Chất tạo nạc làm khổ người chăn nuôi chân chính
18:22 - 30/10/2015
(TNNN) - Thời gian gần đây, thông tin cảnh báo về chất tạo nạc cho heo trên các phương tiện truyền thông đang khiến người tiêu dùng thực sự rất hoang mang và lo sợ; tiểu thương và người chăn nuôi chân chính cũng bị ảnh hưởng, điêu đứng.
Bằng mắt thường sẽ rất khó để phân biệt được đâu là thịt đã được tạo màu bằng hóa chất

 
Thông qua các đợt kiểm tra cho thấy, các đơn vị chức năng đã phát hiện một số đại lý bán thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi heo có sử dụng một số chất trong diện cấm được sử dụng để thực hiện việc kích thích tỷ lệ nạc trong thịt heo. Việc sử dụng hóa chất cấm để chăn nuôi như vậy đã gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng. Đồng thời, việc này còn gây ra hậu quả kéo theo là giá thịt heo giảm xuống do người dân có những lo ngại về chất lượng nên đã quay lưng với các sản phẩm từ thịt.



Theo các nhà khoa học, hai chất Salbutamol và clenbuterol là những chất độc hại đã bị Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị không sử dụng trong chăn nuôi từ lâu. Tất cả các hợp chất khác trong nhóm beta- agonists đồng thời cũng đều bị cấm sử dụng trong chăn nuôi.

 
Các nhà khoa học cảnh báo, lượng chất này tồn đọng trong thịt gia súc sẽ gây những nguy hại khôn lường cho người sử dụng. Ngoài việc bị ngộ độc cấp tính, các chất này sẽ còn có khả năng làm rối loạn các chức năng tim và phổi, khiến tim đập nhanh, huyết áp tăng, phù nề, liệt cơ, run cơ, đau đầu, choáng váng, buồn nôn và thậm chí có thể tử vong.

 
Trước đó, vào năm 2010, Bộ NN& PTNT đã ban hành Thông tư số 54 quy định chi tiết về kiểm tra các chất tồn dư trong những sản phẩm chăn nuôi, trong đó có 3 chất đặc biệt đáng chú ý là: Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol.



Đây là những chất tạo nạc, yêu cầu không được dùng để chăn nuôi. Các chất này bị cấm sử dụng vì nó thuộc nhóm gây ra độc hại khi sử dụng các sản phẩm thịt vẫn còn tồn đọng dư lượng các chất này. Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng mới phát hiện được, song mới chỉ ở tỷ lệ nhỏ và tập trung ở phía Nam, còn phía Bắc thì chưa có nhiều.

 
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra mới chỉ dừng lại ở một số ít mẫu thịt được kiểm tra, do vậy, chưa thể kết luận là có tới 30- 40% thịt heo bị nhiễm các chất tăng trọng, tăng nạc. 

 
Năm 2012, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát đã gọi hành động sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để kiếm lợi cho mình nhưng làm hại đến sức khỏe của rất nhiều người khác là một tội ác. Và mỗi khi phát hiện dùng chất cấm tràn lan, ông lại chỉ đạo tăng cường kiểm tra; vừa qua, Bộ trưởng đã tiếp tục ký công văn về việc tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi.

 
Trăn trở vấn đề này, tại hội nghị trực tuyến về triển khai đợt cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến Tết Nguyên đán, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các Bộ không nên “căng thẳng” mà cần cùng nhau giải quyết được dứt điểm vấn đề từ gốc. Phó Thủ tướng kêu gọi sự vào cuộc của Hội Nông dân và Hội Phụ nữ, vì 2 tổ chức Hội này sâu sát với cơ sở nhất. Lực lượng công an có vào cuộc nhiều khi cũng phải dựa vào thông tin của các Hội.


 
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc Bộ NN & PTNT đưa ra các chất cụ thể bị phát hiện vi phạm nhiều là Salbutamol, vàng ô (Vat Yellow) và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau. Vì vậy, trước hết cần phải tuyên truyền cho người nông dân hiểu, sau đó sẽ tiến hành xử phạt nếu đã biết nhưng vẫn cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ NN & PTNT phải tập trung phát triển các mô hình cung ứng rau, thịt sạch để hướng tới một nền nông sản sạch cho nhân dân tiêu dùng và xuất khẩu.

 
Theo báo cáo của ông Nguyễn Như Tiệp, Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản, trong 9 tháng đầu năm 2015, ngành nông nghiệp đã xử phạt gần 1.200 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt gần 22 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là đã phát hiện được và tiêu hủy 20 kg chất bột màu trắng không nhãn mác, nghi ngờ là thuốc tăng trọng Salbutamol và 13,3 kg hóa chất vàng ô trộn trong thức ăn chăn nuôi để tạo màu vàng cho gà.
 

Trước tình hình này, Bộ NN& PTNT đã quyết định tiến hành mở đợt cao điểm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên phạm vi toàn quốc. Thời gian từ tháng 10/2015 đến hết 2/2016, thời điểm sau Tết Nguyên đán Bính Thân. Cũng trong đợt này, các đối tượng kiểm tra nghiêm ngặt được nhắm đến là thịt heo, thịt gà (các chất Sabultamo và Vat Yellow, Salmonella); rau quả (tồn dư thuốc bảo vệ thực vật); tôm, cá nuôi (hóa chất, kháng sinh).

 

Như Thao
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo