Ngành chức năng các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đang khẩn trương tổ chức kiểm tra mức độ an toàn của các hồ chứa nước và các công trình thủy lợi trên địa bàn.
|
Bình Định đang nâng cấp hồ chứa nước Mỹ Thuận ở xã Cát Hưng (huyện Phù Cát). |
Thực tế cho thấy, hàng chục hồ chứa nước đã xuống cấp nghiêm trọng, cần sửa chữa khẩn cấp. Nhưng câu hỏi là lấy tiền đâu?
Nhiều hồ chứa ngoài... danh mục
Ở tỉnh Quảng Ngãi hiện có 121 hồ chứa nước, qua kiểm tra, có 32 hồ đã cuống cấp trầm trọng cần đầu tư sửa chữa ưu tiên. Số hồ này tập trung tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và Đức Phổ.
Theo ông Nguyễn Mậu Văn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, hầu hết các hồ chứa xuống cấp nghiêm trọng đều được xây dựng từ cuối thập niên 80 (thế kỷ 20), theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Các hồ ra đời trong bối cảnh kỹ thuật ngành xây dựng thủy lợi chưa phát triển, đầu tư chưa đồng bộ, nên sau hơn 30 năm vận hành và hứng chịu nhiều thiên tai, hầu hết các hồ trở nên "già yếu, tàn tạ".
“Bên cạnh đó, công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên cũng không được thực hiện vì địa phương không có kinh phí”, ông Văn bộc bạch.
Cũng theo ông Văn, những hồ chứa đang xuống cấp tập trung ở các hạng mục đập đất, tràn xả lũ và cống lấy nước. “Đập đất ở các hồ chứa hầu như không có lát đá mái thượng lưu, thiết kế chiều cao đập không phù hợp với quy phạm hiện hành. Một số đập bị thấm. Tràn xả lũ phần lớn là tràn tự nhiên, chưa được kiên cố bằng bê tông hay đá xây. Cống lấy nước thì trước đây được xây dựng chủ yếu theo kiểu “nút chai”, nước mở đến đâu mở “nút chai” đến đó, nên hiện lớp bê tông đã xuống cấp trầm trọng”, ông Văn cho hay.
Trong số 32 hồ chứa cần phải sửa chữa ưu tiên ở Quảng Ngãi hiện đã có 20 hồ được đưa vào sửa chữa theo Dự án WB8, số còn lại không được xếp vào danh sách ưu tiên sửa chữa do quy mô dung tích nhỏ, nhưng nếu xảy ra sự cố thì thiệt hại đâu có nhỏ. Do đó, dù không được đưa vào Dự án WB8 nhưng những hồ này đang được ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đề xuất tỉnh đầu tư kinh phí sửa chữa, hoàn thiện theo tiêu chuẩn thiết kế mới để đảm bảo an toàn hồ chứa.
Nơi có 23 hồ chứa như “răng rụng”
Bình Định là tỉnh có đến 164 hồ chứa nước lớn nhỏ, sau nhiều nỗ lực sửa chữa, nâng cấp, đến nay vẫn còn đến 23 hồ chứa bị xuống cấp nặng.
Theo ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, qua kiểm tra cho thấy tỉnh còn nhiều hồ chứa nước có hệ thống đập đất, tràn xả lũ, chưa đáp ứng tiêu chuẩn phòng chống lũ do Bộ NN-PTNT quy định. Những hư hỏng của các hồ chứa chủ yếu là hệ thống đập đất bị thấm nước qua nền, thân đập, hoặc thấm dọc theo cống lấy nước. Mái thượng lưu đập đất bị sạt lở, lớp đá lát khan bị bóc khỏi mái đập; mái hạ lưu xói lở do ảnh hưởng của mưa lũ hàng năm; cao độ và chiều rộng đỉnh đập không đảm bảo, không có đường quản lý hoặc có nhưng hư hỏng, không sử dụng được.
“Qua kiểm tra 164 hồ chứa nước, có đến 46 công trình, hạng mục công trình bị xuống cấp, trong đó có 23 công trình có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ. Đáng chú ý là trong các đợt mưa lũ lớn xảy ra cuối năm 2016, có 5 hồ chứa phải đào khẩn cấp tràn xả lũ để tiêu thoát nước, đảm bảo an toàn đập. Đó là các hồ: Cây Me, Hố Cùng, Thuận An, An Tường ở huyện Phù Mỹ và hồ Hóc Huy ở huyện Phù Cát”, ông Hải cho biết.
Không chỉ những hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý xuống cấp, nhiều hồ chứa lớn do tỉnh quản lý cũng lâm cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Cty TNHH KTCTTL Bình Định, cho biết thêm: “Hiện nay, trong số 15 hồ chứa thủy lợi do công ty quản lý có 2 hồ đang bị xuống cấp nặng nề, đó là hồ Núi Một ở TX An Nhơn và hồ Vạn Hội ở huyện Hoài Ân.
Đáng quan ngại là hồ Núi Một hiện hệ thống cống lấy nước của hồ bị hư hỏng gây rò rỉ, thẩm lậu qua đập đất; tràn xả lũ bị sạt lở nặng, không đảm bảo an toàn. Còn hồ Vạn Hội, các đợt mưa lũ lớn xảy ra vào cuối năm 2016 làm sạt lở núi bồi lấp lòng hồ, gây thiệt hại nặng đến thân đập và tràn xả lũ. Hiện nay, công ty đang đề nghị UBND tỉnh và ngành chức năng hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp nhưng chưa có tiền”.
+ “Hằng năm, đến tháng 6 tháng 7 là ngành chức năng tổ chức kiểm tra toàn diện vấn đề an toàn hồ đập và các công trình thủy lợi. Nếu có công trình nào không đảm bảo là khẩn cấp sửa chữa ngay. Những hồ chứa có dung tích chứa trên 1 triệu mét khối nước, chủ hồ phải lập phương án PCLB riêng, những hồ nhỏ hơn thì theo phương án PCLB của xã đang quản lý”, ông Nguyễn Mậu Văn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Ngãi.
+ “Năm nay, từ nguồn vốn vay bổ sung của Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp miền Trung do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ, Bình Định đã đầu tư 58 tỉ đồng để sửa chữa hồ chứa nước Hội Khánh và Mỹ Thuận. Đồng thời, từ đầu tháng 7 tới, đơn vị chức năng cũng sẽ khởi công nâng cấp, sửa chữa hệ thống cống lấy nước, tràn xả lũ hồ chứa nước Núi Một với tổng vốn đầu tư 64 tỉ đồng do Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn”, ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, cho biết.
|