Khó khăn ngành muối: Diêm dân lao đao
15:08 - 29/09/2015
(TNNN)- Hiện nay giá muối thấp, tiêu thụ không ổn định, lượng muối tồn nhiều nên đời sống của diêm dân đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thu hoạch muối ở Cần Giờ (Ảnh: Thanh Sa)

Sản xuất muối ở nước ta hiện chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công, các vùng sản xuất muối trên toàn quốc đều hình thành từ lâu dựa trên yếu tố thuận lợi về thời tiết, vị trí, diện tích... và đa phần mang tính tự phát.
 
Sản phẩm của ngành muối được chia làm 2 loại: muối nước (dùng cho sản xuất công nghiệp) và muối cát (dùng cho thực phẩm). Muối cát có hàm  lượng NaCl (natri clorua) khoảng 82%,  muối nước hàm lượng này là 98-99%. Tuy nhiên thực tế hiện nay là có một lượng lớn muối công nghiệp được dùng cho thực phẩm. Việc sử dụng sai mục đích không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, khiến các bệnh về chuyển hóa như tim mạch, huyết áp gia tăng mà còn gây mất cân đối cung cầu ngành muối.
 
Sản xuất muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết, vì vậy ngoài yếu tố về khoa học công nghệ, thì số ngày nắng và mưa trong năm nhiều hay ít là điều kiện quyết định tới sản lượng, chất lượng muối. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tài nguyên nước biển diễn biến phức tạp, mùa vụ sản xuất muối bị thu hẹp do khí hậu, thời tiết bất thường, thời gian mùa khô rút ngắn; có mưa trái vụ gây thiệt hại đáng kể cho diêm dân. Ngoài ra, tổn thất sau thu hoạch tăng do phần lớn muối thô được bảo quản tại các kho tạm xây dựng ngay tại đồng muối bằng vật liệu không chắc chắn, dễ hỏng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất muối xuống cấp và thường bị hư hỏng sau mùa mưa, bão.
 
Khó khăn điển hình của ngành muối hiện nay là không tiêu thụ nổi sản phẩm. Cả nước hiện đang tồn kho khoảng 600.000 tấn muối, nhiều gấp 4 lần so với cả năm 2014. Trong khi muối trong nước dư thừa, nhiều nhà máy sản xuất hóa chất sút, sô đa sử dụng muối công nghiệp và các doanh nghiệp vẫn thường xuyên phải nhập khẩu lượng lớn muối công nghiệp do muối trong nước không đảm bảo chất lượng.
 
Đến thời điểm hiện tại, nhu cầu của các ngành này cần tới khoảng 300.000 tấn muối nguyên liệu/năm. Chỉ riêng cảng Hải Phòng, mỗi năm số lượng muối nhập khẩu khoảng trên 100.000 tấn, chủ yếu để phục vụ ngành hóa chất. Muối nội khó có thể cạnh tranh được với muối ngoại bởi trong khi giá bán 1 kg muối tại Hải Phòng hiện là 2.500 đồng/kg thì giá muối nhập khẩu từ các quốc gia như Ấn Độ, Pakistan với chất lượng tương đối ổn định, đánh giá mẫu đạt tới 97-98%  giá bán chỉ khoảng 1.500-1.600 đồng/kg.
 
Cả nước hiện có 21 tỉnh, thành phố (miền Bắc có 7 tỉnh, miền Trung 7 tỉnh và miền Nam 7 tỉnh), gồm 41 huyện, 118 xã có nghề sản xuất muối, trải dài từ Hải Phòng đến Cà Mau với khoảng hơn 78.640 lao động tham gia sản xuất. Các địa phương có số lao động tham gia sản xuất muối đông như: Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Bạc Liêu, Bến Tre,…
Tổng sản lượng muối bình quân của cả nước trong 5 năm gần đây đạt trên 900.000 tấn/năm. Năng suất lao động trung bình khoảng 15 tấn/người/năm. Riêng năm 2014 cả nước có tổng diện tích diện tích muối là 14.814 ha, tổng sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn.
Đến năm 2020, khi ngành công nghiệp hóa chất có thêm nhiều dự án sản xuất sút, lượng muối công nghiệp tiêu thụ sẽ vào khoảng 900.000 tấn/năm. Nếu sản xuất muối trong nước chưa khắc phục được những điểm yếu chính về chất lượng và sự cạnh tranh giá cả thì khả năng gia tăng nhập khẩu muối vẫn hiện hữu.
 
Thời gian tới, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn sẽ càng gia tăng sự cạnh tranh, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, tiêu thụ, và thu nhập của diêm dân.
 
Đồng muối Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) hiện có 557 hộ, với 2.400 lao động sản xuất trên tổng diện tích 116 ha, sản lượng đạt 9.500 tấn/năm. Những ngày đầu tháng 9 này, giá muối tại đây đang hạ thấp chưa từng thấy, từ 1.000 – 1.200 đồng/kg hồi đầu vụ, hạ dần xuống 700 – 800 đồng/kg, nay chỉ còn dưới 500 đồng/kg. Giá muối thấp đã đành, bà con còn khó khăn hơn khi thương lái chẳng thu mua, muối vì thế cứ tồn lại. Gia đình nào có điều kiện thì chất đống trữ, hộ khó khăn thì phải bán tháo, bán đổ hoặc gánh bán dạo khắp các làng quê kiếm tiền chi phí hàng ngày.
 
Tại Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có khoảng 787ha diện tích sản xuất muối với năng suất 95 tấn/ha, sản lượng bình quân đạt 85 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, hiện giá bình quân muối rất thấp với 2.000 đồng/kg, tính ra, thu nhập bình quân của mỗi lao động làm muối chỉ đạt 750-850 nghìn đồng/tháng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc lao động trong nghề muối hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em; lực lượng lao động chính chuyển sang làm các việc khác. Tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia thu mua còn rất thấp, chỉ đạt từ 15-20%.
 
Tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) hiện có hơn 700 hecta muối, chủ yếu tập trung tại 2 phường Ninh Diêm và Ninh Thủy. Từ đầu năm đến nay, thời tiết thuận lợi nên sản lượng muối tại tỉnh Khánh Hòa tăng cao. Tuy nhiên, giá muối giảm chỉ bằng 1 nửa năm ngoái, khoảng 350.000 đồng/tấn nên bà con càng sản xuất, càng lỗ. Muối mất giá lại khó bán nên lượng muối tồn đọng trong dân đã lên đến 13.000 tấn.
 
Để gỡ khó cho ngành muối, đầu tháng 5 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành muối. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, tổng diện tích muối ổn định 14.500ha, sản lượng 2 triệu tấn, trong đó, muối công nghiệp là 8.000ha, sản lượng đạt 1.310.000 tấn. Chất lượng muối đạt chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia.
 
Ngày 23/6, Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội nghị công bố Kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành muối theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo kế hoạch, ngành muối sẽ được nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị gia tăng ít nhất 20%; xây dựng được mô hình liên kết hợp tác sản xuất muối sạch bền vững, thúc đẩy sự hợp tác của người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối.
 
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ soạn thảo Nghị định về ngành hàng muối trình Chính phủ nhằm làm rõ công tác quản lý chất lượng, phân biệt muối ăn và muối công nghiệp, các tiêu chuẩn, cơ chế chính sách,…của ngành hàng này. Trong đó, Nghị định này sẽ cố gắng tạo ra những cơ chế đột phá trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất muối để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết tốt với vùng nguyên liệu và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu./.
 

Trường Khoa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo