Theo bà Nguyễn Hồng Phương, cái được lớn nhất của mô hình này là tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức về sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ cho bà con nông dân
|
Nông dân Quảng Trị vui mừng khi được Cty Đại Nam trả tiền thu mua lúa tại ruộng với 7 ngàn đồng/kg |
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Trị về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để làm nông nghiệp hữu cơ, Cty TNHH Sản xuất - thương mại Đại Nam và Nhà máy Phân bón Ong Biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã liên kết với nông dân Quảng Trị triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ trên 6 huyện, thị.
Chưa khi nào lúa khỏe như vậy
Trong 13 mô hình sản xuất lúa sạch theo quy trình kỹ thuật của Cty Đại Nam ở Quảng Trị cho kết quả khả quan tại vụ HT 2017. Ông Hoàng Hải, Giám đốc HTXNN Diên Khánh, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng cho biết, từ trước đến nay người dân ở đây luôn trăn trở với câu hỏi làm sao để có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa với đầu ra luôn bấp bênh. Khi được Cty Đại Nam giúp thực hiện mô hình làm lúa sạch theo hướng hữu cơ và thu mua luôn sản phẩm nên bà con xã viên rất mừng.
HTX Diên Khánh làm mô hình 6,2ha với giống lúa chất lượng cao RVT. Thực hiện quy trình gieo sạ 7kg/sào. Quá trình canh tác người nông dân chỉ được phun thuốc diệt cỏ một lần ở giai đoạn tiền nảy mầm.
Theo ông Hải, trước đây cỏ vùng ruộng này rất nhiều, nhưng vụ HT này cỏ rất ít. Nguyên nhân do mật độ gieo sạ dày và phân bón hữu cơ Ong Biển kìm hãm sự phát triển của cỏ. Quy trình bón phân có có 5 bước. Bón lót, bón thúc 1, bón thúc 2, bón đón đồng và bón nuôi hạt. Trong khi các chân ruộng khác bị nhện dé, sâu cuốn lá, rầy nhiều gây hại cho lúa phải phun thuốc nhiều lần thì ruộng mô hình không dụng thuốc bảo vệ tuy có sâu, rầy nhưng mật độ không gây hại cho lúa.
Mấy ngày nay, nông dân HTX Diên Khánh đã thu hoạch lúa mô hình cho năng suất 5 tấn/ha. Được Cty thu mua và trả tiển ngay tại đồng ruộng với giá 7 ngàn đồng/kg lúa tươi, nhiều nông dân vui mừng cho biết chưa bao giờ họ làm lúa mà thuận lợi như phối hợp với Cty Đại Nam, vừa hiệu quả về kinh tế và bảo vệ được sức khỏe do không phải phun thuốc BVTV và các hóa chất độc hại.
Theo ông Hải, với năng suất vụ HT như vậy thì các vụ sau rất dễ đạt được cao khi canh tác theo quy trình phân bón Ong Biển được bà con sử dụng thuần thục. HTX Diên Khánh quyết định quy hoạch thêm 2 vùng nữa để triển khai mở rộng canh tác lúa hữu cơ và mong muốn Cty Đại Nam tiếp phối hợp với bà con nông dân.
Tại mô hình 20ha ở HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh cũng cho kết quả tốt trong vụ HT 2017, với giống lúa RVT, năng suất đạt 5 tấn/ha. Gần 80 hộ nông dân làm ruộng mô hình của Cty Đại Nam vui vẻ muốn Cty mở rộng diện tích lớn hơn nữa ở các vụ tiếp sau.
Đề nghị mở rộng diện tích
Tại hội nghị đánh giá hiệu quả mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ giữa Cty Đại Nam và tỉnh Quảng Trị vụ HT 2017, bà Nguyễn Hồng Phương- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Quảng Trị cho biết, tất cả 13 mô hình Cty Đại Nam phối hợp với các HTX trên địa bàn sản xuất lúa có tổng diện tích gần 90ha, trong đó Cty cho tạm ứng phân bón với giá ngang bằng mức đầu tư phân bón truyền thống của nông dân là hơn 40ha, hỗ trợ 100% phân bón cho gần 50ha. Các mô hình đều được sử dụng giống lúa chất lượng cao, an toàn, thực hiện trên quy mô cánh đồng liền khoảnh, vùng đất không bị ô nhiễm, không chịu khí thải công nghiệp, có hệ thống kênh mương tưới tiêu tốt, đủ nguồn nước để đảm bảo chủ động tưới tiêu.
Về hiệu quả kinh tế, với ruộng mô hình Cty bù giống, hỗ trợ 100% phân bón, nông dân thu lợi nhuận 28,2 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất lúa chất lượng cao canh tác truyền thống 19,4 triệu đồng/ha. Đối với mô hình nông dân chi phí 100% phân bón Ong Biển thì tổng chi phí cho 1ha ruộng cao hơn 1,5 lần so với sản xuất truyền thống( chi phí phân bón gấp 4,2 lần và giống lúa 1,5 lần). Tổng thu ruộng mô hình cao hơn ruộng đại trà 6,7 triệu đồng/ha.
Theo bà Nguyễn Hồng Phương, cái được lớn nhất của mô hình này là tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức về sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ cho bà con nông dân. Với quy trình sản xuất không sử dụng phân bón vô cơ, không thuốc BVTV đã góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng. Mô hình góp phần xây dựng chuỗi giá trị trong việc sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phục vụ nhu cầu xuất khẩu thông qua liên kết giữa doanh nghiệp và các HTX.
Bà Hồng Phương đề nghị Cty Đại Nam tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, hướng tới xây dựng thương hiệu gạo sạch, gạo hữu cơ Quảng Trị.
Liên kết ý nghĩa
Ông Võ Văn Hưng, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, để việc liên kết sản xuất có hiệu quả, Cty Đại Nam đã ký kết ghi nhớ hợp tác liên kết sản xuất nông nghiệp sạch với tỉnh Quảng Trị nhằm triển khai xây dựng các mô hình trồng trọt sử dụng phân bón hữu cơ Ong Biển của NM sản xuất phân bón Ong Biển - Cty Đại Nam theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững đúng quy trình kỹ thuật của Cty.
Cty cam kết hỗ trợ một phần và cho ứng trước toàn bộ phân bón hữu cơ vi sinh Ong Biển cho các mô hình và thu mua toàn bộ sản lượng lúa sản xuất đảm bảo theo quy trình do Cty hướng dẫn.
Các mô hình Cty hỗ trợ thực hiện gồm cây lúa, cây hồ tiêu, cà phê, cao su, cây dứa, cây lạc và rau các loại. Với cây lúa, Cty cam kết thu mua 100% sản lượng lúa thu được từ các mô hình theo giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. Đây là một sự liên kết vô cùng ý nghĩa với ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị.
|