Câu chuyện thương lái lùng mua trái cau với giá cao ngất ngưởng đang rôm rả tại các làng quê ở Phú Yên.
|
Thương lái tìm kiếm mua trái cau với giá cao, bà con trên địa bàn tỉnh Phú Yên đổ xô đi hái trái cau bán |
Bình thường, giá mỗi buồng cau già, đẹp khoảng 5.000 đồng/kg nhưng gần một tháng nay, giá được đẩy lên 10.000 - 14.000 đồng/kg. “Mình chỉ biết bán lấy tiền thôi, còn họ đem đi đâu, làm gì thì không biết”, một người bán cau nói.
Chị Nguyễn Thị Thấm ở huyện Tây Hòa cho biết: “Gia đình tôi có 9 cây cau đã trồng được gần 10 năm. Những năm gần đây, tôi chủ yếu bán cho các cụ trong xóm ăn trầu hoặc đem ra chợ bán lẻ. Nhưng cách đây vài hôm, một thương lái đến hỏi thu mua trái cau với giá cao, không chỉ trái cau non mà kể cả cau kiểng họ cũng mua với giá từ 10.000 - 14.000 đồng/kg”. Theo chị Thấm, sau khi nghe được thông tin thương lái tìm đến mua trái cau với giá cao, bà con trong xã đã đổ xô đi hái trái cau bán, có hộ còn đốn cả cây để việc thu hoạch được dễ dàng. Thậm chí, một số người còn kêu gọi người thân, bạn bè ở các xã, huyện khác thu gom cau để thương lái đến nhà mua.
Nói rồi, chị Thấm lấy điện thoại gọi thương lái đến thu gom, cân trái cau. Chưa đầy 10 phút, một thương lái tên Thảo đến, chị Thấm dẫn chúng tôi ra vườn cau xem, thỏa thuận giá bán. “Giờ hút hàng quá chị Thấm ơi. Hàng này bên Trung Quốc chuộng lắm nên các đầu mối ngoài Bắc cứ gọi điện thúc tôi thu gom gấp. Đem cau cân nhanh lên, tôi còn đi chỗ khác thu gom. Nếu chị có người quen còn hàng thì gọi tôi đến thu mua, số lượng không giới hạn”, chị Thảo nói.
Chị Thảo cho biết thêm, nhóm của chị có 5 người, quê ở Nam Định, vào miền Trung thu mua trái cau được hơn một tuần nay. Nhóm của chị thường mua nguyên buồng, sau đó về tách trái ra khỏi cuống, đóng bao rồi chở ra ngoài Bắc bán lại cho chủ đầu mối. Nghe đâu họ luộc chín, sấy khô rồi đóng bao xuất sang Trung Quốc pha chế thuốc. Loại thuốc này có thể ngừa giun sán và một số bệnh khác.
Thời điểm này, đến các huyện trên địa bàn tỉnh Phú Yên, chúng tôi dễ dàng nhận thấy nhiều gia đình đã hái cau, cho vào bao chờ thương lái đến thu gom. Điều đáng nói là, việc thu mua trái cau để làm gì, tiêu thụ ở đâu người dân hoàn toàn không biết, còn cánh thương lái cũng chỉ trả lời lấp lửng rằng thu mua về bán sang Trung Quốc để làm thuốc.
Liên quan đến vấn đề này, Hội Nông dân tỉnh Phú Yên đã đề nghị ngành chức năng xác minh, làm rõ. “Trước mắt, Hội không rõ động cơ, mục đích của những thương lái này là gì. Cùng với nạn hái trái cau ồ ạt, thì việc săn lùng trái cau, mà đặc biệt là hình thức chặt, đốn hạ cả cây đã làm số lượng cau ngày một giảm. Ngoài ra, nếu việc thu mua này kéo dài sẽ dẫn đến nạn hái trộm trái cau ở địa phương, gây mất an ninh trật tự. Để tránh thiệt hại cho nông dân, Hội khuyến cáo người dân không nên gom ồ ạt bán cho thương lái. Trước đây, ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng từng xảy ra trường hợp thương lái lạ mặt đến thu mua lá sắn; lá, thân cây bần, ổi với giá cao ngất ngưởng nhưng sau một thời gian thì họ biến mất để bà con điêu đứng. Trong những trường hợp trên, không chỉ nông dân mà ngay cả những thương lái sau khi “ôm hận” cũng không lý giải được các loại trái, lá ấy được thu mua để làm gì”, một vị lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Phú Yên nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc thu mua trái cau không chỉ diễn ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên mà còn lan sang các tỉnh khác thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Thực trạng này đòi hỏi chính quyền các địa phương cần điều tra làm rõ thương lái thu mua cau nhằm mục đích gì, từ đó có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ nông dân tránh được những thiệt hại về kinh tế.