Xâm thực, sạt lở đang là nỗi lo tại khu vực bờ biển Cửa Đại, TP Hội An.
|
Vào mùa mưa, phố cổ Hội An luôn bị nước lũ đe dọa. Ảnh: Ngọc Phó |
Cơn bão số 3 ập vào đêm 14/9 gây sóng to gió lớn, khu vực bờ biển bị xói lở nghiêm trọng, nhiều ngôi nhà đang xuống cấp trên phố cổ Hội An đang đứng trước nguy cơ sập đổ khi lũ lớn đổ về...
Từ bờ biển…
Ông Lê Công Sĩ, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, bờ biển của phường đã bị xâm lấn từ năm 2012 đến nay với chiều dài hơn 1km, ăn sâu vào đất liền nhiều đoạn từ 30 - 50m. Bãi tắm Cửa Đại là địa điểm lý tưởng thu hút đông lượng khách du lịch vào mùa nắng, nhưng nay bị xóa sổ do bị biển xâm thực, biến bờ cát thành hố sâu...
Trước đòi hỏi cấp thiết về bảo vệ bờ biển, từ tháng 10/2010, Chính phủ đã bổ sung danh mục dự án xây dựng kè chống xâm thực bờ biển Hội An vào Chương trình củng cố, nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam. Vậy nhưng, cái khó vẫn là nguồn vốn thực hiện, trong khi sóng biển vẫn đổ ầm ầm vào đất liền…
Dù ngân sách còn eo hẹp, UBND tỉnh đã ưu tiên phê duyệt Dự án kè chống xâm thực bờ biển Hội An (giai đoạn 1) vào tháng 2/2014. Dự án sau đó điều chỉnh mức đầu tư lên hơn 80 tỷ đồng, với chiều dài 1.339m. Đến nay, UBND TP Hội An đã triển khai xong việc gia cố tuyến bờ biển sạt lở bằng bao tải đựng cát xếp chồng nhiều lớp dọc nơi sạt lở, xây dựng đoạn kè xung yếu dài 100m… Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời để đối phó với tình trạng sạt lở bờ biển hiện nay và gần như không mang lại hiệu quả cao.
Ngày 7/9/2015, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với nhiều cơ quan liên quan trong nước và nước ngoài tổ chức Hội thảo Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản về Cửa sông, Bờ biển và kỹ thuật sông Hội An, với gần 30 chuyên gia, học giả nổi tiếng đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Đan Mạch… Hội thảo đi sâu phân tích tình trạng sạt lở bờ biển; đặc biệt là vấn đề biển Cửa Đại đang bị xói lở nghiêm trọng; nhằm tìm ra giải pháp căn cơ để giải quyết, vừa đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, vừa đảm bảo là một bãi biển đẹp phục vụ du lịch….
Theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc gây xói lở bờ biển Cửa Đại có liên quan đến khu vực hạ lưu sông Thu Bồn. Vì vậy, việc khai thác cát trên sông kể cả khai thác chính thức, cũng phải được rà soát lại để xác định vị trí khai thác phù hợp. Về lâu dài, cần nghiên cứu các giải pháp đồng bộ như: Triển khai trồng rừng ven biển, nghiên cứu chỉnh trị tổng thể vùng cửa sông Thu Bồn…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ khẩn cấp 100 tỷ đồng, nhằm giúp triển khai các giải pháp chống xói lở dọc tuyến sông Bà Rén (huyện Duy Xuyên) và nhất là bờ biển Cửa Đại.
… Đến phố cổ
Anh Trần Trung Hưng, Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An đưa ra kết quả khảo sát các di tích cổ xuống cấp có nguy cơ sụp đổ trong mùa mưa bão năm nay: Tổng số di tích khảo sát là 58, trong đó, di tích xuống cấp nặng 38 và 20 di tích xuống cấp nhẹ. Trung tâm hỗ trợ kinh phí chống đỡ 3 di tích, chủ di tích tự chống đỡ thêm 43 di tích, còn lại đề nghị hạ giải (dỡ bỏ di tích) vì không còn khả năng chống đỡ để đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân. Như vậy, 12 di tích sẽ bị loại bỏ vĩnh viễn và con số này không biết đến bao giờ mới dừng hẳn?
Hội An được ví là một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị cổ xưa, với kiến trúc như: Phố xá, nhà cửa, đình, chùa, miếu, hội quán, mộ cổ… Chỉ riêng khu vực phố cổ đã có hơn 1.150 di tích, chiếm hơn 90% tổng số di tích toàn TP. Nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, là vùng rốn lũ nên năm nào phố cổ cũng bị nước lũ nhấn chìm. Hàng chục ngôi nhà cổ bị tàn phá, hệ thống di tích ngày càng xuống cấp nhanh hơn…
Hiện hàng loạt ngôi nhà cổ, di tích kiến trúc nằm trong tình trạng nguy cấp như: Nhà số 26, 97 Bạch Đằng; nhà số 07, 27, 77, 79 Trần Phú; số 26 Trần Quý Cáp, Miếu Ngũ Hành Thượng số 124 Nguyễn Thái Học và trong đó có cả Chùa Cầu là kiến trúc độc đáo biểu tượng của Hội An.
Chúng tôi trực tiếp đến ngôi nhà cổ số 77 đường Trần Phú được xây dựng từ thế kỷ 17, đây là loại nhà trệt có 2 mặt tiền được kết cấu gồm khung sườn gỗ, tường gạnh, lợp ngói âm dương. Tuy nhiên, toàn bộ khung sườn gỗ đã bị mối mọt đục khoét, tường gạnh mục nát, mái ngói vỡ vụn từng mảng… Bà Trần Trúc Hiền, chủ nhà than thở, trong mùa mưa này không thể nào sinh hoạt được…
Từ năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định đưa vào danh sách các di tích có nguy cơ sụp đổ nằm trong các loại di tích đặc biệt trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng phê duyệt chủ trương lập dự án tu bổ di tích, đối với các di tích cấp quốc gia đặc biệt. Thông thường, từ lúc lập hồ sơ dự án cho đến lúc được thẩm định phải mất gần 1 năm; đồng nghĩa với việc nhiều di tích cần tu bổ khẩn cấp, đến khi được phê duyệt đã phải “hạ giải”!
Hội An hiện có 80% các di tích do tư nhân quản lý. Nhiều di tích xuống cấp nằm trong diện tài sản thừa kế của nhiều người hoặc còn đang có tranh chấp, nên không thể lập hồ sơ tu bổ… Nhiều di tích được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, còn lại chủ di tích tự bỏ ra tu bổ, nhưng người dân lại không đảm bảo được tài chính; vậy là di tích cứ tiếp tục xuống cấp theo thời gian. Năm 2015, Hội An lập kế hoạch trùng tu các di tích với hơn 6 tỷ đồng, căn cứ nhu cầu thực tế thì nguồn kinh phí trên chỉ là “muối bỏ bể”.