Nụ cười trên cánh đồng dưa
Trên tỉnh lộ 131 nối QL3 với QL2 qua địa bàn thôn Bắc Thượng, xã Quang Tiến, người ta dễ dàng nhận thấy những sạp dưa bở tươi màu vàng - xanh rất hấp dẫn. Đã vào cuối vụ, những trái dưa được bán với giá khoảng 6.000 đồng/kg, rẻ hơn gần một nửa so với thời điểm đầu vụ. Dù vậy, người trồng dưa cũng tỏ ra khá thoải mái. Theo một số người bán, năm nay, dưa cho năng suất khá. Giá bán từ đầu mùa cũng ổn định. Bán buôn cũng được trên 5.000 đồng/kg, trong khi bán lẻ, giá cao gần gấp ba! Cuối vụ, chất lượng dưa kém hơn một chút nên giá bán có thấp hơn. Tuy nhiên, tổng kết cả vụ, cây dưa vẫn mang lại thu nhập khá hơn nhiều nếu so với cấy lúa vụ Xuân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đồng - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp thôn Bắc Thượng, chi phí đầu tư cho 1 sào dưa khoảng 1 triệu đồng, bao gồm: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thưc vật, ni-lon che phủ… Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, 1 sào dưa cho năng suất khoảng 1.000kg. Với giá bán tại ruộng khoảng 5.000 đồng/kg. Trừ chi phí, người nông dân lãi khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/sào, gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa…
Trong khi đó, ở xã Đông Xuân, hàng chục hecta dưa lê cứ chớm chín là có người tới thu mua ngay tại ruộng. Chị Lê Thị Thủy, một hộ trồng dưa ở thôn Cả chia sẻ, từ năm 2013, dưa lê ở xã Đông Xuân đã được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, dưa lê nơi đây cũng được thu mua theo hợp đồng với mức giá ổn định là 14.000 đồng/kg. So với dưa bở, giá trị kinh tế của dưa lê thậm chí còn cao hơn nhiều. Nhờ đó, người nông dân có thể yên tâm sản xuất mà không phải quá lo lắng về đầu ra.
Sẽ phát triển theo hướng an toàn
Hiệu quả từ mô hình trồng dưa lê và dưa bở vụ Xuân là không thể phủ nhận. Nhờ trồng dưa, thu nhập của một bộ phậm người dân xã Đông Xuân và Quang Tiến được cải thiện. Tuy nhiên, những trăn trở chưa phải đã hết. Ông Nguyễn Ngọc Tân - Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 8ha dưa lê ở xã Đông Xuân và trên 25ha dưa bở được trồng ở xã Quang Tiến. Các hộ trồng dưa tại hai xã được cán bộ khuyến nông hỗ trợ tập huấn kỹ thuật canh tác, cách thức chống rét, chống hạn, bón phân cho cây. Ở xã Đông Xuân, chính quyền xã cũng đã tổ chức liên kết, ký hợp đồng sản xuất - tiêu thụ với các DN, tiểu thương. So với xã Đông Xuân, người trồng dưa ở xã Quang Tiến ít thuận lợi hơn đôi chút. Dù năng suất rất tốt và việc tiêu thụ tương đối ổn định, nhưng dưa bở tại đây chưa được cấp chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như chưa tìm được đối tác liên kết để tiêu thụ. Người trồng dưa xã Quang Tiến vẫn chủ yếu bán buôn cho các tiểu thương nên đôi khi không tránh khỏi việc bị ép giá.
Trước vấn đề nêu trên, huyện Sóc Sơn đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn cho dưa bở ở xã Quang Tiến, và tìm mối liên kết tiêu thụ cho các vụ dưa năm sau. Ông Tân cho biết thêm, trong định hướng phát triển nông nghiệp 5 năm tới, diện tích trồng dưa sẽ được giữ ổn định. Sóc Sơn sẽ tập trung vào kỹ thuật canh tác, nhằm phát triển vùng trồng dưa theo hướng an toàn.