Ngô chuyển gen đã có mặt ở đất chín rồng
17:05 - 06/08/2015
Lần đầu tiên, nhiều nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tiếp cận với quy trình trồng giống bắp (ngô) chuyển gen NK66 Bt/GT. Theo đánh giá, công nghệ mới giúp cây bắp chống chịu thuốc trừ cỏ gốc glyphosate, kháng sâu đục thân, góp phần tiết kiệm chi phí và nâng cao thu nhập.

Huyện An Phú, An Giang là vùng trồng bắp lớn nhất ĐBSCL với diện tích 3.500ha, chuyên canh 3 vụ bắp/năm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà nông dân phải đối mặt là sâu bệnh tấn công nhiều khiến năng suất sụt giảm, lại thêm giá bắp xuống thấp. Nhưng anh Trần Minh Thành ở ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng cho rằng, trồng giống bắp chuyển gen NK66 Bt/GT sẽ cải thiện được tình hình.

Giống bắp chuyển gen NK66 Bt/GT có thể giúp nông dân giảm chi phí canh tác đồng thời bảo vệ tiềm năng năng suất so với các giống bắp thường

Anh Thành cho biết, điều bất ngờ trước tiên là hạt giống bắp NK66 Bt/GT từ khi gieo hạt cho đến nay chưa cây nào bị còi cọc chết mà trái lại cây phát triển xanh tốt. Thông thường, khi trồng các giống bắp lai, nông dân phải phun xịt sâu và diệt cỏ khoảng 4-6 lần, chi phí thuốc BVTV và công lao động bỏ ra khoảng 500.000 đồng/công/vụ. Đối với giống bắp mới này, chi phí thuốc sâu và cỏ giảm khoảng 80% so với các giống bắp thông thường, sức khỏe người nông dân được bảo vệ tốt hơn do giảm đáng kể số lần sử dụng thuốc BVTV.
 

Quan sát ruộng bắp nhà anh Thành thấy, cây nào cây nấy đều có bộ rễ khỏe mạnh, thân cây cứng cáp, bộ lá gọn, thẳng đứng. Hiện tại ruộng đã được hơn 60 ngày tuổi, đang trong giai đoạn cho trái rất sung. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề trồng bắp, anh Thành dự định vụ bắp này sẽ cho năng suất cao và có thể lãi gấp đôi so với trồng lúa.
 

Ông Nguyễn Văn Phu ở ấp Thạnh Phú, xã Khánh An cũng vui mừng ra mặt khi trực tiếp thấy những ưu việt của giống bắp mới NK66 Bt/GT. "Trước mắt có thể giảm được chi phí thuốc cỏ mà không lo về sâu đục thân nữa”, ông Phu chia sẻ.


Cạnh ruộng ông Phu, bà Trần Thị Ánh bấy lâu nay đau đầu vì cỏ dại và sâu hại tấn công ruộng bắp, gây thiệt hại về năng suất. Thấy giống bắp mới, bà Ánh “bắt chước” ra đại lý mua giống NK66 Bt/GT về trồng thử trên diện tích 2 công, 1 công còn lại bà vẫn trồng giống bắp thường để so sánh. Bà nhận định, hiện nay ở giai đoạn 60 ngày, ruộng bắp chuyển gen không có con sâu nào, trong khi ruộng bên cạnh trồng giống thường thì mặc dù đã phun thuốc vẫn bị sâu hại tấn công đến 30 – 40% diện tích.
 

Vượt sông Hậu là tới vùng đất cồn của huyện Thanh Bình, Đồng Tháp - nơi trồng bắp có tiếng sau An Phú. Ông Nguyễn Văn Minh ở ấp Tân Bình Hạ, xã Tân Hòa cho biết: “Tình trạng sâu đục thân tấn công bắp là vấn đề lo âu nhất. Mỗi năm tôi phải tốn cả chục triệu đồng cho 3 vụ bắp để mua thuốc trừ sâu, trừ cỏ nhưng năng suất chỉ ở mức trung bình do bị sâu đục thân tấn công làm giảm năng suất”. Vụ bắp này ông trồng thử giống NK66 Bt/GT trên diện tích 1,5 công. Bắp hiện đã được hơn 70 ngày tuổi, chỉ phun thuốc cỏ gốc glyphosate 1 lần đã diệt sạch cỏ dại, và cho đến nay chưa dùng bất cứ loại thuốc sâu nào. Nhìn ruộng bắp xanh tốt, thẳng hàng đang cho trái lớn, ông Minh vui mừng cho biết: “Lần đầu tiên biết đến giống bắp chuyển gen và quyết định trồng thử, tôi đã rất mừng vì có thể chủ động được thời điểm phun thuốc trừ cỏ dại, bắp lại hoàn toàn không bị sâu đục thân cắn phá, giúp tiết kiệm thuốc và công phun, giảm bớt áp lực, giúp cho việc canh tác trở nên dễ dàng và nhàn nhã hơn rất nhiều”.
 

Ông Nguyễn Minh Bửu, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện An Phú, nhận định: Giống bắp chuyển gen NK66 Bt/GT lần đầu tiên được triển khai trồng ở huyện là một tín hiệu vui cho nông dân vì giống này có đặc tính phun trùm thuốc trừ cỏ mà không hề ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, lại kháng sâu đục thân, đồng nghĩa với việc giúp nông dân giảm chi phí cho vụ mùa, phát huy tiềm năng năng suất của cây bắp.


Đăng Khôi/ Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo