Ông Nguyễn Phùng Hoan – Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định cho biết: Nhằm quản lý và sử dụng linh hoạt, hiệu quả 75.000ha đất lúa, Nam Định đã lập Đề án sử dụng linh hoạt đất trồng lúa.
Theo đó, các địa phương từng bước chuyển khoảng 9.000-10.000ha quỹ đất trồng lúa sang trồng cây rau màu ngắn ngày, cây dược liệu và các mô hình canh tác kết hợp nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa nhưng vẫn bảo đảm trồng lúa trở lại khi cần thiết. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả các mô hình, tỉnh Nam Định có thể cân đối để chuyển đổi tiếp 10.000ha quỹ đất trồng lúa, nâng tổng số diện tích chuyển đổi lên khoảng 20.000ha.
Đáng chú ý, những năm qua, các địa phương thực hiện chuyển đổi trên 5.000ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị và cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác từ 75,4 triệu đồng năm 2010 lên 100 triệu đồng/ha năm 2015.
Trong đó có khoảng 3.000ha đất trồng lúa chân cao khó khăn về nước tưới trong vụ xuân tập trung tại các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực và Giao Thủy đã được chuyển sang trồng lạc theo công thức luân canh: Lạc xuân - lúa mùa chất lượng cao - rau đông; giá trị sản lượng mỗi ha sau chuyển đổi đạt từ 175-200 triệu đồng/năm, lợi nhuận 50-60 triệu đồng/ha, cao gấp 4 -5 lần trồng lúa.
Ông Nguyễn Văn Hiệu – Chủ tịch UBND xã Hải An (Hải Hậu) cho hay: Hải An không phải xã điểm xây dựng NTM của huyện Hải Hậu nhưng sau hơn 3 năm xây dựng NTM, xã đã cơ bản hoàn thành đủ 19 tiêu chí. “Để có những đột phá thành công trong xây dựng NTM như hiện giờ là vì xã đã có những cách làm sáng tạo trong dồn điền đổi thửa, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm/ha... - ông Hiệu khẳng định.
Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong những năm qua, tỉnh đã tích cực phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp như Công ty Lương thực Miền Bắc, Công ty TNHH Cường Tân… thu mua, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm lúa gạo của tỉnh.