Cần ngăn chặn dịch cúm gia cầm
17:03 - 27/04/2017
(TNNN) - Chăn nuôi gia cầm là một nghề truyền thống của nước ta, hiện nay đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và giữ một vị trí quan trọng trong ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, đa phần được chăn nuôi theo phương thức nông hộ, qui mô nhỏ lẻ thiếu tập trung do đó việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn.
Mô hình "Chăn nuôi an toàn sinh học" là biện pháp hữu hiệu phòng chống dịch cúm gia cầm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm A/H7N9 ngay sát biên giới Việt Nam như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, để phòng chống hiệu quả, ngoài việc tăng cường giám sát, quản lý gia cầm nhập lậu, cần đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi an toàn, bền vững với phương châm “phòng bệnh là chính”.


 
Những năm qua, lực lượng khuyến nông đã tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi gia cầm vào sản xuất thông qua các chương trình, dự án, đào tạo tập huấn và thông tin tuyên truyền. Đưa nhanh những tiến bộ kỹ thuật được công nhận ở lĩnh vực giống, thức ăn chăn nuôi, chuồng trại, xử lý môi trường chăn nuôi, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAHP, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Từ năm 2011 - 2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai và quản lý 6 dự án khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm với quy mô 1.036.230 con với 9.739 hộ tham gia. Các dự án đã triển khai tập huấn kỹ thuật cho 8.148 lượt người trong và ngoài mô hình; tổ chức cho 6.470 người tham quan nhân rộng mô hình.
 


Bên cạnh đó, thông qua các chương trình “Tư vấn Khuyến nông” trên Kênh truyền hình Nông nghiệp nông thôn VTC16; chương trình tọa đàm “Giải pháp chủ động phòng chống dịch cúm A/H7N9” do kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tư vấn, chia sẻ, hướng dẫn và giải đáp các câu hỏi, băn khoăn của nông dân về các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch cúm A/H7N9, giúp bà con có giải pháp cấp bách và lâu dài chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, và dịch cúm A/H7N9 trong nông hộ.


 
Đặc biệt, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh biên giới phía Bắc” tại 7 tỉnh biên giới gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu và Quảng Ninh. Từ 2014 đến 2016, dự án đã xây dựng và hỗ trợ 15 máy ấp nở, cung cấp 28.000 con gia cầm bố mẹ và tạo ra hơn 1,4 triệu con gia cầm thương phẩm, giúp giảm nguy cơ nhập lậu, góp phần phòng chống dịch bệnh, nâng cao năng lực sản xuất giống gia cầm tại chỗ cho cán bộ khuyến nông và nông dân, tạo thói quen mua giống từ cơ sở ấp trứng, mua gia cầm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được tiêm phòng vắc - xin đầy đủ trước khi xuất bán.
 


Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm hiện nay, để đảm bảo cho chăn nuôi gia cầm an toàn và bền vững, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ và có sự tham gia quyết liệt của chính quyền và nhân dân địa phương. Khuyến khích các tỉnh duy trì tốt hoạt động các máy ấp, máy nở tại các huyện sát biên và phát triển đàn gia cầm bố mẹ để đảm bảo cung cấp gia cầm thương phẩm chất lượng cho nông dân vùng biên giới phía Bắc; thực hiện công điện của Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán giết mổ, tiêu thụ sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi từng bước chuyển dần từ chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung. Hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và theo hướng VietGAP. Các địa phương cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào dây chuyền giết mổ, chế biến và bao tiêu sản phẩm gia cầm, giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
 


Để ứng phó với dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, đẩy mạnh chăn nuôi bền vững, ngành chức năng, các địa phương cần quy hoạch, rà soát lại quy hoạch các vùng chăn nuôi gắn với an toàn dịch bệnh, kiểm soát môi trường. Các địa phương có giống gia cầm bản địa chất lượng cao, đặc sản (gà Tiên Yên, gà Đông Tảo, gà Hồ…) và xem xét quy hoạch vùng giống nhân dân để quản lý chất lượng con giống, sản xuất với số lượng lớn cung cấp cho người chăn nuôi.
 


Về kỹ thuật, tổ chức lại hệ thống chọn lọc, nhân giống và cung ứng giống cho sản xuất. Khuyến khích sử dụng thức ăn công nghiệp tại các trang trại lớn, khuyến cáo và hướng dẫn nông dân sử dụng các nguyên liệu có sẵn (thóc, ngô,…). Giám sát chặt chẽ dịch cúm gia cầm, chủ động tiêm phòng đầy đủ vắc - xin các bệnh dịch nguy hiểm theo quy định; thiết lập và chứng nhận các vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.
Về tổ chức sản xuất, hướng dẫn người chăn nuôi phát triển sản xuất thành các gia trại, trang trại, liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp hoặc thông qua Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Phổ biến các kinh nghiệm về tổ chức lại liên kết giữa các khâu trong sản xuất chăn nuôi, tiến tới sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế.
 

Hải Nam
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo