Nghị định 67 nên điều chỉnh một số điểm
18:32 - 09/06/2015
Nghị định 67 của Chính phủ triển khai đã được gần 1 năm. Tuy nhiên, để 16.000 tỷ đồng đến với ngư dân vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa

Theo Nguyễn Thái Học (Phú Yên), mặc dù Chính phủ rất quyết tâm trong chỉ đạo triển khai thực hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng nhà nước Việt Nam rất nỗ lực, nhưng đến nay chỉ mới có 2 tàu đóng mới và giải ngân xong, 1 tàu ở Bến Tre, 1 tàu ở Thừa Thiên Huế. Mấy ngày gần đây báo chí nêu thêm một số tàu của Ninh Thuận cũng được giải ngân. Vì sao một chủ trương khi Quốc hội bàn và thống nhất thì nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân nhưng khi triển khai thực hiện thì chậm.

 

“Ngư dân rất phấn khởi và cảm ơn Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định 67 và đã bố trí nguồn lực để thực hiện một số chính sách của Nghị định này. Tuy nhiên, việc sản xuất của ngư dân vẫn còn nhiều khó khăn đối mặt và rủi ro, hạn chế khi bị tàu Trung Quốc xua đuổi, uy hiếp. Đồng thời trong thời gian qua do biến đối khí hậu nên thiên tai ngày càng diễn ra nghiêm trọng, khó lường, các cảng cá và vùng neo đậu đã bồi lấp hoặc đầu tư không hoàn thiện, hoặc chưa đáp ứng được cho các tàu có công suất lớn và quy mô, chưa đủ để lượng tàu của địa phương neo đậu tránh trú bão. Vì vậy ngư dân rất mong Chính phủ bố trí nguồn lực để thực hiện đầy đủ các chính sách của Nghị định 67, đó là đầu tư các cảng cá, khu vực neo đậu tránh trú báo để bảo vệ tài sản, tính mạng ngư dân. Đồng thời, điều này cũng tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ hậu cần, chế biến trên bờ, giải quyết lao động của vợ, con của họ, giảm bớt khó khăn cho ngư dân”, đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) nêu ý kiến.
 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng: Nghị định 67 nên điều chỉnh một số điểm: Thế chấp ở cơ sở rất khó khăn; mẫu tàu đóng ban hành chậm; người dân đang khó khăn, muốn sử dụng máy cũ với máy mới. Đặc biệt, khi đóng tàu vỏ thép, cả nước mới có 4 điểm. Đề nghị Chính phủ có giải pháp để mở rộng đối tượng này.
 

Đối với ngư dân, Nhà nước đã quan tâm ngày càng nhiều hơn, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều từ Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đóng tàu vươn khơi, đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) nhấn mạnh: Đây là một chủ trương rất đúng, tuy nhiên tiến độ triển khai rất chậm. Có những yếu tố gây cản trở bất cập cho việc thực hiện Nghị định 67 như việc thiết kế mẫu thuyền, việc sử dụng máy móc đã qua sử dụng, trong trường hợp nâng cấp thuyền nghề. Do đó, Chính phủ cần rà soát lại thật cụ thể nội dung của chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, để Nghị định 67 nhanh chóng đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả.
 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: Mục tiêu của Nghị định 67 là: Đầu tư hạ tầng một cách đồng bộ, kể cả các cảng cá, các khu neo đậu và tránh trú bão do tàu thuyền; khuyến khích tổ chức lại sản xuất và khuyến khích phát triển hậu cần dịch vụ nghề cá.
 

Trong chính sách hỗ trợ rất lớn, muốn tạo ra một cú huých để tạo một sự chuyển biến vượt bậc trong lĩnh vực này. Ví dụ, miễn, giảm thuế, miễn, giảm lệ phí trước bạ, hỗ trợ chi phí duy tu bảo dưỡng, cho vay vốn lưu động không có thế chấp, hỗ trợ bảo hiểm đối với tàu và trang thiết bị trên tàu, hỗ trợ từ 70-90% tùy loại tàu. Nếu tàu càng to thì hỗ trợ càng lớn, hỗ trợ 100% chi phí bảo hiểm cho thuyền viên và người lao động trên tàu, hỗ trợ 100% chi phí đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ sắt và tàu vật liệu mới, đây là loại tàu mới nên nhiều ý kiến, hỗ trợ chi phí vận chuyển tàu dịch vụ hậu cần nghề cá 2 chiều, tức là vận chuyển nguyên liệu ra ngoài biển và thu mua vận chuyển sản phẩm từ biển trở về đất liền, hỗ trợ cả tàu nâng cấp và hỗ trợ cả tàu đóng mới, nhưng với tư tưởng là khuyến khích đóng tàu công suất lớn từ 400 mã lực trở lên và khuyến khích đóng tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới để tham gia giữ vững biển đảo. Tàu công suất lớn và tàu vỏ thép, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá được hỗ trợ cao nhất.
 

Về mức hỗ trợ cho vay từ 90 - 95% tổng số giá trị tài sản của con tàu, kể cả trang thiết bị trên tàu. Lãi suất tại thời điểm thiết kế chính sách khoảng 7 - 9%/năm, nhưng chủ tàu và người ngư dân chỉ phải trả từ 1 - 2% lãi suất cho suốt 11 năm, còn lại phần chênh lệch từ 7 - 9% so với 1 - 2% là ngân sách trung ương hỗ trợ bằng nguồn Quốc hội phân bổ. Đây là thể hiện chính sách hỗ trợ rất lớn. Trong quá trình cho vay không phải thế chấp bằng các tài sản khác mà thế chấp ngay từ giá trị con tàu hình thành từ vốn vay.

Trên tinh thần như vậy, theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng hợp từ 28 địa phương có biển đã đăng ký 648 con tàu, nếu phân theo loại vật liệu thì vỏ thép và vật liệu mới xấp xỉ 50%, theo công suất thì trên 800 CV, xấp xỉ 60%, trong đó tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đã đăng ký 78 cái.
 

Trong số đăng ký thì đã ký hợp đồng được 52 tàu, đang giải ngân tổng số tiền là 525 tỷ đồng, đã giải ngân 100 tỷ, trong đó có 10 tàu đã giải ngân trên 50%, 2 tàu giải ngân xong. Thời gian đóng tàu nhất là tàu vỏ thép và công suất lớn tối thiểu từ 7 tháng đến 1 năm tùy theo công suất của tàu lớn hay bé.

“Như vậy, cũng không phải quá chậm, vì Nghị định ban hành từ ngày 7/7/2014, hiệu lực từ ngày 25/8/2014, đến 21/5 mới xấp xỉ 9 tháng cũng là đủ để đóng một con tàu. Hiện, đã giải ngân 10 con và đang giải ngân 52 con tàu”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
 

Ngoài ra, Chính phủ cũng thảo luận và đã đưa ra nghị quyết với hai định hướng: Thứ nhất, những nội dung liên quan đến các bộ, ngành thì các bộ, ngành khẩn trương hướng dẫn triển khai thực hiện; Thứ hai là liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ và điều chỉnh Nghị định 67, có mấy điểm lớn đã được ghi trong nghị quyết và đã tiếp thu ý kiến đại biểu.

Đó là cho phép sử dụng máy đã qua sử dụng khi nâng cấp tàu 400 mã lực trở lên kể cả tàu gỗ và tàu vỏ thép.

Giao cho các bộ nghiên cứu để kéo dài thời gian cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với tàu vỏ thép và tàu vật liệu mới. Theo phản ánh của địa phương, tàu vỏ thép và tàu vật liệu mới, giá trị đắt hơn rất nhiều so với tàu vỏ gỗ.

Đồng ý hỗ trợ thiết kế tàu vỏ gỗ, tàu vật liệu mới có công suất lớn từ 400 mã lực trở lên và giao cho địa phương triển khai thực hiện.


D.Thanh/ Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo