Hứng khởi đầu tư chớp cơ hội đưa vú sữa đi Mỹ
15:50 - 04/10/2017
Tin vui cho mặt hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái vú sữa tươi đang đứng trước cơ hội mới khi chính thức được xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Trái vú sữa trước cơ hội rộng mở vào thị trường Mỹ

PV NNVN đã trở lại vùng vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim nổi tiếng tại Tiền Giang để ghi nhận không khí hào hứng của nhà vườn cùng doanh nghiệp...  

Luồng gió mới
Chúng tôi trở lại vùng vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim vào những ngày đầu tháng 10, cây vú sữa đang bắt đầu kết trái non. Khác hẳn với những mùa trước, không khí của nhà vườn trồng vú sữa lúc này đang rất hào hứng khi được những DN tìm đến đặt hàng bao tiêu sản phẩm để chờ đến mùa thu mua trái tươi xuất sang thị trường Mỹ.
Dẫn chúng tôi ra vườn vú sữa nhà mình, ông Nguyễn Thanh Nhàn, nông dân ở ấp Long Hòa B, xã Bàn Long, huyện Châu Thành, phấn khởi chia sẻ: “Vừa được nghe thông tin trái vú sữa của ta sẽ được xuất khẩu sang Mỹ khiến bà con chúng tôi mừng lắm. Khi đã có đầu ra mang lại giá trị cao thì nhà vườn chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư chăm sóc để vườn trái đạt tiêu chuẩn xuất sang thị trường khó tính này!”.

Theo ông Nhàn, vườn của gia đình ông có diện tích trên 1ha, với khoảng 150 gốc vú sữa từ 10 - 20 năm tuổi, được đầu tư trồng theo quy trình GlobalGAP từ những năm 1989 đến nay. Do những năm trước giá cả thị trường của trái vú sữa quá bấp bênh, lại không có đầu ra tốt khiến việc duy trì trồng và chăm sóc vườn theo quy trình gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình ông Nhàn cũng đã có lúc chán nản với cây vú sữa nên tính trồng xen thêm những cây sầu riêng trong vườn để dần thay thế. Tuy nhiên, những ngày gần đây khi nghe thông tin trái vú sữa sẽ được xuất khẩu vào Mỹ và DN tìm đến tận vườn đặt hàng thu mua, khiến gia đình ông rất hào hứng.

Tương tự, gia đình ông Lê Văn Mong ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy mới đây cũng được các DN đặt vấn đề đầu tư bao tiêu sản phẩm trái vú sữa đạt tiêu chuẩn để cuối năm thu mua xuất khẩu. Gặp chúng tôi ông Mong không giấu được niềm vui: “Mấy ngày qua nhiều bà con trong xóm cứ tìm gặp tôi hỏi thăm thông tin về sản phẩm trái vú sữa sẽ được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu sang nước ngoài như thế nào. Thực sự tôi cũng mừng lắm, chỉ biết động viên bà con hãy cùng tích cực chăm sóc vườn cây theo quy trình để trái đạt tiêu chuẩn như khách đặt”.
Gia đình ông Mong có 8.000m2 trồng vú sữa (khoảng 130 gốc, từ 4 - 8 năm tuổi) đã tham gia tổ nhà vườn trồng theo quy trình GlobalGAP từ nhiều năm nay. Những năm trước, cũng giống như nhiều hộ trồng vú sữa khác, khi vào mùa thu hoạch trái gia đình ông chỉ biết trông chờ thương lái đến thu mua, giá cả không ổn định.

Theo ông Nguyễn Văn Tuất, Tổ trưởng tổ sản xuất vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim theo tiêu chuẩn GlobalGAP, mặc dù sản phẩm trái vú sữa của bà con nhà vườn đạt chất lượng cao, nhưng nhiều năm qua giá bán luôn bấp bênh. Thậm chí đến đợt thu hoạch rộ giá rớt chỉ còn vài ngàn đồng/kg, nhưng bà con vẫn phải chấp nhận để kéo chút vốn đầu tư chăm sóc. Do vậy, bản thân gia đình ông Tuất có 5.000m2 vú sữa (gần 100 gốc) nhưng trước tình trạng giá cả thị trường vú sữa “lao dốc”, ông cũng không đủ kiên trì giữ lại vườn cây vì đầu tư chăm sóc không hiệu quả.

Theo ông Võ Văn Men,Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt BVTV tỉnh Tiền Giang, hiện nay diện tích vườn cây vú sữa của tỉnh khoảng trên 3.000ha. Nhiều diện tích cây vú sữa trên địa bàn đang phục hồi và phát triển khá tốt sau một thời gian dài “trọng bệnh”. Các trạm BVTV của các huyện Châu Thành, Cai Lậy hiện đang tiếp tục triển khai thêm các lớp tập huấn trên địa bàn để chuyển giao quy trình quản lý tổng hợp về bệnh thối rễ, chết cành trên cây vú sữa; hướng dẫn nông dân các giải pháp khắc phục tình trạng suy thoái vườn cây nhằm cho sản lượng và chất lượng trái tốt phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, những ngày gần đây khi nhận được thông tin xuất khẩu được trái vú sữa vào Mỹ, ông Tuất hiểu rằng cơ hội lớn đang mở ra cho sản phẩm trái vú sữa GlobalGAP khiến ông mừng lắm. Những ngày qua ông tất tưởi tìm đến từng nhà tổ viên thông báo rồi vận động bà con tập trung đầu tư chăm sóc vườn để kịp có sản phẩm đạt chuẩn cung ứng cho xuất khẩu.  

Doanh nghiệp sẵn sàng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay sau khi nhận được thông tin phía Mỹ chấp thuận nhập khẩu vú sữa tươi Việt Nam, một số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trong nước đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng sẵn sàng để xuất sang thị trường khó tính này.

Gặp chúng tôi, anh Trần Trung Hiếu, Giám đốc Cty XNK Đại Lâm Mộc (huyện Châu Thành, Tiền Giang) phấn khởi chia sẻ: “Để kịp thời có nguồn hàng trái vú sữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, suốt một năm qua chúng tôi đã tiến hành đầu tư phân, thuốc vi sinh và tập huấn kỹ thuật sản xuất cho các nhà vườn. Đến nay bà con trong tổ sản xuất vẫn đang thực hiện đúng quy trình, dự kiến cuối năm nay khi vào mùa thu hoạch, chúng tôi sẽ thu mua xuất khẩu được những lô hàng vú sữa đầu tiên sang Mỹ”.

Theo anh Hiếu, công ty đã từng làm hàng XK trái thanh long, chôm chôm sang thị trường Mỹ và đến nay đang phối hợp với các xã Bàn Long, Bình Trưng (huyện Châu Thành) và xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy) để thành lập một Tổ hợp tác sản xuất vú sữa, liên kết 16 hộ nông dân tiêu biểu với diện tích trồng 10,5ha.

Trước mắt công ty sẽ đầu tư bằng cách giao phân bón sinh học cho bà con nhà vườn chăm sóc cây thay thế cho phân bón hóa học. Sau đó tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn và kiểm soát chất lượng chặt chẽ để đảm bảo nguồn hàng trái xuất khẩu. Đồng thời, sẽ thu mua hàng trái đạt tiêu chuẩn với giá cao hơn thị trường khoảng 5%.
Dự kiến cuối năm nay toàn bộ diện tích trên sẽ được cấp mã code vùng trồng và hoàn thành mọi thủ tục khác để bắt đầu đưa trái vú sữa “bay” sang Mỹ. Sau khi đã xuất hàng ổn định, công ty sẽ tiếp tục đầu tư tăng diện tích lên khoảng 20 - 30ha.

“Vì bảo quản khó khăn nên trái vú sữa phải xuất khẩu sang Mỹ bằng đường hàng không với mức chi phí khá cao. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng sự khác biệt về chất lượng của vú sữa Việt Nam với các loại trái cây khác sẽ giúp loại trái cây này vẫn có khả năng cạnh tranh tốt. Hiện công ty chúng tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ phía các đơn vị nhập khẩu bên Mỹ”, anh Hiếu cho biết.

Trao đổi với NNVN, ông Võ Văn Men, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt BVTV tỉnh Tiền Giang cho biết: “Trước thông tin trái vú sữa sẽ được xuất khẩu qua thị trường Mỹ, thời gian gần đây Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo cho các ngành chuyên môn tăng cường tập huấn, hướng dẫn bà con sử dụng phân, thuốc như thế nào, thời gian cách ly ra sao để trái vú sữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”.

+ “Thật mừng khi thị trường Mỹ đã chấp thuận nhập khẩu trái vú sữa của Việt Nam, đây không chỉ là tin vui với người nông dân trồng vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim của Tiền Giang. Những ngày qua chúng tôi đang tập trung khảo sát lại vùng trồng và tổ chức lại sản xuất theo hướng GlobalGAP, kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường Mỹ. Đồng thời, sẽ triển khai dự án mở rộng thêm diện tích trồng vú sữa, cho thành lập HTX mới để tổ chức liên kết sản xuất vú sữa bền vững”, ông Cao Văn Hóa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang.

+ "Vú sữa là loại trái cây đặc sản của vùng ĐBSCL và có khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu rất lớn. Trong thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã có chương trình hợp tác với Viện CĂQ trong vấn đề nghiên cứu bình tuyển phục tráng giống vú sữa Lò Rèn cũng như tăng cường biện pháp canh tác và quản lý dịch hại trên cây vú sữa. Qua đó, Viện cũng đã đề xuất các giải pháp quy hoạch lại vùng trồng vú sữa của 13 xã thuộc huyện Châu Thành (Tiền Giang) và trẻ hóa các vườn vú sữa, hồi phục lại khả năng sinh trưởng của vườn cây lâu năm”, ông Nguyễn Thành Hiếu, Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, Viện CĂQ Miền Nam.


Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo