Cam, nho mất mùa, hoa thối rễ nhà vườn thất thu Tết
16:48 - 27/12/2017
Thời tiết xấu khiến nho mất mùa, cam rụng hàng loạt, lại thêm bệnh héo úa ở hoa cúc, nhiều nhà vườn thất thu Tết.
 

Ninh Thuận: Mất mùa nho Tết

Dự báo nguồn cung ứng nho của Ninh Thuận cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất sắp tới sẽ khan hiếm, nhất là trái nho xanh.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 12 và 14 vừa qua, mưa kéo dài gần hết tháng 11 đã làm cho sản xuất vụ nho Tết của nông dân Ninh Thuận bị chậm 1 tháng so với chu kỳ. Do vậy, nguồn cung ứng trái nho của Ninh Thuận cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất sắp tới sẽ khan hiếm, nhất là trái nho xanh. 

Xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận có diện tích trồng giống nho xanh NH-0148 lớn nhất tỉnh. Một số vườn nho được người dân cắt cành ngay sau khi mưa lũ kết thúc vào cuối tháng 11. Thời điểm này cây nho mới bắt đầu ra tán và cho bông.

Đối với giống nho xanh NH-0148 thời gian sinh trưởng từ khi ra bông đến thu hoạch là 4 tháng; theo đó sau Tết Nguyên đán 1 tháng trở đi các vườn nho xanh ở đây mới cho thu hoạch.

Anh Nguyễn Văn Quy, nông dân trồng nho ở xã Xuân Hải buồn bã cho biết, Tết nay vùng này sẽ không có nhiều nho cung cấp nho cho thị trường do nho bị thiệt hại bởi thời tiết.

Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận có 39 hộ dân trồng 35 ha nho theo hướng VietGAP. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt mưa bão kéo dài trong tháng 11 vừa qua làm cho hầu hết diện tích nho của hợp tác xã phải ngưng sản xuất vụ tết. Thậm chí gần 1 tháng nay, hợp tác xã nho Evergreen Ninh Thuận không có hàng để cung cấp cho thị trường.

Ông Nguyễn Hải Tấn, Phó Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận cho biết, nho đỏ tính từ ngày cắt cành đến khi thu hoạch là 2 tháng 20 ngày, nho xanh là 110 ngày nhưng bà con không dám cắt, nếu mưa sẽ bị hư hết.

Hiện, giá nho đỏ đã tăng lên 27.000/kg và nho xanh là 50.000 đồng/kg, nhưng không có nho để bán, bởi hầu hết diện tích nho trên địa bàn tỉnh với khoảng 7.000 ha mới đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ sinh trưởng.

Bà Nguyễn Thị Thu ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận cho biết, năm nay vườn nho nhà bà coi như không còn gì để thu hoạch vì nho vừa bị bệnh vừa bị mưa làm hư hỏng. “Mưa kéo dài khiến nho bị nấm bị bệnh thán thư ăn cành nên nho hư hỏng hết”, bà Thu cho biết.

Tết đến nhưng người trồng nho Ninh Thuận lại không vui vì mất mùa nho. Là địa phương có số tháng nắng trong năm cao nhất cả nước, nhưng mưa lũ thường xuất hiện vào những tháng cuối năm. Do đó, với loại cây trồng luôn mẫn cảm với nước mưa như cây nho là thử thách lớn đối với người trồng nho ở Ninh Thuận.

 Quỳnh Lưu: Cam rụng hang loạt, người trồng cam khốn đốn

Những ngày này, tại một số vườn cam trên địa bàn xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An), có hiện tượng quả mềm, bị thối, sau đó rụng, gây thiệt hại lớn cho người dân trồng cam.

Năm 2012, sau khi tìm hiểu về việc trồng cam, ông Nguyễn Trọng Tự ở thôn 4A, xã Quỳnh Châu đặt mua giống cam Valencia chín muộn và quýt PQ về trồng trên diện tích 14 sào.

Sau 3 năm trồng và chăm sóc cam cho ra quả bói, đến năm 2016 cam bắt đầu cho quả đại trà. Giống cam này thường thu hoạch vào giữa tháng Giêng, như năm trước ông Tự đã có thu hoạch hàng trăm triệu đồng, nhưng năm nay cam chuẩn bị vào vụ thu hoạch thì cam bị rụng hàng loạt.

Theo ông Nguyễn Trọng Tự cho biết, sở dĩ cam bị rụng hàng loạt nguyên nhân là do con bướm (hay còn gọi là con ngài), ruồi vàng chích. Thường từ 6 - 7 giờ tối, sâu bướm bay đến vườn cây ăn quả, đến khoảng 4 - 5 giờ sáng là bay khỏi vườn.

Khi cam mới bị chích rất khó phát hiện vết đục, nếu dùng tay bóp nhẹ sẽ có dịch ở trong trái cam chảy qua lỗ. Vài ngày sau, phần vỏ xung quanh của quả cam bị chích sẽ mềm, sau đó khoảng một tuần sẽ bị rụng, trái có mùi thối.

"Sâu bướm thường chích những quả chín hoặc sắp chín; năm ni nó về đông lắm, vòi dài như vòi con ong, trong thời gian khoảng 5 ngày, sớm thì 2 ngày quả sẽ rụng. Tôi đã đi Quỳ Hợp để học cách đánh bẫy, đêm đi đập cộng với thời tiết lạnh nên mấy hôm nay con ngài có giảm” - ông Tự cho hay.

Mặc dầu, cam bị rụng hàng loạt gây thiệt hại lớn nhưng ông Nguyễn Trọng Tự chỉ dùng biện pháp thủ công là làm 20 cái bẫy và soi đèn pin để bắt sâu vào ban đêm. Dự kiến, năm nay sản lượng cam giảm từ 40 - 50%, gây thiệt hại gần 100 triệu đồng cho gia đình ông.

Hiện nay, trên địa bàn xã Quỳnh Châu có 9ha cam, quýt; đa số diện tích trên đều bị sâu bệnh chích. Ngoài gia đình ông Tư, nhiều hộ bị thiệt hại lớn như hộ ông Nguyễn Trọng Tự ở thôn 4A (gần 1ha); ông Trịnh Văn Quý ở  thôn 4A ( 2ha); ông Trần Văn Lưu ở Tuần (1,6 ha), ông Lê Văn Hùng (2ha),…

Ông Lưu Hải Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu cho biết, sau khi một số hộ gia đình trồng cam phản ánh hiện tượng sâu chích gây thiệt hại kinh tế, chính quyền địa phương đã cử cán bộ địa chính nông nghiệp xuống hộ gia đình kiểm tra, đồng thời báo cáo với huyện để xin ý kiến, hướng dẫn người cách phòng trừ.

Cùng với sâu bướm thì ruồi vàng cũng là một trong những nguyên nhân làm cho sản lượng cam của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Quỳnh Châu sụt giảm, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho các hộ trồng cam.

Đà Lạt: Bệnh héo úa gây hại hoa cúc thị trường tết

Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân Phường 12, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết, lượng hoa cúc cung cấp cho thị trường Tết năm nay trên địa bàn đã bị giảm đáng kể do dịch bệnh gây hại nghiêm trọng.

Để chuẩn bị hoa Tết năm nay, Phường 12, TP Đà Lạt sản xuất 100 ha hoa các loại, trong đó diện tích hoa cúc chiếm hơn 3/4 diện tích. Tuy nhiên, do virut gây bệnh đốm héo, sọc thân, thối rễ gây hại trên diện rộng, khiến nhiều nông dân phải nhổ bỏ. Ông Lê Duy Khánh, ngụ Phường 12, TP Đà Lạt cho biết, virut gây bệnh trên hoa cúc đã xuất hiện trong nhiều tháng qua. Riêng vụ hoa cúc vừa rồi, gia đình bị lỗ nặng nề. Còn vụ hoa tết năm nay, sau khi gia đình xuống giống được hơn 1 tháng thì dịch bệnh lại xuất hiện và gây héo úa hàng loạt, gia đình buộc phải nhổ bỏ để tránh lây lan, vì có chăm sóc tiếp thì cây cũng bị chết rũ.

Tương tự, vườn hoa cúc của ông Vương Anh Dũng nằm cách đó vài trăm mét cũng rơi vào cảnh héo rũ do virut gây ra. Ông Dũng lo lắng: “Dịch bệnh trên cây hoa cúc hiện nay là rất lạ, khó chữa trị. Nếu phát hiện kịp thời thì phun thuốc BVTV cây chỉ chững lại chứ không hết hẳn, bệnh này gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng cây từ lúc mới trồng cho đến thu hoạch...”.

Qua tìm hiểu, dịch bệnh đợt này gây hại nặng trên tất cả các giống hoa cúc như: cúc đóa, saphir, kim cương trắng, xanh thái, vàng thái, AT, thạch bích... Theo ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân Phường 12, TP Đà Lạt, hiện hầu hết các vườn trồng hoa cúc trên địa bàn đều xuất hiện dịch bệnh, trong đó có nhiều vườn cúc đã bị hư hỏng với tỷ lệ gây hại hơn 30%, phần lớn người dân phải nhổ bỏ.

Cũng theo ông Hồ Ngọc Dinh, trước đó, Hội Nông dân phường đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp TP Đà Lạt phát tờ rơi hướng dẫn tạm thời các biện pháp phòng trừ bệnh héo vàng sọc thân hại cây hoa cúc cho người dân .nhưng tình hình không được cải thiện.

 

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo