Quy hoạch phát triển cá rô phi
14:52 - 31/05/2016
(TNNN) - Ngày 06/05/2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã ban hành Quyết định số 1639/QĐ-BNN-TCTS về việc Phê duyệt quy hoạch phát triển cá rô phi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Đến năm 2030, diện tích nuôi thả cá rô phi ước đạt 40.000 ha và 1,8 triệu m3 lồng nuôi trên hệ thống sông và hồ chứa lớn. Ảnh minh họa

Đây là quyết định nhằm phát triển cá rô phi trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững với sản phẩm đa dạng, giá trị cao để đáp ứng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; sản xuất đủ con giống chất lượng cao cung cấp cho nuôi thương phẩm, môi trường dịch bệnh trong sản xuất được kiểm soát tốt; góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
 


Với quan điểm phát triển chú trọng đầu tư các nguồn lực để phát triển cá rô phi trở thành sản phẩm chủ lực sau tôm nước mặn lợ và cá tra; phát triển sản xuất cá rô phi phải gắn với thị trường tiêu thụ trong đó thị trường xuất khẩu làm Mục tiêu, thị trường nội địa là trọng Điểm; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào tất cả các khâu trong quá trình sản xuất để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, hiệu quả và bền vững; tổ chức sản xuất theo hướng hình thành các vùng nuôi cá rô phi tập trung tạo sản phẩm hàng hóa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và kinh tế xã hội của các địa phương.


Phát triển các mô hình liên kết phù hợp đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị. Hoạt động sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ vật tư đầu vào, sản xuất cung ứng giống, nuôi thương phẩm và chế biến tiêu thụ sản phẩm; đồng thời huy động các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ cá rô phi. Nhà nước ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu phát triển giống chất lượng cao, phòng trị dịch bệnh, phát triển công nghệ nuôi, kiểm soát môi trường, đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu ở các vùng nuôi và sản xuất giống tập trung.


Mục tiêu chính của quy hoạch là: Phát triển nuôi cá rô phi trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững với sản phẩm đa dạng, giá trị cao để đáp ứng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; Sản xuất đủ con giống chất lượng cao cung cấp cho nuôi thương phẩm; Kiểm soát tốt dịch bệnh trong sản xuất; Góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.


Theo Quy hoạch, đến năm 2020, diện tích nuôi cá rô phi tại các vùng trên cả nước đạt 33.000 ha và 1,5 triệu m3 lồng nuôi trên sông và hồ chứa lớn. Sản lượng đạt 300.000 tấn, trong đó 50-60% đủ tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu. Sản xuất được 100% nhu cầu về số lượng và chất lượng con giống sạch bệnh phục vụ nuôi thương phẩm. Tạo công ăn việc làm cho khoảng 54.350 lao động trực tiếp và 5.000 lao động gián tiếp.


Đến năm 2030, diện tích nuôi cá rô phi đạt 40.000 ha và 1,8 triệu m3 lồng nuôi trên hệ thống sông và hồ chứa lớn. Sản lượng đạt 400.000 tấn, trong đó 45-50% phục vụ xuất khẩu. Sản xuất đáp ứng được 100% nhu cầu về số lượng và chất lượng con giống sạch bệnh phục vụ nuôi thương phẩm. Tạo công ăn việc làm cho khoảng 67.500 lao động trực tiếp và 8.000 lao động gián tiếp.


Có 03 loài được chọn làm đối tượng nuôi chủ yếu, gồm: cá rô phi Vằn, cá rô phi Lai khác loài giữa rô phi Vằn và rô phi Xanh và cá rô phi Đỏ. Tập trung phát triển theo 07 vùng sinh thái gồm: Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung bộ, các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ và vùng Tây Nam Bộ.


Việc Quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung đầu tư mới; nâng cấp và mở rộng quy mô, năng lực các cơ sở sản xuất giống ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình và Thanh Hóa để cung cấp cho nhu cầu nuôi thương phẩm trong vùng và các địa phương khác ở miền Bắc. Đầu tư cơ sở sản xuất giống ở Đắc Lắc để cung cấp nhu cầu giống nuôi cho 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Mở rộng quy mô sản xuất cá rô phi đơn tính đực tại Bình Định, Quảng Nam để cung cấp cho các cơ sở nuôi thương phẩm tại địa phương và đáp ứng một phần nhu cầu cá rô phi giống tại miền Bắc vào đầu vụ (tháng 2- 4 hàng năm). Hình thành vùng sản xuất giống cá rô phi tập trung tại Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ để chủ động sản xuất con giống đảm bảo chất lượng cung cấp đủ cho nhu cầu nuôi trong vùng và các vùng khác trên phạm vi cả nước.


Cải tạo đàn cá bố mẹ và nâng cao năng lực sản xuất giống cá rô phi tại các trung tâm sản xuất giống thủy sản nước ngọt cấp 1, góp phần chủ động nguồn cá rô phi giống chất lượng tốt cho nhu cầu tại chỗ.


Đến năm 2020, Trung tâm Chọn giống cá rô phi thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 và các Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc, miền Trung và miền Nam sản xuất đủ cá rô phi bố mẹ, hậu bị chất lượng cao cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống cá rô phi trong cả nước.


Về chế biến và tiêu thụ sản phẩm, sẽ phát triển hệ thống cơ sở chế biến cá rô phi gắn với vùng sản xuất cá rô phi trọng điểm phục vụ xuất khẩu. Đối với thị trường nội địa, chủ yếu cung cấp sản phẩm dưới dạng tươi sống và nguyên con tươi, bảo quản lạnh. Đối với thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, châu Phi, Trung Đông và một số thị trường tiềm năng khác, tập trung phân khúc sản phẩm có giá bán cao, ưu tiên sản phẩm phi lê đông lạnh, sản phẩm giá trị gia tăng sử dụng nguyên liệu cá rô phi được nuôi trong khu vực nước lợ hoặc nước ngọt chất lượng tốt để nâng cao giá bán và sức cạnh tranh.
 
Thu Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo