Lúa đổ ngã, thất thu lớn
14:36 - 26/08/2015
Đợt giông lốc xảy ra tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi khiến nhiều diện tích lúa vụ HT bị đổ ngã. 
Nông dân Quảng Ngãi thu hoạch lúa đổ ngã khi còn xanh

Việc đưa cơ giới hóa vào thu hoạch gần như bị tê liệt. Để thu hoạch số lúa này, giá nhân công tăng lên gấp đôi khiến bà con thất thu lớn.

Tiền công tăng

Nông dân đang chạy đôn, chạy đáo thuê nhân công để gấp rút thu hoạch lúa.

Ông Đặng Tấn Lãnh, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) cho hay, vụ HT toàn huyện SX 2.800 ha lúa. Đợt giông lốc xảy ra ngày 14/8 khiến 1/3 diện tích lúa bị ngã đổ, tập trung ở các xã Hành Thuận, Hành Đức, Hành Thịnh, thị trấn Chợ Chùa…

Đang gặt, bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Xuân An, xã Hành Thuận than: “Trời không cho ăn chú ạ! Còn 10 ngày nữa là thu hoạch nhưng bị cướp mất rồi. Vụ ni tưởng được mùa ai ngờ lại mất đau quá”.

Theo bà Hồng, vụ HT gia đình bà SX 6 sào lúa với nhiều loại giống khác nhau. Trận giông lốc ngày 14/8 làm lúa đang chín vàng ươm bị ngã đổ. Ruộng ngã lưng chừng, ruộng ngã rạp.

“Như vụ trước, với 6 sào, tôi thuê máy gặt trong hơn 1 giờ đồng hồ là đã xong, lúa đóng bao đưa về phơi khô. Còn vụ ni, thì gặt bằng tay. Con cái đi làm ăn xa, mình tôi gặt không kịp nên phải thuê thêm người.

Mỗi sào lúa ngã rạp thuê công gặt 400.000 – 500.000 đồng, so với thuê máy tăng gấp đôi. Rứa mà bữa nay thuê người chẳng có ai làm, nên tôi cố gắng gặt được từng nào, hay từng nấy”.

Cùng cảnh ngộ, lão nông Trần Thanh Tuấn ở xã Hành Thịnh SX 4 sào, nhưng có 2 sào lúa ngã sát đất nhìn giống như... sân bóng, còn 2 sào ngã lưng chừng.

Số lúa này thuê máy gặt được với giá 300.000 đồng/sào (tăng thêm 100.000 đồng/sào), còn diện tích bị ngã đổ hoàn toàn không có cách nào hơn, phải gặt bằng tay.

“Tổng thu 1 sào lúa đạt khoảng 1,5 triệu đồng, trong đó chi phí phân bón, thuốc BVTV, công làm đất… đến nay thuê người gặt 400.000 đồng/sào, tính ra lỗ nặng.

Nhưng không trồng lúa thì biết lấy gì mà sống, lỗ cũng làm phải làm. Trời cho thì mình hưởng, trời cướp thì chịu thôi”, ông Tuấn nói.

Ghi nhận của PV NNVN tại Quảng Nam, tình trạng lúa đổ xảy ra ở các huyện Phú Ninh, Đại Lộc, Điện Bàn. Điều đáng nói, có nhiều diện tích lúa đang thời kỳ chắc xanh bị ngã đổ, trong khi ruộng đang có nước do mưa.

Bà Trần Thị Lợi ở thôn Khánh Mỹ, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh cho biết, vụ HT bà SX 5 sào lúa, nhưng trận mưa kèm theo gió lốc vào ngày 10/8 đã khiến 1/3 diện tích bị ngã đổ.

Để vớt vát, bà Lợi đứng cả ngày ngoài ruộng gom lúa và dùng dây bó lại tránh bông lúa ngâm trong nước.

10-58-09_nh-2
Bà Trần Thị Lợi bó lúa đổ ngã

“Tưởng rằng, vụ HT này thắng lợi, ai ngờ ông trời không cho ăn. Nếu lúa không ngã đổ, năng suất đạt 4 tạ/sào, nhưng giờ bị sút giảm, bởi bông lúa ngâm nước 1-2 ngày vì không gom kịp để buộc, năng suất vụ này chỉ thu khoảng 3 tạ/sào”, bà Lợi cho hay.

Lúa xanh cũng phải gặt

Nhìn đám lúa 2 sào bị đổ nằm la liệt, lão nông Sáu Hùng ở xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi buồn bã: "Lúa còn xanh mà ngã kiểu này thì chắc chắc tỷ lệ lép hạt cao. Đáng lẽ ra nếu thời tiết thuận lợi thì 10 ngày nữa, trà chính lúa HT mới bước vào giai đoạn thu hoạch.

Nhưng trận mưa giông kèm gió lớn vào chiều tối 11/8 đã khiến đám lúa đang chín của nhà tôi, cũng như hơn 100 ha diện tích lúa của nông dân xã Tịnh Bình bị ngã đổ.

Vì thế dù lúa chưa kịp chín vàng nhưng bà con cũng phải bấm bụng thu hoạch sớm. Lúa ngã kiểu sắp chiếu này mà gặp trận mưa nữa là  toi luôn. Thôi thì xanh nhà hơn già đồng, kiếm người gặt được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.

Còn bà Nguyễn Thị Hồng ở xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành cho biết, lúa đang còn xanh nhưng không còn cách nào khác, bà buộc phải thu hoạch. Bởi số lúa này nếu gặp trận mưa thì ngâm trong nước, lúc đó lúa lên mộng, thối. Do đó, bà phải nhanh chóng cắt lúa.

10-58-09_nh-3
Những ruộng lúa đổ phải thuê nhân công thu hoạch 400.000 - 500.000 đ/sào

“Vụ HT tôi đã trải qua rất nhiều nỗ lực, cố gắng, từ việc sẵn sàng chống hạn cứu lúa, đến triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó diệt trừ sâu bệnh.

Tôi cứ ngỡ sẽ có một vụ HT thắng lớn. Không ngờ chỉ một trận gió lớn kéo dài vài phút là mỗi sào lúa mất ít nhất 1-2 bao, thậm chí một nửa so với vụ HT năm 2014”, bà Hồng chua chát.

Hiện có nhiều thông tin được các DN đưa ra, như nhiều giống lúa mới có khả năng chống chịu đổ ngã tốt, thế nhưng tình trạng này vẫn xảy ra.

Ông Lê Muộn cho biết, theo thống kê trên địa bàn Quảng Nam có gần 480 ha lúa HT 2015 bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng. So với vụ HT 2014 diện tích nhiễm rầy tăng gấp đôi, tuy nhiên tình trạng dịch bệnh chỉ xảy ra cháy chòm, không cháy lớn.

Ông Lê Muộn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam cho hay, trong xu thế khí hậu thay đổi bất thường, tỉnh Quảng Nam bố trí lại thời vụ để tránh lũ lụt sớm, giảm thiệt hại cho người nông dân. Còn tình trạng giông lốc xuất hiện, lúa đổ ngã thì rất khó khăn.

Theo ông Muộn, ngành nông nghiệp tỉnh chọn lọc những giống lúa có đặc điểm cứng cây để đưa vào SX, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi tình trạng đổ ngã.

Bởi vụ HT lúa càng đạt năng suất khi gặp mưa kèm theo gió lớn thì khả năng ngã đổ càng cao.

Không còn cách nào là chọn những giống lúa cứng cây, đồng thời tìm biện pháp canh tác để hạn chế đổ ngã.

ĐẮC THÀNH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo