Đặt vấn đề về vai trò định hướng của các bộ, ngành, chính quyền địa phương với việc sản xuất nông sản, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt câu hỏi: Trách nhiệm, vai trò của chính quyền, của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu mà để lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, dưa hấu bị ế ẩm? “Bây giờ người ta đang nói nhiều về cây mắc ca, nhiều nơi đang trồng ồ ạt. Liệu có lặp lại tình trạng làm nhiều nhưng không có đầu ra? Liệu mắc ca có rơi vào tình trạng như khoai lang, hành tím nữa không?” – ĐB Đương đặt câu hỏi.
|
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt câu hỏi về vai trò của cơ quan nhà nước trong việc để xảy ra tình trạng nông sản ế ẩm. Ảnh: Như Ý |
Cùng chung đánh giá, ĐB Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) thẳng thắn, đầu ra cho nông sản không phải là vấn đề mới. Giải pháp cũng đã có nhưng vẫn không thoát được điệp khúc được mùa mất giá. “Cần có dự báo và cập nhật nhu cầu thị trường cả nội thương và xuất khẩu để làm căn cứ, định hướng quy hoạch, hướng dẫn sản xuất. Bên cạnh đó, việc kiểm tra thực hiện quy hoạch phải có hiệu quả, việc quản lý điều hành sản xuất phải được thực hiện tốt hơn, tránh đầu tư tràn lan nhưng không gắn với thị trường” – ĐB Bình kiến nghị.
Cùng chủ đề này, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: Năm nào chúng ta cũng được nghe điệp khúc “được mùa rớt giá”. Điều này gây bức xúc cho người nông dân. Từ đó, ông Vinh đưa ra nhận định: Mặc dù đã có đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nhưng việc thực hiện vẫn còn lúng túng trong tổ chức sản xuất, việc hình thành các mô hình, chuỗi liên kết còn hạn chế. “Chính phủ cần ưu tiên hiện đại hóa nông nghiệp, trước mắt ưu tiên dự báo thị trường để người nông dân yên tâm sản xuất đảm bảo sản phẩm hàng hóa làm ra có nơi tiêu thụ”- ĐB Vinh đề nghị.
Sự khôn ngoan của người nông dân đã đủ?
Nhiều ĐB đã tỏ ra nóng ruột với tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, sau khi chỉ ra những bất cập, hạn chế của đề án này. ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, việc thực hiện đề án này vẫn còn trong tình trạng loay hoay, chưa xoay xở được gì nên người nông dân vẫn phải chịu cảnh trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải lo đến giá cả và nơi tiêu thụ. “Các nhà chuyên môn có khuyến cáo là người nông dân phải khôn ngoan hơn trong quyết định chọn lựa vật nuôi, cây trồng, đáp ứng được thị trường tiêu thụ. Nhưng họ không được tham gia quyết định giá cả của sản phẩm mà họ làm ra, như vậy, sự khôn ngoan của người nông dân đã đủ lực để giải quyết vấn đề này hay chưa?” – ĐB Bé bày tỏ.
ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá Chính phủ đã triển khai rất nhiều chương trình, dự án hỗ trợ tín dụng nhằm hỗ trợ nhân dân mua máy móc, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. “Tuy nhiên, quá trình thực thi còn những hạn chế. Nguyên nhân chính do một số quy định về vay vốn không phù hợp. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi còn gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp sản xuất áp dụng công nghệ cao”- ĐB Công phân tích.
Góp ý vào giải pháp để tạo ra đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) khẳng định cần hoàn thiện văn bản về ứng dụng nâng cao phát triển công nghệ cao để nâng giá trị ngành nông nghiệp. Theo ĐB Vở, đến nay đã qua 4 kỳ họp, tức 2 năm trôi qua nhưng vẫn chưa ban hành được cơ chế chính sách để thúc đẩy vấn đề này. “Theo tôi, để giải quyết tiêu thụ nông sản, chúng ta phải giải quyết việc xây dựng khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời Bộ NNPTNT cần phối hợp các bộ, ngành khác hình thành các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, như thế mới đạt hiệu quả”- ông Vở nhấn mạnh.
Trước một số vấn đề còn tồn tại, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giải đáp: Đối với vấn đề hỗ trợ ngư dân, Chính phủ đã triển khai các chính sách theo Nghị định 67. Chính sách hướng đến 2 mục tiêu chính: Đó là khuyến khích ngư dân bám biển và tổ chức sản xuất nghề cá trên biển. Theo Phó Thủ tướng, khi thiết kế chính sách 67, Chính phủ đã định hình nhiều nội dung khá đồng bộ, toàn diện như: Đầu tư hạ tầng với định hướng đồng bộ, kể cả các cảng cá, khu tránh trú neo đậu tàu thuyền; khuyến khích tổ chức sản xuất, hậu cần nghề cá; miễn giảm thuế, lệ phí trước bạ, hỗ trợ duy tu bảo dưỡng, hỗ trợ chi phí cho vay lãi suất, vận hành tàu dịch vụ nghề cá, hỗ trợ tàu nâng cấp, đóng mới… “Có thể nói các chính sách này đã đi đúng hướng”- ông Ninh khẳng định.
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân- Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam: 4 yếu điểm của ngành nông nghiệp
Phát biểu tại nghị trường, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (Bắc Giang) cho rằng: Hơn 20 năm qua, năng suất cây, con đã tăng lên, sản lượng gạo, tiêu, điều, cao su tăng lên. Tuy nhiên, hiện có tới 4 bất cập tồn tại trong ngành nông nghiệp, đó là: Được mùa rớt giá; thiếu vốn; thu nhập nông dân thấp vì 47% lao động mà chỉ đóng góp 19% giá trị GDP, tức bằng 1/3 lao động trong công nghiệp; xuất khẩu không ổn định.
Theo ông Nhân, hiện có sự không tương thích giữa quan hệ sản xuất và lao động trong nông nghiệp, bởi đa số doanh nghiệp trong nông nghiệp có quy mô nhỏ. Cụ thể, nước ta có hơn 10 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có tới 80% số hộ có diện tích canh tác dưới 1ha. Cả nước có 4 triệu hộ nuôi lợn thì có 70% số hộ nuôi dưới 5 con, 7 triệu hộ nuôi gà thì có 60% nuôi dưới 49 con. Lực lượng chủ đạo của 10 triệu hộ với 2 lao động/hộ, hầu hết không qua đào tạo nghề. “Để liên kết các hộ, chúng ta đã hình thành các hợp tác xã, nhưng do chưa nhận thức đầy đủ nên hợp tác kinh tế chưa đầy đủ, cả nước có 10.000 HTX, nhưng chỉ có 10% hoạt động có hiệu quả. Chính vì thế, phần lớn các hộ xã viên bán sản phẩm không biết bán cho ai, bán để làm gì”- ông Nhân đánh giá. Ông Nhân cho rằng, các hộ đơn lẻ, cá thể không thể nghiên cứu, dự báo thị trường, chúng ta đòi hỏi nông dân phải sản xuất theo thị trường nhưng nông dân không thể biết đó là bao nhiêu, mà chỉ có HTX và doanh nghiệp mới thực hiện được; cho nên chỉ có liên kết thành HTX mới giải quyết được. Với 10 triệu hộ nông dân, chúng ta cần hình thành 30.000-33.000 HTX.
ĐBQH Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ KHĐT : Đừng phê phán FDI
“Chúng ta không nên phê phán quá nhiều đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thực tế rất nhiều nước cũng muốn thu hút FDI. Chúng ta thử hình dung, nếu không cho FDI vào, kinh tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như Samsung, chỉ một dự án họ đã giải ngân 11,3 tỷ USD và thu hút tới 400.000 lao động. Họ xuất khẩu sản phẩm chiếm tới 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu nước ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đầu tư phát triển doanh nghiệp trong nước,. Bản thân tôi làm việc với các doanh nghiệp FDI, họ cũng rất muốn các doanh nghiệp trong nước có thể cung cấp các thiết bị phụ trợ, bởi như Samsung nếu họ thấy đầu tư vào Việt Nam mà không có các doanh nghiệp như vậy, họ cũng thấy không có hiệu quả. Vì đầu tư vào Việt Nam nhưng vẫn phải nhập các sản phẩm phụ trợ từ Hàn Quốc, thì họ đầu tư làm gì”.
Ngọc Lê (ghi)
|