Để tránh thất thoát sản phẩm thủy sản sau khai thác, tỉnh Khánh Hòa đang đẩy mạnh các mô hình chuỗi liên kết. Từ đó giúp ngư dân dần ý thức trong việc bảo quản sản phẩm để nâng cao giá trị, bán được giá và tăng thu nhập.
So với các tỉnh duyên hải miền Trung, Khánh Hòa có nhiều lợi thế như cảng, bến cá, khu hậu cần nghề cá… là địa điểm tập trung khá nhiều DN, nhà máy thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 44 DN tham gia xuất khẩu thủy sản, trong đó có các DN xuất khẩu cá ngừ hàng đầu như: Cty TNHH Hải Vương, Hải Long, Thịnh Hưng, Hoàng Hải, Tín Thịnh, Đồ hộp Khánh Hòa... GDP trong lĩnh vực thủy sản chiếm 50 - 60% tổng GDP ngành nông nghiệp tỉnh. Đặc biệt, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng lên 462 triệu USD, trong đó sản phẩm cá ngừ đóng vai trò quan trọng.
Tuy nhiên thực tế ngành đánh bắt cá ngừ còn bộc lộ nhiều bất cập như tàu thuyền nhỏ, trang thiết bị, công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm thủ công... gây thất thoát lớn sau thu hoạch.
Ngư dân Nguyễn Văn Đông, chủ tàu đánh bắt cá ngừ đại dương ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng (TP Nha Trang) cũng nhìn nhận một cách khách quan trong bảo quản thủy sản theo truyền thống, đó là dùng hầm chứa đá lạnh có nhiệt độ dao động từ 0 - 5 độ C, thời gian bảo quản tốt nhất không quá 10 ngày. Trong khi đó, mỗi chuyến biển của các tàu khai thác cá ngừ kéo dài từ 20 - 25 ngày, thậm chí lên đến cả tháng.
Do đó trong quá trình ướp cá bằng đá lạnh nếu không cẩn thận sẽ khiến các cạnh sắc nhọn làm trầy xước da cá, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập sâu vào thịt, khiến chất lượng bị sụt giảm.
Trước những trăn trở của ngư dân làm sao giảm thất thoát và nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản sau khai thác, gắn với tiêu thụ, tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh các mô hình chuỗi liên kết.
Ông Lê Đình Khiêm, Trưởng phòng Tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) cho biết, hiện đã có một số mô hình chuỗi liên kết đi vào hoạt động hiệu quả. Cụ thể là mô hình khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi giữa Tổ hợp tác Nghề cá Phước Đồng (gồm 65 chủ tàu) với Cty TNHH Thịnh Hưng.
Nhờ liên kết mà các chủ tàu được Cty hỗ trợ dụng cụ, quy trình kỹ thuật cho các tàu tham gia chuỗi nhằm nâng cao chất lượng sơ chế bảo quản sản phẩm; đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm cá ngừ theo giá thị trường và hỗ trợ thêm 2.000 đồng/kg cho toàn bộ lô cá ngừ sau khai thác có 10% số sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất (tiêu chuẩn hàng Bay hoặc Fillet, được cột dây màu đỏ).
Về phía Cty đã thu mua được sản phẩm có chất lượng sau khai thác, ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.
|
Liên kết theo chuỗi, DN sẽ giúp ngư dân bảo quản sản phẩm để tránh thất thoát |
Tiếp đến là mô hình khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ sọc sưa theo chuỗi giữa Tổ hợp tác Nghề cá Vĩnh Phước (25 tàu) với Cty TNHH Tín Thịnh cũng đã ký kết và đi vào hoạt động.
Theo đó, các tàu trong Tổ hợp tác sau khai thác về bán toàn bộ sản phẩm cho Cty Tín Thịnh và Cty có trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm cá ngừ sọc dưa, đồng thời có chương trình khuyến khích hỗ trợ tàu đạt năng suất và chất lượng sản phẩm tốt.
Cụ thể, giá sản phẩm cá ngừ sọc dưa được Cty mua cao hơn so với giá thị trường cùng thời điểm 1.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, định kỳ 6 tháng xếp loại theo số lượng, chất lượng sẽ xem xét khen thưởng, nếu 90% lô hàng đạt loại A.
Trước đó ở Khánh Hòa cũng hình thành 2 mô hình gồm: Cty TNHH Hải Vương nhập khẩu 2 tàu cá đã qua sử dụng của Nhật Bản hoạt động nghề câu kiêm dịch vụ hậu cần với hệ thống đông lạnh sâu đến -50 độ C, nhằm nâng cao hiệu quả sản phẩm khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch cho các đội tàu khai thác cá ngừ. Tuy nhiên việc thu mua trên biển của 2 tàu này chưa được thực hiện do chưa hình thành chuỗi liên kết đối với các ngư đội.
Mô hình của Cty TNHH Lê Trứ thu mua cá ngừ tại cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang) đang tiến hành đóng mới tàu cá vỏ thép hoạt động nghề dịch vụ hậu cần, sẽ đẩy mạnh chuỗi liên kết trong thời gian tới.
|