trình dạy nghề, thời gian đào tạo đã giúp cho các cơ sở dạy nghề thực hiện thuận lợi trong vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương.
Năm 2015, Bến Tre phấn đấu tổ chức đào tạo nghề cho 5.000 lao động nông thôn, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp là 1.500 người và 3500 lao động phi nông nghiệp, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong năm 2015 đạt 50%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 20,36%. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn chỉnh chương trình, học liệu dạy nghề phi nông nghiệp; đào tạo bồi dưỡng kỹ năng dạy nghề cho giáo viên dạy nghề, cán bộ quản lý cấp huyện, cơ sở dạy nghề và cán bộ xã/phường.
Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề, đặc biệt là tranh thủ nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh các Trung tâm Dạy nghề, trường trung cấp nghề Mỏ Cày Bắc theo kế hoạch đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt. Nâng cao chất lượng và khả năng đào tạo của các cơ sở dạy nghề và đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề, xuất khẩu lao động.
Đồng thời, thực hiện mục tiêu dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn các huyện/thành phố và các cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức đoàn thể. Đồng thời, tiếp tục phân cấp quản lý, giám sát cho các cấp, Ủy ban nhân dân, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố và nhất là sự tham gia của ủy ban nhân dân các xã, thị trấn; tao mọi điều kiện và giảm các thủ tục để các cơ sổ dạy nghề trong và ngoài tỉnh có điều kiện, năng lực để tham gia hoạt động dạy nghề.
Những năm qua, công tác đào tạo nghề của tỉnh Hòa Bình luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong 5 năm thực hiện đề án, các ban, ngành, đoàn thể đã tư vấn học nghề cho lao động nông thôn qua sàn giao dịch việc làm và tại các cơ sở vệ tinh tại các huyện với tổng số 19.189 lượt người. Bên cạnh đó, việc đào tạo các nghề để chuyển đổi lao động nông thôn sang phục vụ cho ngành công nghiệp dịch vụ cũng được quan tâm như nghề may công nghiệp.
Kết thúc khóa đào tạo các học viên đã được các doanh nghiệp, công ty có nhu cầu tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập ổn định từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho lao động sản xuất sản phẩm nông nghiệp cũng được coi trọng như nghề trông cây có múi. Trong đó, một số hộ tại huyện Tân Lạc đã trồng thành công loại bưởi da xanh, bưởi đỏ cho thu hoạch quả to và ngọt đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt là cam, quýt ở huyện Cao Phong đã giúp người dân có thu hoạch hàng vài trăm triệu đồng hoặc vài tỷ đồng/năm. Việc đào tạo nghề phụ, nghề truyền thống cũng được triển khai như nghề thêu, dệt thổ cẩm tại HTX Vọng Ngàn huyện Tân Lạc, HTX Thổ cẩm du lịch Chiềng Châu huyện Mai Châu được nhiều lao động nông thôn là phụ nữ lựa chọn học. Lao động được đào tạo theo hình thức vừa học, vừa làm ngay tại HTX, tại gia đình, thu nhập bình quân 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng.
Người dạy nghề, truyền nghề vừa là những nghệ nhân, vừa là tay nghề giỏi cao tuổi trong làng, xã nên vừa mang tinh thần trách nhiệm của những người thầy vừa gắn với việc truyền nghề, phát triển nghề truyền thống cho thế hệ trẻ. Hàng năm những nghề phụ này có khoảng 150-200 lao động có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định, trong đó có 50% người lao động sau 2 năm làm việc trở thành thợ lành nghề và có khả năng dạy nghề cho các lao động khác.
Theo thống kê, trong 5 năm toàn tỉnh đã tổ chức được 627 lớp dạy nghề theo các trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho 17.957 lao động nông thôn. Phân theo nhóm ngành nghề phi nông nghiệp thì đã đào tạo cho 10.016 người; nghề nông nghiệp là 7.941 người. Trong đó, dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 là 14.011 người với kinh phí T.Ư là 17.590 triệu đồng, còn lại 3.946 người được đào tạo thông qua nguồn kinh phí địa phương và các nguồn kinh phí khác.
Đức Hoàng