Sau 5 năm thực hiện, Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào rộng khắp trên cả nước, tuy vậy lực lượng doanh nghiệp (DN) đóng góp xây dựng NTM vẫn còn rất khiêm tốn, do những hạn chế về chính sách.
|
Để thu hút DN tham gia đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cần có chính sách ưu đãi đặc biệt.Ảnh: Nghiên cứu tại một doanh nghiệp đầu tư vào Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Thuận Hải |
Doanh nghiệp còn “chê” NTM
Theo báo cáo tại Hội thảo “Vai trò DN trong đầu tư nông nghiệp và xây dựng NTM” tổ chức sáng qua tại TP.HCM, tính đến ngày 24.8.2015, cả nước đã có 1.003 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM), chiếm tỷ lệ hơn 11% trong tổng số xã triển khai NTM trên cả nước.
Thực tế phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM trong giai đoạn 2010 – 2015 đã khẳng định vai trò rất to lớn của DN. Trong bối cảnh suy thoái của nền kinh tế, vẫn có nhiều DN vượt khó, đóng góp vào xây dựng NTM tại địa phương.
Theo đó, trong hơn 851.800 tỷ đồng vốn huy động xây dựng NTM 5 năm qua thì có 20.400 tỷ đồng do DN đầu tư trực tiếp vào xây dựng NTM, chiếm tỷ lệ 4,9%. Nhiều DN quy mô nhỏ nhưng đã quyết định đầu tư lớn vào xây dựng NTM như DN Long Bình (tỉnh Long An) tài trợ trực tiếp cho địa phương xây dựng NTM với số vốn hơn 52 tỷ đồng, DN Phan Hải (Quảng Bình) góp vốn xây dựng các công trình hạ tầng NTM hơn 70 tỷ đồng…
Mặc dầu vậy, theo thống kê của Tổng cục Thống kê, số DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chỉ chiếm 0,96% tổng số DN cả nước, trong đó có 3% là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư vào nông lâm thủy hải sản cũng chỉ chiếm 1%, tạo việc làm cho 2,3% số người lao động cả nước.
Ông Đặng Văn Cường – Trưởng phòng Điều phối NTM, Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho biết, so với các ngành nghề khác và kỳ vọng của Ban chỉ đạo xây dựng NTM, con số DN đầu tư vào nông lâm thủy hải sản còn quá ít. Không chỉ vậy, 70% tổng vốn đầu tư chủ yếu tập trung các vùng đồng bằng lớn như đồng bằng Bắc Bộ, ĐBSCL. Trong khi đó, các vùng trung du, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên… là nơi rất cần có sự hỗ trợ của DN để thay đổi, phát triển thì tỷ lệ đầu tư lại rất thấp.
Cần đột phá từ chính sách
TS Phạm Quốc Doanh – Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN Trung ương, cho rằng, dù được kỳ vọng nhiều nhưng tỷ lệ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn quá ít, chủ yếu do các rào cản về chính sách, vốn, đất đai…
Theo đó, nhận thức về ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là ưu tiên thu hút phát triển DN chưa thực sự nhất quán, thống nhất. Do đó, chính sách hiện có chỉ mới dừng lại ở mức khuyến khích, chưa đủ mạnh để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp.
Ông Doanh cho rằng, về nội dung, các chính sách chủ yếu phân theo địa bàn, lĩnh vực đầu tư, ưu đãi đầu tư. Trong đó, việc ưu đãi đầu tư là phù hợp với ngành kinh tế chung nhưng lại không phù hợp với nông nghiệp, nông thôn, thay vào đó lĩnh vực này phải được đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Còn theo PGS -TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nông nghiệp Việt Nam còn thiếu một môi trường cạnh tranh sòng phẳng cho DN. Lý do là nông nghiệp chủ trương phát triển theo hướng an ninh lương thực kiểu cũ, lấy sản lượng làm trọng, không chú trọng phát triển khâu chất lượng nên không thể cạnh tranh.
Giải quyết những rào cản này, ông Đặng Văn Cường cho rằng, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung tăng nguồn lực cho chương trình NTM và tái cơ cấu đầu tư công để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Theo đó, sẽ giảm các chương trình, dự án chồng chéo, cơ chế sử dụng vốn kém hiệu quả, giảm số chương trình mục tiêu quốc gia từ 16 xuống còn 2. Từ đó, các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn nông thôn đều hướng vào thực hiện các tiêu chí NTM.
Ngoài ra, sẽ cho lập quỹ xây dựng NTM ở các cấp, tạo điều kiện thu hút DN cùng tham gia, đồng thời, nghiên cứu cách làm và chính sách đặc thù cho các vùng khó khăn như trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL... để đẩy nhanh tốc độ và chất lượng xây dựng NTM ở những vùng này.
Dự kiến đến cuối năm 2015, cả nước sẽ có trên 1.800 xã đạt chuẩn NTM; 16 huyện, thị xã hoàn thành xây dựng NTM. Các chương trình mục tiêu quốc gia cũng sẽ giảm từ 16 chương trình xuống còn 2 chương trình nhằm tập trung nguồn lực cho xây dựng NTM.