Xuất khẩu nông sản còn nhiều khó khăn
15:08 - 28/09/2015
(TNNN)- 8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu (XK) nông - lâm - thủy sản vẫn chưa hết khó khi kim ngạch và giá liên tục suy giảm. 
Ảnh minh họa

Việt Nam đã trải qua đợt sụt giảm dài bất thường từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 2 năm 2015. Mặc dù phục hồi trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 nhưng chưa đủ giúp thặng dư thương mại nông sản trở lại các mốc cao tương ứng năm ngoái, tiếp đó trong tháng 7 và 8 vừa qua XK nông lâm thủy sản tiếp tục suy giảm.
 
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch XK nhóm hàng nông lâm thủy sản tháng 8 ước đạt 2,38 tỷ USD, đưa giá trị XK ​trong 8 tháng ​lên mức 19,31 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2014. Khó khăn của nhóm hàng này vẫn chưa kết thúc khi hầu hết những mặt hàng chính như gạo, cà phê, cao su vẫn liên tục sụt giảm cả về kim ngạch và giá trị. Giá trị XK các mặt hàng nông sản chính sau 8 tháng ước đạt 9,18 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2014.
 
XK tôm sang các thị trường chính cũng đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái từ 14 - 54%. Trong đó, Mỹ là thị trường đứng đầu về nhập tôm Việt Nam nhưng lại sụt giảm mạnh nhất, tới 50%. Tại thị trường Mỹ, tôm Việt Nam khó cạnh tranh so với các nhà cung cấp khác như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc do giá cao, giá tôm nguyên liệu trong nước thậm chí cao hơn giá tôm nhập khẩu.
 
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, kim ngạch XK nhóm hàng nông lâm thủy sản liên tục suy giảm do kinh tế thế giới phục hồi khiến nguồn cung nhóm sản phẩm này gia tăng. Trong khi đó, nhu cầu thế giới chưa tăng tương ứng đã khiến các thị trường trọng điểm của ta giảm sút nhu cầu về hàng hóa Việt. Ngoài ra, còn do sự sụt giảm XK của cả ba mặt hàng nông sản chủ lực gồm gạo, cà phê và cao su; XK thủy sản cũng giảm. Trong đó, thủy sản và gạo đang có sự cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan, Ấn Độ. Cụ thể: Trong 8 tháng, XK cà phê đạt 874.000 tấn với tổng giá trị 1,79 tỷ USD, giảm 32,7% về khối lượng và giảm 33,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. XK gạo đạt 4,09 triệu tấn, trị giá 1,76 tỷ USD, giảm 8,6% về khối lượng và giảm 13,1% về giá trị so với cùng kỳ.
 
Bên cạnh đó là sự nổi lên của nhiều đối thủ cạnh tranh trong XK nông sản với Việt Nam như: Myanmar, Campuchia, Pakistan…. Điển hình như mặt hàng gạo, nếu như trước đây, nguồn cung thế giới chỉ tập trung vào một số quốc gia như Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ thì đến nay, nguồn cung đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều với gạo Pakistan, Myanmar, Campuchia….Gạo Pakistan hiện đang cạnh tranh với gạo Việt ở phân khúc trung bình và thấp, còn gạo Myanmar và Campuchia lại là những thương hiệu mới nổi rất được yêu thích ở phân khúc chất lượng cao.
 
 
Ngoài ra, khả năng chế biến sâu của các doanh nghiệp (DN) XK của ta chưa cao,  nên tính bền vững trong XK chưa đảm bảo. Khi có biến động trên thị trường, các sản phẩm của ta sẽ khó đứng vững, khó trở thành lựa chọn của các thị trường khi có nhiều nguồn cung.
 
Việc Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ vào tháng 8 vừa qua khiến XK nông sản sang quốc gia này khó khăn hơn do phải cạnh tranh gay gắt về giá, trong khi đây là thị trường lớn nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Mỗi năm, ta xuất sang Trung Quốc khoảng 3 - 4 triệu tấn gạo, hàng triệu tấn tinh bột sắn, sắn lát, vải thiều, thanh long, khoai lang, chuối... Tuy nhiên, theo Chi cục Hải quan Bát Xát (Lào Cai), từ đầu tháng 8 đến nay, cửa khẩu này mới xuất trên 16.000 tấn hàng nông sản; trong đó, gần 12.000 tấn đường kính trắng, 2.000 tấn gạo và 2.000 tấn mủ cao su... Hàng nông sản XK trung bình mỗi ngày chỉ bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, những mặt hàng XK số lượng lớn sang thị trường này như sắn và cao su sẽ tiếp tục gặp khó về lâu dài.
 
Tính toán từ trước đến nay cho thấy, XK nông – lâm – thủy sản mà tăng 3% thì tăng trưởng nông nghiệp sẽ tăng 1%.  Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, năm 2015 nước ta sẽ XK nông sản khoảng 32 tỷ USD. Tuy nhiên, XK nông sản dự báo sẽ tiếp tục gặp khó trong thời gian tới.
 
Việc hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại sắp được ký kết có thể mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, cần khai thác cơ hội từ việc tham gia các hiệp định thương mại để mở rộng thị trường cho nông sản Việt. Việt Nam cũng sẽ phối hợp đàm phán với từng nước để tháo gỡ các rào cản thương mại cho nông sản Việt Nam.
 
Để đẩy mạnh XK nông sản, Bộ Công Thương cũng vừa ban hành Thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20/8/2015 quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Với thông tư này, DN XK sang ASEAN sẽ được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa XK trong khu vực ASEAN, giúp XK nói chung và XK nông sản nói riêng sang khu vực này thuận lợi hơn.
 
Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai các chương trình tín dụng đặc thù hỗ trợ sản xuất, XK nông lâm thủy sản, bao gồm: Cho vay tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi và thủy sản (giãn nợ 24 tháng và được vay mới với lãi suất cho vay ngắn hạn VND tối đa 7%/năm); chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn (được cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng; hoặc được khoanh nợ tối đa 03 năm đồng thời được tiếp tục cho vay mới); cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ; cho vay tái canh cây cà phê, cho vay kinh doanh lúa gạo và cho vay tạm trữ lúa gạo; cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, lãi suất cho vay thấp hơn thông thường từ 1-1,5%/năm; mức cho vay lên đến 90% phương án, dự án; mô hình liên kết chuỗi giá trị khép kín có thời gian vay trên 12 tháng nhưng không quá 18 tháng; có thể cho vay không cần tài sản bảo đảm; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
 
Thực hiện chính sách cho vay tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (có hiệu lực từ 25/7/2015) theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, theo đó các doanh nghiệp nông nghiệp và XK nông lâm thủy sản có mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao được được cho vay không có tài sản bảo đảm đến 70-80% giá trị phương án, dự án và được hưởng cơ chế xử lý khoản nợ (khoanh nợ, xóa nợ) khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng.
 
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương: "Các giải pháp dù trước mắt hay lâu dài đều đòi hỏi sự chung tay bởi ngành nông nghiệp cần sự nỗ lực của nhiều phía như người dân, doanh nghiệp thu mua, chế biến, doanh nghiệp thương mại…. kết nối chặt hơn nhằm xây dựng những chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ chính là giải pháp để XK nông lâm thủy sản bền vững".

Đức Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo