2 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp: Phải thay đổi từ cách tiếp cận
Vẫn còn tư duy SX những cái ta có, chứ chưa SX những gì thị trường cần, thì tái cơ cấu còn nhiều khó khăn. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định như vậy tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức ngày 14/8, tại Hà Nội.
|
Hội nghị sơ kết 2 năm tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững |
Tái cơ cấu chưa đạt yêu cầu đặt ra
Dẫn ví dụ về những khó khăn sau 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng nông sản và phát triển bền vững, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói rằng, ngành nông nghiệp đã vào cuộc một cách tích cực nhất, nhưng hiệu quả chưa đạt được như mong muốn.
Nguyên nhân khách quan cũng có, nhưng nguyên nhân chủ quan chiếm phần nhiều.
“Nhiều lãnh đạo địa phương kêu với tôi rằng, chỉ một ngành nông nghiệp thì không thể thực hiện thành công tái cơ cấu ngành. Một số sở, ngành khác vào cuộc kém tích cực, thậm chí còn chưa tham gia thực hiện đề án trên, coi đó không phải việc của mình”, Bộ trưởng nói.
“Quê tôi ở Nam Định. Đến giờ mà về quê vẫn thấy anh em họ hàng trồng lúa với mục đích một phần để ăn, một phần dành cho con em xa quê về mang đi. Còn thừa lại mới đem bán.
Như vậy thì rõ ràng là chưa thể nâng cao được giá trị của hạt gạo nói riêng, nông sản nói chung”, Bộ trưởng tâm tư.
Nhìn nhận một cách tổng quát, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, quá trình triển khai tái cơ cấu chưa đạt yêu cầu đặt ra.
Nguyên nhân chính là do nhận thức về tái cơ cấu chưa đúng mức, đặc biệt là sự vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương một số nơi còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo.
“Thực tiễn cho thấy, thực hiện tốt tái cơ cấu là cách duy nhất để khắc phục cơ bản những tồn tại, tạo điều kiện cho nông nghiệp chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đạt kết quả cao hơn.
Để thực hiện thành công chủ trương lớn này, phải thay đổi ngay từ cách tiếp cận thực hiện đề án, cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao và nỗ lực to lớn của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể cùng với nông dân và các DN”, Bộ trưởng khẳng định.
Nêu lên những vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương mình, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết, ở Lâm Đồng, có đến gần 50% diện tích đất nông nghiệp đang ứng dụng cơ giới nhỏ, hoặc chưa cơ giới hóa.
“Đây là nguyên nhân dẫn đến giá thành nông sản cao, khó cạnh tranh với nông sản nhập ngoại.
Ngoài ra, số lượng DN tham gia đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ 1%, vốn đăng ký dưới 5 tỷ đồng thì vai trò đầu tàu không thể định hướng được”, ông S nói.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, quá trình tái cơ cấu chưa chủ động được thị trường. Có những ngành hàng tập trung nhiều cơ chế chính sách và ngược lại.
Ngoài ra, chính sách rất hay về lý thuyết, nhưng thực hiện ở địa phương thì khó khăn, vì phải sử dụng ngân sách của tỉnh.
“Một số tỉnh còn chưa cân đối được ngân sách, thu không đủ bù chi thì lấy đâu ra hỗ trợ theo quy định của chính sách”, ông Hùng kiến nghị.
Không làm nhanh sẽ thua ngay trên sân nhà
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, sau 2 năm triển khai “Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Bộ NN-PTNT đã xây dựng 6 tiểu đề án trong các lĩnh vực gồm: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và chế biến lâm nông lâm thủy sản và muối.
Đưa cơ giới hóa vào SX là tiền đề nâng cao năng suất, tăng giá trị nông sản
Tính đến hết tháng 7/2015, đã có 47 trên tổng số 63 tỉnh, TP ban hành Đề án, Kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch SX theo định hướng tái cơ cấu, trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường.
Đến nay Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt 24 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu, trong đó có 17 quy hoạch trên cả nước và 7 quy hoạch vùng, khu vực, địa bàn cụ thể.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt như hiện nay, nếu không nhanh chóng tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng hiệu quả hơn thì lĩnh vực này sẽ thua trực tiếp trên sân nhà, thất bại ngay cả ở những lĩnh vực mà Việt Nam vẫn nghĩ là có lợi thế so sánh.
Theo Phó Thủ tướng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu, mới thay “da” chứ chưa “đổi thịt” và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt, tăng trưởng của ngành chưa vững chắc.
Thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài (FDI) và các nguồn lực xã hội vào thực hiện tái cơ cấu còn hạn chế; thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tình trạng phá rừng trái pháp luật vẫn xảy ra.
Đặc biệt đến nay vẫn còn 16 tỉnh, TP chưa xây dựng được đề án cũng như kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp, một số địa phương tuy đã phê duyệt những lại chưa triển khai.
Chính vì thế, Phó Thủ tướng yêu cầu đối với các địa phương phải xác định thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là công việc quan trọng, lâu dài.
Ngoài việc xây dựng đề án, kế hoạch, chương trình thực hiện cần thành lập Ban Chỉ đạo tại địa phương về tái cơ cấu nông nghiệp để từ đó phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho chuỗi tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Nhận thức của toàn xã hội đã có sự chuyển biến, đặc biệt là của nông dân, DN, lãnh đạo các địa phương và của nhà khoa học. Giá trị gia tăng của ngành, kim ngạch XK và năng suất trong năm qua phản ánh nhận thức đó”, Phó Thủ tướng nói.
Vì vậy, thời gian tới, cần tránh tư duy đầu tư dàn trải, tránh áp đặt, hành chính hóa. Các ngành liên quan cùng với ngành nông nghiệp cần vào cuộc thực sự. Ngoài ra, tiếp tục kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bằng những chính sách khuyến khích cụ thể, thực tế.
“Bên cạnh cơ chế chính sách chung, các địa phương cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên địa bàn, kết nối với DN để xây dựng, triển khai các dự án đầu tư, tuyên truyền vận động nông dân cho thuê đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với DN để hợp tác liên kết SX hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị.
Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng KHCN, đưa cơ giới hóa vào các lĩnh vực, các khâu từ giống, kỹ năng canh tác, chăm sóc, nuôi trồng đến thu hoạch, bảo quản, chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng.
Tất cả các biện pháp đề ra phải đảm bảo mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.
2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần duy trì tăng trưởng SX, kinh doanh toàn ngành và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Năm 2014, giá trị SX toàn ngành tăng 3,9%, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,49%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 3,27%, cao hơn mức 2,64% của năm 2013. Tổng kim ngạch XK toàn ngành đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013.
Ước tính 6 tháng đầu năm nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết bất thường, bất lợi về thị trường, giá trị SX toàn ngành vẫn tăng 2,41% so với cùng kỳ năm ngoái.
|