(TNNN) - Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, thời gian qua, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới luôn được Hậu Giang chú trọng triển khai thực hiện ở các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Qua đó, đã giúp người nông dân từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.
|
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, nhằmnhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Những năm qua, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sát hợp với thị trường; tập trung cho cây, con chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao; ưu tiên đầu tư công trong nông nghiệp theo hướng tập trung; hoàn chỉnh quy trình sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, chuyển giao nhanh cho nông dân; tăng cường đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển dịch vụ nông nghiệp cho người dân nông thôn; củng cố, nâng chất, mở mới các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển dịch vụ nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới; xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân. Trên cơ sở định hướng cây trồng, vật nuôi chủ lực vốn có, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã tiến hành quy hoạch và mở rộng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh.
Cũng như khai thác tốt lợi thế so sánh các vùng sinh thái, phát triển các loại cây con thế mạnh riêng của từng địa phương trong tỉnh. Từ đó đã định hình các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh với quy mô khá lớn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu. Đó là vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao 32.000 ha, vùng nguyên liệu mía 10.300 ha, vùng nguyên liệu khóm 1.500 ha, vùng cây ăn trái đặc sản 2.500 ha, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 1.500 ha, phân bố đều khắp ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Theo ước tính trên toàn tỉnh có hơn 35.800 hộ có mô hình sản xuất hiệu quả, với doanh thu trên 100 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác đạt gần 87 triệu đồng, tăng 1,93 lần và lợi nhuận đạt trên 30%. Còn thu nhập bình quân đầu người nông thôn đạt 24 triệu đồng/người/năm, gấp 2,4 lần so với thời điểm 5 năm trước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của tỉnh đã đạt 400 triệu USD. Đáng kể, có 8 doanh nghiệp đăng ký xây dựng hệ thống dự trữ lúa gạo với quy mô 240.000 tấn. Sau 3 năm thực hiện Chương trình phát triển nông sản chủ lực, định hướng đến năm 2020, đến nay, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng nhãn hiệu được 10 loại nông sản đặc trưng gắn liền với địa danh của từng địa phương trên địa bàn tỉnh, đồng thời các sản phẩm này đã được thị trường biết tới như cam sành Ngã Bảy, chanh không hạt Châu Thành, dứa Cầu Đúc.Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang đã tích cực xây dựng và triển khai Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và định hướng đến năm 2020 (Đề án 1.000). Bước đầu, đề án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 2.960 hộ dân đăng ký tham gia thực hiện trong tổng số 4 hợp phần và 641 hộ đủ điều kiện vay vốn, với tổng kinh phí thực hiện trên 49 tỉ đồng, chiếm gần 17% tổng kinh phí của đề án. Cụ thể, đề án sẽ giúp cho ngành nông nghiệp có cơ sở đúc kết kinh nghiệm và định hướng phát triển trong giai đoạn 5 năm tới, nhất là chọn lựa ra mô hình phá triển nông nghiệp, nông thôn Hậu Giang mang tính chiến lược.
Đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa, tỉnh cũng đã được triển khai thực hiện đạt kết quả cao. Theo đó, tỉnh đã vận dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho người dân mua 99 máy gặt đập liên hợp. Nhờ vậy, đã nâng tổng số máy hiện có trên toàn tỉnh lên con số 317 máy, đảm bảo phục vụ 80% diện tích gieo trồng, góp phần giảm chi phí sản xuất so với thu hoạch thủ công 4,3 triệu đồng/ha, chiếm tương đương gần 20% chi phí sản xuất.
Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hậu Giang đã đưa vào thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng lớn. Tỉnh đã chọn 5 điểm thuộc địa bàn của 5 huyện, thị xã, trong đó có 2 điểm chỉ đạo của tỉnh ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy và xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A. Với mô hình cánh đồng lớn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiết kiệm tối đa chi phí, nhất là trong sản xuất lúa gạo, giá thành chi phí từ mức 4.100 đồng/kg lúa vào thời điểm 3 năm trước thì hiện nay đã giảm xuống dưới 3.000 đồng/kg. Đặc biệt, vụ đông xuân 2015 - 2016 đã hạ xuống chỉ còn 2.800 đồng/kg, thấp nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Có thể thấy, với hơn 75% dân số ở nông thôn và sống nhờ vào nông nghiệp, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được xem là giải pháp quan trọng về trước mắt, cũng như lâu dài cho nhiều tỉnh thành.