Mới đây, một cuộc gặp gỡ quy mô đã diễn ra giữa hai Sở NN-PTNT Hưng Yên và Hà Nội cùng đoàn doanh nghiệp của đôi bên để bàn kế sách hợp tác, tiêu thụ các loại nông sản sạch.
|
Nông sản sạch muốn tìm đường vào Hà Nội |
Hà Nội hiện có trên 9,5 triệu người bao gồm cả số dân bản địa lẫn học sinh, sinh viên, người lao động ngoại tỉnh cư trú và làm việc trong khi lương thực, thực phẩm SX tại chỗ chỉ cung cấp được 52% thịt các loại; 64% cá; 65% trứng gia cầm; 20% sữa; 44% gạo tẻ; 55% rau củ tươi và 17% quả tươi.
Do đó Thủ đô phải nhập từ các tỉnh thành và nhập khẩu nước ngoài khoảng 372 nghìn tấn thịt các loại; 112 nghìn tấn cá; 138 nghìn tấn sữa; 455 nghìn tấn rau củ tươi; 330 nghìn tấn quả tươi.
Với hệ thống 426 chợ, trong đó 13 chợ đầu mối, 76 chợ kiên cố, 15 chợ bán kiên cố, 129 chợ lán tạm, ngoài ra còn có 31 trung tâm thương mại và 101 siêu thị nhưng một lượng lớn sản phẩm nông sản ở Hà Nội được thương lái thu mua, tập kết tại chợ đầu mối.
Từ chợ đầu mối hàng hóa được chở đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể (chiếm khoảng trên 80%), rất khó kiểm soát chất lượng. Lượng nông sản có chứng nhận được tiêu thụ qua kênh siêu thị mới chỉ chiếm khoảng trên 20%.
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị SX cho người nông dân, xu hướng liên kết theo chuỗi từ SX đến tiêu thụ là một điều tất yếu.
Kết luận hội nghị, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội khẳng định, Thủ đô sẽ đẩy mạnh hợp tác về nông sản với Hưng Yên trước mắt ở 2 sản phẩm thịt và rau.
Việc hợp tác này sẽ vừa nâng cao giá trị nông sản cho người nông dân vừa nâng cao vai trò, trách nhiệm của quản lý nhà nước, giúp cho người tiêu dụng tiếp cận tốt hơn với các loại sản phẩm sạch. |
Ngoài những chuỗi liên kết do các doanh nghiệp tổ chức chăn nuôi gia công tạo lập, hiện Hà Nội cũng đã xây dựng được nhiều chuỗi liên kết qua đó đã tạo ra sự ổn định cho 3.500 hộ SX và cung cấp một lượng lớn sản phẩm cho người tiêu dùng. Nhiều nhãn hiệu tập thể như gạo; rau củ quả và sản phẩm chăn nuôi được "chào đời".
Cũng đi theo cách ấy, từ năm 2012 đến nay Hưng Yên đã chỉ đạo thí điểm xây dựng thử một số mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi tập trung ở các vùng SX rau, quả, thịt, cá; chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học; chăn nuôi lợn, nuôi trồng thủy sản sạch.
Về trồng trọt có 6 mô hình SX rau an toàn. Có chuỗi SX chuối an toàn ở xã Đại Tập, huyện Khoái Châu với quy mô 30 ha, năm 2015 đã được cấp chứng nhận VietGAP. Có chuỗi SX nhãn tươi an toàn tại xã Hồng Nam với quy mô 9,97 ha và xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu với 15,5 ha, áp dụng quy trình VietGAP, đang đánh giá để đề nghị cấp chứng nhận VietGAP vào đầu tháng 8/2015.
Về chăn nuôi, triển khai dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó xây dựng điểm 4 vùng, nâng cấp 29 khu bán thực phẩm và 1 cơ sở giết mổ quy mô lớn, 10 cơ sở giết mổ nhỏ. Chăn nuôi lợn an toàn sinh học, bò thịt cao sản xây dựng chuỗi SX - tiêu thụ sản phẩm thịt lợn ở xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, chuỗi SX - tiêu thụ sản phẩm thịt lợn theo quy trình khép kín, sử dụng thức ăn truyền thống tại thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang, chuỗi SX - tiêu thụ đối với cá nuôi ở Hạ Lễ, huyện Ân Thi.
Tại cuộc gặp gỡ, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Hà Nội đã đóng vai trò như một “bà mối” khi giới thiệu các kênh phân phối nông sản thực phẩm của Thủ đô mà Hưng Yên có thể hợp tác gồm chuỗi hệ thống các siêu thị Fivimart của Cty CP Nhất Nam, Tổng Cty Thương mại Hà Nội Hapro, Cty CP Sản xuất và thương mại An Việt, Cty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam…