Tiêu thụ nông sản còn gặp khó
11:08 - 25/07/2017
(TNNN)- Hiện nay việc tiêu thụ nông sản của nước ta đang gặp phải những khó khăn và thử thách lớn cả về thị trường, giá cả, chất lượng và chủng loại. Hầu hết các mặt hàng nông sản chính đang ứ đọng, giá cả giảm mạnh, chất lượng ngày một giảm đi làm cho việc tiêu thụ ngày càng khó hơn.
Thị trường trong nước phải phân bổ và rải vụ để tránh tình trạng được mùa rớt giá


Theo nghiên cứu của công ty Fine Fruit Asia, 82% giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam là từ quả thanh long mà trong đó 91% cầu xuất khẩu là từ thị trường Trung Quốc.
 
 
Tuy nhiên, đây là một thị trường được đánh giá là vô cùng bất ổn, bởi lẽ phần lớn đối tượng thu mua nông sản Việt Nam là các thương lái trung gian với tình hình mua bán không ổn định. Nếu Việt Nam tiếp cận được với các doanh nghiệp phân phối sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng thì việc xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ ổn định hơn.
 
 
Dù vậy, Trung Quốc vẫn là bạn hàng mang lại nhiều rủi ro cho ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Điển hình như việc nhiều lần, cộng đồng trong nước phải "giải cứu" nông sản như: Chuối, thanh long, dưa hấu và cả thịt lợn,... do rau quả xếp hàng dài tại cửa khẩu nhưng không thông quan được.
 
 
Lực lượng sản xuất chính trong ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn là các hộ nông dân nhỏ lẻ khiến việc hợp tác và sản xuất tập trung còn hạn chế. Điều này gây ra mối quan hệ không ổn định giữa nhà sản xuất và xuất khẩu cũng như sự chấp nhận và đầu tư hạn chế của nông dân trong các mô hình sản xuất an toàn do thiếu động cơ thị trường. Đồng thời, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sẽ gây khó khăn trong quá trình xây dựng thương hiệu nông sản và mở đường xuất khẩu ra nước ngoài, bởi hợp tác quốc tế đòi hỏi phải có số lượng lớn và khả năng cung ứng nông sản thường xuyên, liên tục.
 
 
Điều này cũng dẫn đến việc ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam phải lựa chọn nhắm mục tiêu vào các thị trường chất lượng thấp hoặc kiểm soát sản xuất nông nghiệp của mình chứ không xuất khẩu được sang các thị trường có yêu cầu cao như Nhật Bản, Hoa Kỳ hay Châu Âu.
 
 
Trong khi đó, kênh thị trường trong nước vẫn còn phân mảnh, thống trị bởi thị trường bán buôn/bán lẻ như câu chuyện thịt lợn người nuôi bán ra thì rẻ nhưng người dân mua vào vẫn đắt cho thấy vấn đề của kênh phân phối tại Việt Nam. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng: Trong đợt giá lợn giảm sâu vừa qua, nhiều hộ chăn nuôi lợn đơn lẻ rơi vào tình trạng điêu đứng. Tuy nhiên, thịt lợn sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị của các doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn tiêu thụ rất tốt tại hệ thống siêu thị.
 
 
Hà Nội là một trong những địa phương tích cực trong việc sản xuất nông sản an toàn. Thế nhưng, cũng giống như nông sản của nhiều địa phương khác, nông sản an toàn của thành phố Hà Nội đang gặp phải khó khăn khi nhu cầu của thị trường rất lớn nhưng người nông dân vẫn loay hoay tìm đầu ra, còn doanh nghiệp thì lại thiếu nguồn nông sản đáng tin cậy để cung ứng.
 
 
Vào chính vụ, mỗi ngày, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội xuất ra thị trường 8-10 tấn rau an toàn các loại. Tuy nhiên, rau an toàn Thanh Đa vẫn chủ yếu tiêu thụ tại các chợ đầu mối hoặc bán cho các thương lái, tỷ lệ vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích rất ít. Rau an toàn Thanh Đa sản xuất có nguồn gốc rõ ràng nhưng đến khâu phân phối trên thị trường thì "mất" nguồn gốc. Cùng tình cảnh, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Kim An, huyện Thanh Oai trồng cam đường với diện tích 100ha, sản xuất theo mô hình VietGAP. Năm 2014, Thanh Oai đã xây dựng được nhãn hiệu cam đường Kim An, tuy nhiên hiện nay, sản phẩm an toàn này mới đưa vào tiêu thụ trong siêu thị khoảng 20 tấn, chiếm rất nhỏ trên tổng sản lượng sản xuất.
 
 
Ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, mặc dù sản xuất rau, củ VietGap sẽ giúp cho bà con nông dân có thu nhập cao gấp 3 đến 10 lần so với trồng lúa truyền thống nhưng thực tế cho thấy việc tiêu thụ rau, củ VietGap đang gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ. Nguyên nhân chính là do thị trường tiêu thụ lại chủ yếu đưa vào các chợ đầu mối trong khi người tiêu dùng chưa có khái niệm phân biệt rau sản xuất theo quy trình VietGap với rau trồng truyền thống. Chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng bị mất giá hoặc sản phẩm VietGap còn trở thành thức ăn cho gia súc, gia cầm khi không có người mua.
 
 
Để giải quyết khó khăn, xã đã thực hiện ký kết với Công ty TNHH An Lợi và Công ty Cổ phần công nghệ cao An sinh để thu gom, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau củ quả an toàn. Nhưng việc liên kết này chỉ thu gom, sơ chế được 50 đến 100kg/ngày không thể thu gom, sơ chế được hết lượng sản phẩm nông sản hàng chục tấn mỗi ngày mà bà con sản xuất. Vì vậy, việc tiêu thụ rau, củ an toàn của Đặng Xá vẫn còn quá bấp bênh, chưa có lối giải quyết phù hợp và mang lại hiệu quả tương xứng so với giá trị đầu tư.
 
 
Về giải pháp để không phải "giải cứu" nông sản khi Trung Quốc dừng thu mua, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng: "Các quốc gia ôn đới như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản thường có mùa vụ từ mùa xuân cho đến tháng 9 hàng năm, vì vậy Bộ NN&PTNT đã chủ trường nước ra sẽ trồng rải vụ từ tháng 10 đến tháng 3 để đáp ứng nhu cầu của các thị trường lân cận".
 
 
Tuy nhiên, do mô hình trồng trọt tự phát nên nhiều nông hộ chưa nắm được thông tin dự báo thị trường dẫn đến nuôi trồng ồ ạt đúng vào thời điểm Trung Quốc cũng vào chính vụ khiến có loại nông sản rớt giá còn 1.000 - 2.000 đồng/kg và phải đổ bỏ.
 
 
Ngoài việc tránh thị trường lớn dừng mua sản phẩm của Việt Nam mà ngay cả thị trường trong nước cũng phải phân bổ và rải vụ để tránh tình trạng được mùa rớt giá. Tại khu vực phía Nam, Bộ NN&PTNN đã thành lập Ban chỉ đạo rải vụ. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng chủ trương đa dạng hoá các giống rau củ và tăng cường trồng hoa quả rải vụ để thu hoạch trái mùa.

Hữu Tín
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo