Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã công bố kết quả thẩm định 10 mẫu thép cuối cùng lấy ở boong và đáy 5 tàu vỏ thép hư hỏng do Cty TNHH Đại Nguyên Dương (viết tắt Cty Đại Nguyên Dương) đóng.
Kết quả cho thấy, có 7/10 mẫu thép của 4 con tàu không đạt MAC A.
Ngư dân rất bức xúc trước sự tráo trở này của đơn vị đóng tàu, và yêu cầu phải thay mới lại đúng chủng loại thép theo hợp đồng.
Nhùng nhằng thay mới thép không đúng MAC A
Ngày 12/8, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, một lần nữa khẳng định: “Quan điểm của tỉnh trước sau như một, nhất định đơn vị đóng tàu phải thay lại toàn bộ vật liệu thép đúng theo đúng hợp đồng, không chấp nhận chắp vá hay khắc phục. Những phần thép nào không đảm bảo, không đạt MAC A càng phải được tháo ra thay thép mới đúng MAC A cho ngư dân”.
|
Mặt boong những tàu cá vỏ thép do Cty Đại Nguyên Dương đóng không đúng MAC A nên hiện đã gỉ sét toàn bộ. |
Cũng trong ngày 12/8, PV NNVN đã gọi điện liên hệ với lãnh đạo Cty Đại Nguyên Dương để nắm bắt quan điểm của DN này về vấn đề “vá” thép hay thay thép mới, thế nhưng máy của ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Cty Đại Nguyên Dương tò tí te, nhiều người đồ rằng ông Nguyên đã thay số điện thoại. PV tiếp tục liên hệ tới số điện thoại bộ phận tài chính của công ty này, nhưng lại bị ông Nguyễn Đức Ân, kế toán trưởng, từ chối làm việc vì…bận!
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Phòng đăng kiểm Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho hay: “Hiện các cơ quan chức năng đã yêu cầu Cty Đại Nguyên Dương xây dựng kế hoạch, trình bày cụ thể phương án, từng công đoạn của việc thay thế, khắc phục thép. Doanh nghiệp phải gửi kế hoạch đó lên Sở NN-PTNT Bình Định thẩm định để từ đó trình lên UBND tỉnh. Nếu UBND tỉnh Bình Định đồng ý đi đến thống nhất phương án ấy thì cơ quan đăng kiểm sẽ kiểm tra về an toàn kỹ thuật. Làm như thế đảm bảo ngư dân sẽ có tàu đánh bắt sớm nhất”.
Nợ chồng nợ chất
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Bình Định, đến thời điểm này có 27 chủ tàu 67 (1 tàu đóng theo vật liệu mới, 26 tàu vỏ thép) tại Bình Định đã có số nợ quá hạn lên đến hơn 15,5 tỷ đồng. Trong đó, có 22 chủ tàu vỏ thép 67 nợ quá hạn do sau khi hạ thủy chưa được bao lâu tàu đã hư hỏng, phải nằm bờ; còn 5 chủ tàu khác do đánh bắt kém hiệu quả nên không có tiền trả nợ ngân hàng. Trong 22 chủ tàu vỏ thép 67 hư hỏng, có 2 ngư dân là ông Trần Văn Hạo và ông Trương Hoài Khánh ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn, Bình Định) bị ngân hàng giữ sổ đỏ không trả. Hiện hai ngư dân này hết sức khốn đốn vì gia đình không còn tiền giải quyết nợ nần.
|
Ngư dân Nguyễn Văn Lý ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, Bình Định): “Chúng tôi muốn việc sửa chữa vỏ thép nhanh chóng được thực hiện để đưa tàu ra khơi làm ăn chứ chúng tôi đã khổ quá rồi!”. |
Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc NHNH Chi nhánh Bình định, cho biết: “Trước đó, NHNH cũng đã có đề xuất hỗ trợ lãi suất cho những chủ tàu vỏ thép 67 đang hư hỏng, nhưng lại vướng quy định của Thông tư 114/2014/TT-BTC. Trong quy định có 3 nguyên nhân được cơ cấu lại thời hạn nợ, giãn nợ và hỗ trợ về lãi suất, gồm: Tàu bị thiên tai trên biển; tàu bị nước ngoài bắt giữ sau đó trả lại và tàu bị tàu nước ngoài và hải tặc đâm va. Phải nằm trong 3 nguyên nhân này thì mới được hỗ trợ về lãi suất. Hiện các Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT, NHNN và các cơ quan liên quan đã soạn thảo văn bản trình Chính phủ, đối với những trường hợp trên được phép cơ cấu lại và được hỗ trợ lãi suất”.
Đa số ngư dân có tàu vỏ thép 67 hư hỏng tại Bình Định phản ánh, họ còn phải gánh thêm rất nhiều khoản nợ khác, lên đến hàng trăm triệu đồng trong thời gian tàu nằm bờ…